“Bạn người nghèo” thành “cây làm giàu”

“Bạn người nghèo” thành “cây làm giàu”
TP - Trong khi nhiều tỉnh thành khác chỉ coi sắn là “bạn của người nghèo”, thì tại Tây Ninh, từ nhiều năm qua sắn đã được nhiều chủ trang trại chọn là “cây làm giàu”.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, Tây Ninh hiện đang là “thủ phủ sắn” của cả nước. Trong tổng diện tích khoảng 170 nghìn ha sắn cả nước, Tây Ninh có 45 nghìn ha, đứng thứ nhì sau tỉnh Gia Lai gần 60 nghìn ha. Do ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt, năng suất sắn Tây Ninh bình quân 40 tấn củ tươi/vụ/ha, cá biệt có vùng lên tới 80 tấn/vụ/ha. Vì vậy, lợi nhuận trồng sắn tại Tây Ninh dao động từ 60-80 triệu đồng/vụ/ha. Còn tại Tây Nguyên, vùng trồng sắn lớn thứ hai của cả nước, sắn chỉ được xem là cây cứu đói. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk Y Kanin khẳng định: Đồng bào Tây Nguyên xưa nay vẫn coi sắn là “bạn của người nghèo” với lối canh tác thô sơ, giống cũ thoái hóa, năng suất trung bình chỉ 15-18 tấn củ/ha.

Cả nước có 94 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp, trong đó riêng Tây Ninh có 40 nhà máy, phải nhập khẩu một lượng lớn sắn nguyên liệu từ Lào và Campuchia. Tại Hội thảo chuyên đề về cây sắn tại TP Buôn Ma Thuột, trong lúc đại biểu một số tỉnh thành khác băn khoăn cho rằng sắn là loại cây làm nghèo dinh dưỡng đất, lấn rừng, giá cả bấp bênh, lắm phen khiến người trồng điêu đứng, thì các chuyên gia lại khẳng định nếu đầu tư đúng theo các quy trình sản xuất tiên tiến, thì việc thâm canh sắn vẫn có thể đạt các tiêu chí an toàn, thân thiện môi trường, điều mà một số doanh nghiệp hàng đầu về sắn tại Tây Ninh đã chứng minh đủ sức thuyết phục trong hàng chục năm qua.

MỚI - NÓNG