Hai bài kiểm tra nhận điểm 1 của học sinh. |
Sự việc đã qua hơn 20 ngày. Con chị đã chuyển đến trường mới. Trong tâm trí của chị vẫn chất chứa nhiều bức xúc.
Chị nói, biết chương trình học nặng nên không chọn cho vào trường điểm mà chỉ hướng cho con vào trường bình thường để bớt áp lực. Nhưng, ngay cả đến trường bình thường cũng... không yên.
Năm học mới bắt đầu được hai tuần, sổ liên lạc của con chị bị một điểm với lời phê của cô giáo dạy tiếng Anh "chưa làm đủ bài tập".
Trong khi đó, chị đã kèm con kỹ lưỡng. Gọi điện cho chủ nhiệm để thắc mắc. Sau khi hứa sẽ hỏi cô giáo tiếng Anh, cô chủ nhiệm niềm nở mời con chị đi học thêm.
Nghĩ là nhà không có người đưa đón, lại tự tin với vốn kiến thức học ở Trường ĐH Ngoại thương có thể kèm con học được ở nhà, chị từ chối việc đi học thêm của con.
Hôm sau, con chị lại nhận điểm một của cô tiếng Anh, cũng với nhắc nhở "chưa làm đủ bài tập".
Từ đó, hôm nào đi học về, cháu cũng có rất nhiều bài tập tiếng Anh: bài tập trong vở, bài tập trong sách giáo khoa.
Vậy là tối nào hai mẹ con cũng phải bò ra để hướng dẫn cho con hoàn thành bài tập cô giao, kết thúc thường là trước 12 giờ đêm. Nhưng điều không bình thường là con chị là lúc nào cũng trong trạng thái lo sợ.
Sự việc đẩy lên cao trao khi hai tháng sau đó, cháu đem sổ liên lạc về nhà.
Chị không tin nổi vì trong sổ có phê "vô lễ với cô giáo". Điều này làm chị bất ngờ vì bản tính con mình khó mà có hành vi như vậy.
Sau một hồi gặng hỏi, cháu nói "con không hiểu vì sao lại bị phê như thế. Lý do chỉ là khi cô giáo tiếng Anh hỏi từ mới, con trả lời nhỏ. Lập tức,cô ném vở ra cửa lớp kèm theo lời phê như vậy". Rồi cháu khóc.
Để minh oan, chị liên lạc với cô giáo chủ nhiệm để "cùng phối hợp giáo dục". Nhưng cách hành xử của cô giáo chủ nhiệm cộng với sự để ý quá mức của cô giáo tiếng Anh khiến chị thất vọng.
"Tôi thất vọng với cách giáo dục chạy theo thành tích. Thất vọng với việc ngành giáo dục sa sả rao giảng "giáo dục hiệu quả cần sự phối hợp gia đình - nhà trường và xã hội" nhưng lại không làm như vậy. Các cô đang dạy các cháu làm người không trung thực" - chị không giấu nổi nỗi buồn sau sự bức xúc.
Điều đau đớn, như chị thuật lại, là con mình bị ép nhận tội bằng cách: cô giáo chủ nhiệm đọc từng câu, từng chữ để cháu viết bản kiểm điểm nhận tội vô lễ.
"Cũng bởi vậy cháu càng sợ hơn. Vô tình đọc nhật kí, tôi mới thấy cháu có những suy nghĩ không bình thường" - chị chua xót.
Cháu viết "...Vào giờ học tiếng Anh, tôi chỉ muốn chặt đầu đi. Bởi vì tôi chỉ toàn ăn trứng ngỗng".
Sợ con mình nghĩ dại, chị đã chuyển trường cho con trong vô vàn câu hỏi không có lời giải. Những cô giáo như cô chủ nhiệm và cô dạy tiếng Anh có nhiều không? Tại sao các cô lại áp dụng phương pháp dạy trẻ như thế? Liệu khi sang trường mới, cháu có bị ám ảnh những "tấm gương" hành hạ học sinh như vậy nữa không?...
Cầm bản kiểm điểm cháu đưa, chị đã sốc. Cậu con trai 12 tuổi khóc ròng vì cảm giác oan ức. Chị đã không kí bản kiểm điểm. Môt vài lần, cô chủ nhiệm giục giã cháu nộp bản kiểm điểm.
Để cứu con, chị quyết định chuyển trường.
Dưới đây là bản kiểm điểm cô giáo chủ nhiệm lớp sáu đã đọc cho cậu học trò 12 tuổi viết. Một bản kiểm điểm mà theo cháu và gia đình là hoàn toàn áp đặt theo ý kiến cá nhân cô giáo:
"Ngày 15/11/2011. Kính gửi....Em tên.... Lí do em viết bản kiểm điểm là vì: Ngày 7/11/2011, trong giờ tiếng Anh, cô giáo chép từ mới lên trên bảng. Các bạn chép xong hết rồi, em ngồi dưới không chép bài. Cô đi kiểm tra thì thấy em không chép bài. Cô đứng lại hỏi vì sao em không chép bài. Em không trả lời cô. Cô giáo vẫn tiếp tục hỏi rất nhiều lần vì sao em không chép bài. Em vẫn không trả lời cô. Với một thái độ rất coi thường, khiến cô rất giận. Trong khi đó em còn rất hay làm thiếu bài tập tiếng Anh và trong giờ tiếng Anh khác. Vẫn có lúc em không chép bài vì những lí do trên nên cán bộ lớp nhắc em ghi vào sổ liên lạc là vô lễ với giáo viên. Em thấy lỗi đó hoàn toàn chính xác. Khi về nhà mẹ em có xem sổ liên lạc thấy em mắc lỗi. Mẹ hỏi em vì sao em vô lễ với giáo viên. Câu trả lời của em đối với mẹ là không đúng sự thật. Em không trung thực trong học tập khiến bố mẹ hiểu sai về các thầy cô. Em viết bản kiểm điểm này để nói rõ sự thật và nhận lỗi của mình. Mong các thầy cô tha lỗi cho em. Em xin hứa...." |
Theo Nguyễn Hiền
Vietnamnet