Băn khoăn về 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủng hộ chủ trương làm dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, song đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý đến tiến độ triển khai, nguy cơ đội vốn cũng như hiệu quả đầu tư "siêu dự án" này.

Hiệu quả kinh tế - xã hội ra sao?

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Vẫn giữ quan điểm cá nhân hơn 10 năm trước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) khẳng định “rất cần thiết” phải đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với vận tốc 350 km/giờ.

Qua thực tế trải nghiệm ở một số nước, theo ông, tốc độ này để ly cà phê trên bàn không bị đổ, cũng rất thuận lợi để làm việc trên tàu, góp phần thu hút du lịch trong ngoài nước.

Băn khoăn về 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ảnh 1

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Như Ý.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, điều cử tri còn băn khoăn (trong đó có chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học) là làm thế nào để hiện thực được mục tiêu giữa ý muốn và năng lực tổ chức, thực hiện, tức là hiệu quả kinh tế xã hội.

Đại biểu phân tích, cũng là một dự án, nhưng quốc gia khác họ làm trong 5 năm, còn mình làm 10 năm, 15 năm chưa xong; họ làm 10 đồng, mình làm 20, 30 đồng.

Thực tế, hàng loạt dự án đắp chiếu vẫn diễn ra, Tổng Bí thư đã chỉ rõ và “điểm trúng huyệt” về thực trạng lãng phí lớn trong các dự án. "Khi chuẩn bị đầu tư thì rất khả thi, hiệu quả, nhưng 10 năm sau lại thành gánh nặng tài chính”, đại biểu cảnh báo.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu thách thức cần phải lưu ý về ngân sách đầu tư và nợ công trong dự án này. Với một dự án lớn như thế, ngân sách cân đối được thì không lo, nhưng nếu 30 năm sau phải gánh còng lưng bù lỗ, con cháu phải trả nợ là điều đáng lo ngại.

“Ngân sách cũng là tiền thuế của dân, nếu chỉ người giàu có tiền mua vé giá cao, còn người nghèo không được đi, nghĩa là phải lấy thuế của toàn dân bù cho tầng lớp thượng lưu đi đường sắt đó”, ông Nghĩa nêu.

“Nếu không liên thông quốc tế sẽ là cái bẫy trong quá trình đầu tư”

Cùng cho ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (đoàn Hà Nội) nhận định, đường sắt Việt Nam đang phát triển rất chậm so với các nước trên thế giới. Ông cho rằng cần phải nhìn vấn đề này thành một chương trình trọng điểm cấp quốc gia, chương trình nâng cấp ngành đường sắt và công nghiệp phụ trợ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, đường sắt đô thị đóng vai trò rất quan trọng. “Tôi chưa hình dung trong vòng 30 năm tới, một hình thức vận tải nào có thể thay thế đường sắt đô thị, nhất là các đô thị trên 1 triệu dân”, ông Trúc Anh nêu.

“Phải nhìn đường sắt đô thị và vận tải lớn trong một chương trình tổng thể trong đó có cao tốc Bắc - Nam mới chuẩn. Tiền chúng ta không ngại. 150 tỷ USD không là gì nếu chúng ta thành công nội địa hoá được, hiệu quả lợi ích kinh tế mang lại còn lớn hơn rất nhiều”, đại biểu Trúc Anh cho hay.

Với chiều dài đất nước và các vùng kinh tế trọng điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tạo sự lan tỏa.

Băn khoăn về 'siêu dự án' đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ảnh 2

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Như Ý.

“Phát triển đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt của Bắc Á, sẽ giải quyết được vấn đề xuất khẩu hàng hoá. Tôi kỳ vọng phát triển đường sắt này để giải quyết vấn đề logistis, vận chuyển hàng hoá phục vụ xuất khẩu, kết nối được với quốc tế”, ông Cường nêu.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội băn khoăn khi tuyến đường sắt đề xuất chỉ vận chuyển hành khách, hàng hoá chỉ là đa dụng trong trường hợp cần thiết. Hàng hoá thì dùng hệ thống đường sắt cũ, nhưng lại không kết nối liên thông được với quốc tế do khổ 1m43.

“Đi đến một điểm nào đó sẽ phải dừng lại thì không còn giá trị. Vì thế hiện giờ hàng hoá đang phải vận chuyển trên đường bộ là chủ yếu”, ông Cường đề nghị tuyến này là lưỡng dụng, bao gồm cả hàng hóa và hành khách để giải quyết nhu cầu vận tải hàng cho liên thông quốc tế.

“Nếu không liên thông quốc tế sẽ là “cái bẫy” trong quá trình đầu tư”, ông Cường cho hay.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.