Băn khoăn giữa bạn trai nghèo và đại gia bỏ vợ

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Em 24 tuổi, bạn trai 25 tuổi, yêu nhau được 2 năm rưỡi rồi, cùng làm việc tại Hà Nội. Anh ấy là người sống tình cảm nhưng khá an phận.

Anh đang làm cho một công ty với mức lương 5 triệu đồng, còn em làm nhân viên bán hàng với lương 4 triệu. Nói chung bọn em phải rất khó khăn để sống và sinh hoạt với số tiền ít ỏi này. Cũng có vài lần bọn em cãi nhau và chia tay nhưng lại quay về với nhau.

Bọn em muốn tổ chức cưới vào cuối năm nay nhưng bố mẹ em phản đối dữ dội vì cho rằng hai quê ở quá xa nhau (em ở Ninh Bình còn anh ở Quảng Trị). Hơn nữa, bố mẹ em lo lấy anh thì em sẽ khổ. Em cũng thấy nếu kết hôn với anh thì về vật chất em sẽ chẳng có gì.

Bố mẹ bắt em phải gặp một người con trai khác là chủ cửa hàng thiết bị ôtô, 37 tuổi và từng có một đời vợ. Anh ấy nhắn tin hỏi thăm em khá thường xuyên nhưng em không hề có tình cảm. Bố mẹ em chỉ muốn em cưới anh này. Em băn khoăn quá, không biết nên theo bố mẹ hay nghe theo tiếng gọi của trái tim? (Thủy)

Trả lời:

Tôi đọc lá thư của em và hình dung em là cô gái chung thủy tốt bụng nhưng có vẻ khá bị động trong tình cảm và cũng dễ “ngả nghiêng” theo những quyết định của người thân trong gia đình. 

Điều gì khiến các em vẫn quay lại với nhau sau nhiều lần chia tay? Phải chăng là sự chấp nhận và tâm lý ngại thay đổi trong tình yêu? Như em chia sẻ thì bạn trai em là người sống an phận. “An phận” chính là cậu ấy đang chấp nhận một cuộc sống như thực tại, với công việc như thế, không có định hướng cho tương lai và ngại thay đổi.

Hiện tại tôi thấy vấn đề khó khăn nhất của em chính là sự phản đối của gia đình khi muốn kết hôn với bạn trai của mình vì hai lý do: Quê các em quá xa nhau và anh ấy không có chí tiến thủ. Chúng ta sẽ bàn bạc chi tiết từng vấn đề để em xem xét và đưa ra hướng giải quyết cho phù hợp nhé:

Thứ nhất là về quê quán: Các cụ xưa thường có câu “có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho” để chỉ những thuận lợi khi con gái lập gia đình gần bố mẹ. Ở đây thường hay chú ý nhiều đến sự báo hiếu đáp trả công ơn sinh thành của bố mẹ khi tuổi già sức yếu. Có thể tâm lý bố mẹ em cũng đang lo lắng vì em lấy một người quá xa về địa lý sẽ gây khó khăn khi thăm hỏi hai bên nội ngoại, sau này có con cái ông bà cũng khó qua lại thăm nom, cũng như em ít có cơ hội được gần gũi mọi người.

Tuy vậy, theo tôi thấy thì các em đang lập nghiệp ở Hà Nội - là một nơi trung lập cho cả hai bên, kể cả khi lập gia đình rồi thì các em vẫn có thể dành thời gian về thăm hai bên gia đình như mong muốn, hoặc mọi người ở quê có thể lên thăm các em. Nếu không có ý định định cư tại Hà Nội do điều kiện kinh tế thì cả hai cần phải có kế hoạch rõ ràng về việc sau này sẽ làm gì, sống ở đâu, thì lúc đó mới thuyết phục được bố mẹ.

Hơn nữa các phương tiện xe cộ hiện nay rất phong phú, các em đều có thể dễ dàng lựa chọn cho mình phương tiện phù hợp để di chuyển và thăm hỏi mọi người. Cho dù việc đi lại quá xa cũng khá vất vả nhưng quan trọng là em phải biết được mình thực sự mong muốn điều gì thì lúc đó em mới có cơ hội thuyết phục bố mẹ.

Thứ hai là về tính cách của anh ấy: Rất nhiều người có quan niệm rằng là nam giới thì cần phải có chí hướng để sau này còn làm trụ cột trong gia đình. Đây cũng là khó khăn của rất nhiều chàng trai khi luôn phải mang trên mình trọng trách nặng nề đó. Quan niệm này còn gây áp lực với chính người nữ có ý định kết hôn bởi mong muốn được có một người chồng trụ cột sẽ giúp cô ấy đỡ phải lo lắng về kinh tế cũng như tinh thần.

Em ạ, bố mẹ em yêu thương và mong muốn em tìm được một nơi chốn tốt để kết hôn là điều đúng đắn. Tuy vậy với cuộc sống hiện nay, nam nữ đều bình đẳng trong các cơ hội làm kinh tế cũng như thực hiện bổn phận trong gia đình. Khuyến khích bạn mình tìm kiếm một cơ hội công việc tốt hơn không có nghĩa là đặt lên vai anh ta một gánh nặng và buộc phải gánh trọng trách gia đình trong khi nếu em là bạn đời, em hoàn toàn có thể chia sẻ với anh ấy điều này.

Vì vậy, với hai lý do trên, tôi nghĩ em hoàn toàn có đủ khả năng giải quyết nếu như em quyết định lựa chọn con đường đi của mình. Các em còn trẻ và còn nhiều cơ hội để phát triển, có thể lúc này bạn trai em chưa nhận ra rằng mình cần phải có trách nhiệm tạo nền tảng trong tương lai. Về điều này em nên chia sẻ để anh ấy cũng hiểu được vấn đề và cùng em giải quyết những khó khăn vướng mắc với cha mẹ, lên kế hoạch cho tương lai và làm cách nào để thuyết phục bố mẹ cho hợp tình hợp lý nhất.

Chuyện tình cảm em cần phải suy nghĩ thật kỹ để có lựa chọn đúng đắn. Nếu chỉ vì tìm một điểm tựa vật chất mà yên lòng kết hôn thì hôn nhân sẽ khó làm cho em hạnh phúc được khi không có tình yêu. Hãy trao đổi với bố mẹ cho em thời gian để em suy nghĩ và quan trọng nhất, xem xét mục tiêu và mong muốn của mình là gì để có những quyết định sáng suốt.

Chúc em mọi điều tốt lành trong cuộc sống.

Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.