Băn khoăn chất lượng dạy và học ngoại ngữ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Viện Khoa học Giáo dục và Ban Đề án ngoại ngữ Quốc gia vừa công bố báo cáo thường niên về dạy ngoại ngữ tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Ban quản lí Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, số lượng thí sinh được miễn thi ngoại ngữ (đa phần là tiếng Anh) tăng cao trong năm 2022, 2023 so với nhiều năm trước đó. Số lượng này ảnh hưởng đáng kể đến phổ điểm chung cũng như các mức điểm trung bình của môn Tiếng Anh trong hai năm này. Tín hiệu tích cực là số lượng thí sinh đạt điểm dưới 5 trên cả nước năm 2023 (44,8%) đã giảm đáng kể so với năm 2022 (51,5%).

Kết quả rà soát, đánh giá năng lực giáo viên tiếng Anh các cấp tại các địa phương đến năm học 2022-2023 cho thấy, giáo viên tiếng Anh đạt yêu cầu ở cấp Tiểu học là 84%, THPT là 87% và thấp nhất là THPT 77%.

Trong số 40 quốc gia tổ chức kì thi IELTS vào năm 2022, thành tích của học sinh Việt Nam đứng thứ 23. Từ năm 2017, ngành giáo dục xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Trên cả nước, số lượng học sinh đủ điều kiện được miễn thi bài thi ngoại ngữ tăng hằng năm.

Qua kết quả kì thi tốt nghiệp THPT, điểm thi trung bình của thí sinh từ năm 2021 - 2023 đạt 6/10 điểm, trong đó 42 - 50% thí sinh đạt dưới điểm 5.

TS Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội thông tin, mấy năm vừa qua điểm tuyển sinh đầu vào của Trường ĐH Ngoại ngữ rất cao, như ngành ngôn ngữ Anh phải đạt trung bình 9 điểm/môn. Ba năm gần đây, trường này phân loại sinh viên theo bậc trình độ ngoại ngữ của người học để điều chỉnh chương trình đào tạo. Trừ những sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, toàn bộ thí sinh chỉ có kết quả thi tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp THPT phải tham gia kì thi phân loại của trường.

Băn khoăn chất lượng dạy và học ngoại ngữ ảnh 1

Từ năm 2015 đến năm 2024, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kì thi THPT quốc gia, kì thi tốt nghiệp THPT Ảnh: Như Ý

Kết quả cho thấy, mặc dù đa số học sinh đạt 9 điểm tiếng Anh trong kì thi tốt nghiệp THPT nhưng phần lớn trong số đó chỉ đạt trình độ B1 (bậc 3) theo bài thi phân loại của nhà trường. “Điều đó có nghĩa do tiếng Anh đang là môn bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT nên học sinh đang học để thi đạt được điểm cao theo cách ra đề của kì thi này. Điều này không đồng nghĩa là phát triển được năng lực ngoại ngữ của học sinh. Trong suốt 2 năm vừa qua, sinh viên chỉ đạt trình độ B1 đầu vào của trường học rất vất vả. Giảng viên dạy cũng rất vất vả vì các em nghe, nói đều không được, còn đọc cũng rất khó khăn”, bà Nhung nói.

Vĩnh Phúc là địa phương có đề án riêng về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Thời gian qua, trình độ ngoại ngữ của cả học sinh, giáo viên nhà trường đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thừa nhận học sinh, giáo viên vẫn yếu 2 kĩ năng là nghe và nói. Mặc dù chương trình xã hội hóa có mời người nước ngoài giảng dạy, học sinh học tập ở trung tâm ngoại ngữ nhưng nếu trong trường không triển khai nâng cao 2 kĩ năng này thì khó có thể phát triển đồng đều 4 kĩ năng của học sinh.

Không bắt buộc thi, áp lực với giáo viên

Nhiều giáo viên tại các tỉnh thành bày tỏ băn khoăn rằng, khi ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn có ảnh hưởng tới việc dạy và học môn học này, vì tâm lý chung vẫn là thi sao sẽ học vậy.

Trong nhiều năm qua, nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, và cả nhà hoạch định chính đặc biệt quan tâm tới những rào cản mà học sinh Việt Nam đang gặp phải trong quá trình tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ, từ đó đưa ra những giải pháp giúp học sinh Việt Nam có thể bứt phá năng lực ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Theo GS Hoàng Văn Vân, ĐH Quốc gia Hà Nội, chính sách sẽ tác động trực tiếp việc dạy học ngoại ngữ. Đề cập việc ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS Vân nêu dự đoán sẽ chỉ có khoảng dưới 20% học sinh chọn môn này để thi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, việc ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc nữa sẽ tạo cơ hội giảm áp lực cho người học và người dạy, các em được học môn học đó theo đúng sở thích, năng lực của mình, giáo viên dành nhiều thời gian để phát triển năng lực toàn diện, học để sử dụng, giao tiếp của môn ngoại ngữ.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng Ban quản lí đề án ngoại ngữ Quốc gia khẳng định, không bắt buộc thi môn ngoại ngữ có những tác động tích cực, trong đó đi theo xu hướng chung trên thế giới là tăng cường đánh giá vì mục tiêu học tập.

Việc triển khai thi trên diện rộng (như kì thi tốt nghiệp THPT) khó có thể kiểm tra được đầy đủ 4 kĩ năng của môn học ngoại ngữ (nghe, nói, đọc, viết) nên đánh giá năng lực của người học khó khăn. Nhưng ở lớp, ở trường với quy mô nhỏ thì hoàn toàn có thể thực hiện đánh giá được toàn diện năng lực của người học. Hơn nữa, yêu cầu của chương trình là người học phải đạt được chuẩn đầu ra theo quy định. Do đó, việc có thi tốt nghiệp bắt buộc hay không, bà Hữu khẳng định không ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả của việc dạy và học môn học này.

MỚI - NÓNG
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
TPO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến 9h sáng nay (11/9), lượng nước về hồ chứa thuỷ điện Thác Bà đã giảm xuống còn 3150 m3/s, tổng lưu lượng xả là 3200 m3/s (lượng xả nhiều hơn nước về hồ). Thủy điện đã mở 3/3 cửa xả theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẵn sàng phương án ứng phó để đảm bảo an toàn đập.