Bản gốc tượng đài Thánh Dóng bị phá nát

Bản gốc tượng đài Thánh Dóng bị phá nát
TP - Bản gốc Tượng đài Thánh Dóng - Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa đặc biệt về văn hóa-lịch sử vừa bị phá tan tành, ngay tại bãi đúc tượng dưới chân núi Sóc (xã Phù Linh, Sóc Sơn - Hà Nội).

>Lễ khai quang yên vị Đức Thánh Dóng

Trước sự việc này, Họa sỹ, nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, tác giả tượng đài Thánh Dóng đã gửi đơn tới UBNDTP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền, đề nghị can thiệp, làm rõ sự việc. Trong đơn gửi UBNDTP Hà Nội đề ngày 28-3, ông Xuân cho biết: “Ngày 16-1-2012, một công ty đã huy động cần cẩu và người đến phá dỡ mẫu tượng đài Thánh Dóng của tôi đặt tại bãi đúc Tượng đài ở chân núi Sóc Sơn”. Nhà điêu khắc công trình kỷ niệm Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội này nói trong đơn, ông “rất bức xúc chuyện này” và “đề nghị UBNDTP Hà Nội và các cơ quan ban ngành làm rõ sự việc”.

Trao đổi nhanh với PV Tiền Phong chiều qua, ông Xuân cho biết, ông chỉ mới biết và tin sự việc xảy ra khi đích thân ông trở lại khu vực bãi đúc Tượng đài thời gian gần đây. “Tôi rất đau xót khi phải chứng kiến khu đúc tượng chỉ còn là bãi đất trống trơn, loang lổ vết cày xới. Chỉ còn lại một ít những mảnh vỡ tung tóe của Tượng đài và hiện nay người ta chở đi đâu tôi cũng không biết. Cả chân đế tượng, bàn thờ thắp hương, đồ thờ cúng liên quan cũng không còn một thứ nào”- Ông Xuân bức xúc.

Mất gốc

Theo ông Nguyễn Kim Xuân, bản gốc Tượng đài Thánh Dóng là bản duy nhất do ông sáng tác từ năm 2003 và liên tục sửa chữa trong vòng 6 năm cho đến khi được chính thức chọn làm mẫu đúc Tượng đài Thánh Dóng (9-2009). Ông cũng cho biết, đến nay công việc chưa hoàn tất, bởi ông đang chuẩn bị đúc thêm ba tượng đài nữa (theo nguyên mẫu) để đặt tại nơi địa đầu Tổ quốc và khu vực miền Trung. “Tôi sững sờ khi biết tin bản gốc Tượng đài Thánh Dóng bị phá nát vô cớ. Không thể tưởng tượng nổi người ta lại có thể làm một việc rất vô tâm, rất ác như vậy. Tôi mong lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ việc này” - Ông Xuân đề nghị.

Được biết, bản gốc Tượng đài Thánh Dóng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật độc đáo cao hơn 3m, nặng hơn hai tấn, được tác giả Nguyễn Kim Xuân sáng tác năm 2003. Năm 2004, UBNDTP Hà Nội chính thức chọn mẫu tượng đài Thánh Dóng của tác giả Nguyễn Kim Xuân để thực hiện xây dựng Công trình Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long -Hà Nội (QĐ số 3179/ QĐ-UB của UBNDTP Hà Nội, ngày 20-5-2004). Đây là mẫu tượng cuối cùng được chọn ra từ 28 mẫu tượng đài dự thi để đúc Tượng đài Thánh Dóng hiện nay (đặt tại đỉnh núi Đá Chồng, huyện Sóc Sơn - Hà Nội). Với tác phẩm điêu khắc Tượng đài Thánh Dóng, năm 2010-2011, Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBNDTP Hà Nội, giải thưởng của Hội VHNT Thủ đô Hà Nội; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong hoạt động kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Giá trị của bản gốc Tượng đài còn ở chỗ, đây chính là Tượng đài Thánh Dóng đầu tiên được nhân dân chiêm bái trong thời gian suốt hai năm đặt dưới chân núi Sóc. Các Nghi lễ khởi công - đổ giọt đồng đầu tiên vào ngày 9-9-2009 cho đến khi làm lễ đổ giọt đồng cuối cùng vào ngày 20 tháng giêng năm 2010 đều được thực hiện bên Tượng đài này. Bản gốc Tượng đài Thánh Dóng sẽ được hiến tặng cho một Bảo tàng tại Hà Nội sau khi tác giả đúc xong ba tượng đài Thánh Dóng khác theo dự kiến. Tuy nhiên, ông Xuân chưa kịp thực hiện thì sự việc đã xảy ra.

Ai đã giật đổ tượng đài Thánh Dóng (bản gốc)?
Ai đã giật đổ tượng đài Thánh Dóng (bản gốc)? .

Cố ý phá Tượng đài ?

Theo điều tra ban đầu của Tiền Phong, Tượng đài Thánh Dóng (bản gốc) bị phá hỏng có dấu hiệu của một việc làm có chủ ý. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Ban quản lý Tượng đài Thánh Dóng cho biết: Hôm đó là ngày cúng Ông Táo 23 tháng Chạp (16-1). Khi nghe tin có đơn vị thi công gần đó phá hàng rào bãi đúc tượng, ông Lộc từ Hà Nội lên đến nơi thì có tới cả trăm người cùng máy móc đang đào xới, san gạt. Ông Lộc đã nhắc nhở và yêu cầu nhân viên quản lý ở đó là “các anh không được đụng vào Tượng”. Tuy nhiên, sau khi ông Lộc đi khỏi một lúc thì Tượng đã bị máy móc giật đổ, vỡ tung tóe. “Tôi không nghĩ là họ lại dám làm một việc như vậy với Tượng đức Thánh Dóng. Rõ ràng là họ đã bất chấp và cố tình làm như vậy” – Ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho biết, hiện có một dự án đang thực hiện san lấp đất tại khu vực này (Dự án xây dựng khu vui chơi giải trí-thể thao sân golf quốc tế Sóc Sơn, do Cty CPĐT dịch vụ vui chơi giải trí – thể thao Hà Nội làm chủ đầu tư). Chính đơn vị thi công tại đây đã cho máy móc và người đến san lấp đất và phá hỏng Tượng đài. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc làm rõ vụ việc đề này.

“Tôi sững sờ khi biết bản gốc Tượng đài Thánh Dóng bị phá nát vô cớ. Không thể tưởng tượng nổi người ta lại có thể làm một việc rất vô tâm, rất ác như vậy. Tôi mong lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ việc này” - Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.