Ban Giao thông TPHCM lên tiếng khi bị 'chê' năng lực quản lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) đã phản hồi những nhận định của Sở Giao thông vận tải TPHCM đối với năng lực quản lý của đơn vị.

Đề xuất thành lập Ban Quản lý dự án giao thông trọng điểm

Trước đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM nêu, sắp tới dự án của TPHCM tăng cả quy mô lẫn số lượng thì sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành dự án của Ban Giao thông. Do đó, Sở đề xuất Sở Nội vụ, trình UBND TP.HCM xem xét thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải (Ban Quản lý dự án) trực thuộc UBND TPHCM.

Theo Sở GTVT TPHCM, hiện thành phố chỉ có Ban Giao thông là đơn vị quản lý dự án chuyên ngành giao thông vận tải. Ban Giao thông đang là chủ đầu tư 162 dự án và thực hiện công tác giám sát nhà nước 8 dự án PPP; trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C. Trong khi đó, ban này chỉ có 239 nhân sự với 5 phòng chuyên môn và 10 ban điều hành dự án.

Ban Giao thông TPHCM lên tiếng khi bị 'chê' năng lực quản lý ảnh 1
Dự án Vành đai 3 TPHCM do Ban giao thông làm chủ đầu tư. Ảnh: Hữu Huy

Thời gian qua, trong các giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án mà Ban Giao thông phụ trách tồn tại hạn chế, thiếu sót ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.

Sở này dẫn chứng, TPHCM là đô thị đặc biệt nên công tác quản lý dự án liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và có tính đặc thù như: quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị; quản lý trật tự đô thị; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất khó khăn phức tạp. Do đó, đòi hỏi cán bộ quản lý dự án phải có trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm, năng lực quản lý và kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Với việc tăng thêm quy mô và số lượng dự án trong thời gian tới, nếu vẫn chỉ duy trì một ban quản lý dự án chuyên ngành như Ban Giao thông hiện nay sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành dự án, rất khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án và không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Theo GTVT TPHCM, về chức năng - nhiệm vụ, Ban Quản lý dự án sẽ làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các công trình, dự án chuyên ngành giao thông vận tải có quy mô dự án quan trọng quốc gia, nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các dự án khác thuộc chuyên ngành giao thông vận tải sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách ngoài đầu tư công khi được giao.

Về tổ chức, bộ máy Ban Ban Quản lý dự án gồm lãnh đạo Ban, các phòng chức năng, nghiệp vụ như văn phòng, phòng kế hoạch - tổng hợp, phòng kỹ thuật - thẩm định, phòng tài chính - kế toán và khối điều hành dự án là các ban điều hành dự án.

Nhân sự của Ban Quản lý dự án được điều động từ nguồn nhân sự đang quản lý một số dự án quy mô lớn, các đơn vị trực thuộc Sở GTVT, các ban quản lý dự án khu vực của quận, huyện và từ nguồn tiếp nhận, tuyển dụng mới.

Ban Giao thông lên tiếng

Sau đề xuất của Sở GTVT TPHCM, Ban Giao thông đã có văn bản gửi Sở Nội vụ TPHCM phản hồi ý kiến.

Theo đó, Ban Giao thông chưa đồng tình với một số nội dung do Sở GTVT TPHCM báo cáo. Đơn vị này cho rằng Sở GTVT đã sử dụng nhiều số liệu, nhận định chưa chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất sự việc... dẫn đến nhiều nhận định, kết luận chưa khách quan, chưa phù hợp.

“Cách nhận định trên sẽ dễ gây ra ngộ nhận là mọi chậm trễ hiện nay đều có nguyên nhân từ Ban Giao thông. Việc triển khai dự án trong 2 năm qua có rất nhiều nguyên nhân làm tiến độ kéo dài, như phải tính toán lại dự án với quy mô dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài thay đổi từ 4 làn xe hạn chế lên 4 làn xe hoàn chỉnh theo chủ trương mới”, Ban Giao thông nhận định.

Ban Giao thông TPHCM lên tiếng khi bị 'chê' năng lực quản lý ảnh 2
Việc quản lý của Ban Giao thông bị Sở GTVT TPHCM đánh giá là còn nhiều bất cập.

Lý giải thêm, Ban Giao thông cho hay, tuy tổng số lượng dự án ban được giao làm chủ đầu tư là 162 dự án nhưng trong đó đã bao gồm 67 dự án đã và đang quyết toán hoàn thành, 24 dự án đang chuẩn bị đầu tư nên nhiệm vụ. Công tác trọng tâm trên thực tế chỉ tập trung vào 71 dự án, bao gồm 23 dự án đang trực tiếp thi công và 48 dự án đang tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng và hiện nay.

Nếu cập nhật đặc điểm thực tế của các dự án Ban đang quản lý thì con số này sẽ là 10 người quản lý một dự án đang triển khai (239 người chia cho 23 dự án đang triển khai.

Bên cạnh đó, Ban Giao thông không đồng ý nhận định của Sở GTVT TPHCM cho rằng Ban Điều hành dự án của Ban Giao thông không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền. Đơn vị lý giải: Theo quy định và yêu cầu về tinh gọn tổ chức, bộ máy các cơ quan nhà nước, mỗi Ban chỉ có 1 Ban giám đốc và các Ban Điều hành dự án trực thuộc và với giải pháp phân cấp, phân quyền tối đa cho các trưởng ban trực thuộc, các đơn vị này vẫn có thể chủ trì làm việc, phối hợp hàng ngày với các địa phương...

Ban Giao thông đặt câu hỏi: “Ban Quản lý dự án chuyên ngành nếu được thành lập theo kiến nghị của Sở GTVT TPHCM sẽ khắc phục bất cập này như thế nào? Mỗi Ban Điều hành dự án trực thuộc sẽ có con dấu riêng, kế toán riêng...để đủ thẩm quyền giao dịch với các địa phương?”

Ban Giao thông thống nhất là cần phải tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông nhưng không đồng ý cách lựa chọn các thông tin, dữ liệu, phân tích, nhận định của Sở GTVT vì các lý do như đã nêu trên

Trong trường hợp UBND TP, Sở GTVT TPHCM nhận thấy trong những năm sắp tới cần có thêm một Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc UBND TP, Ban Giao thông đề xuất Ban Quản lý dự án giao thông mới sẽ có chức năng, nhiệm vụ tương tự như Ban Giao thông hiện nay và có thêm nhiệm vụ quản lý các dự án giao thông triển khai theo phương thức PPP và các dự án mang tính thí điểm, đột phá về cơ chế trên tinh thần Nghị quyết 98.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.