Tây Nguyên quay quắt vì hạn hán

Kéo ống lên rẫy
Kéo ống lên rẫy
TP - Chưa vào đỉnh điểm mùa khô song tình trạng thiếu nước tưới tiêu, thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nhà nông phải tìm đủ mọi cách để giải tỏa “cơn khát” bỏng rát này. 

Mấy ngày nay, anh Phạm Văn Lợi (phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ) lo lắng tìm nguồn nước tưới cho 4 ha cây trồng xen canh gồm cà phê, tiêu, bơ… Gia đình anh đang tưới nước đợt 2 cho cây cà phê nhưng nước giếng tụt giảm sâu. Cứ tưới khoảng 2 tiếng là hết nước phải dừng, chờ nước. Do rẫy cách xa ao hồ, suối nên nguồn nước duy nhất phục vụ tưới tiêu đều trông chờ vào 3 giếng khoan, mỗi giếng sâu 60 mét.

Những năm trước, giếng vẫn cung cấp đủ nước tưới cây trồng trong suốt mùa khô. Tuy nhiên năm nay thời tiết nắng nóng khắc nghiệt làm suy giảm nguồn nước ngầm. Chưa kể nhiều nông dân vẫn còn dùng phương pháp tưới đổ trực tiếp vào gốc cây rất tốn nước, khiến cho tình trạng thiếu nước thêm nghiêm trọng. Thiếu nước tưới cà phê đang là khó khăn chung của người nông dân trồng cà phê ở xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ. 

Không chỉ cây trồng “khát” nước, người dân cũng khó khăn trong việc tìm nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Ông Nông Văn Định (thôn 4A, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) cho hay, giếng khoan nhà ông bắt đầu cạn, gia đình phải dùng tiết kiệm để chia sẻ cho những hộ xung quanh bị thiếu nước. Nhiều nhà chọn cách khoan giếng tìm nước nhưng không phải ai cũng may mắn. Có người bỏ ra hàng chục triệu đồng khoan giếng sâu 60 mét vẫn không có nước đành phải đi xin nước hàng xóm dùng, rất khổ. Ông lo lắng nếu trời tiếp tục nắng gắt giếng nước khô cạn hết.

Triệt để tiết kiệm nước 

Theo báo cáo của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk: mức độ hạn hán cao hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 8/2018-1/2019 thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, các tháng tiếp theo nền nhiệt thay đổi theo hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mực nước trên các sông từ nửa cuối tháng 2 bắt đầu giảm dần làm tăng nguy cơ thiếu nước, hạn hán xảy ra nhiều nơi. 

Nguồn tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk xác nhận vụ Đông xuân 2018-2019 toàn tỉnh có khoảng 252 nghìn ha cây trồng các loại cần tưới nước. Trong đó hơn 144 nghìn ha được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi và 107.500 ha được tưới từ nguồn nước sông, suối, nước ngầm. Đến thời điểm hiện tại (đầu tháng 3/2019) mực nước tại các hồ chứa phổ biến còn khoảng 50% so với dung tích thiết kế, một số hồ nhỏ gần đến mực nước chết và đặc biệt có 9 hồ đập đã cạn.

Theo báo cáo của các địa phương, đến nay công tác phòng chống hạn đang được triển khai tích cực theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Dự báo hạn hán có khả năng xảy ra trên diện rộng vào khoảng tháng 4/2019, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Păk, Krông Bông, Krông Buk, Ea Hleo, Cư M’gar, Ea Súp... 

MỚI - NÓNG