Một vấn đề mấu chốt mà vợ chồng ông Lộc bức xúc là chuyện kê biên và phát mãi ngôi nhà 69 Nguyễn Huệ, phường 1, thị xã Đông Hà (nay là TP Đông Hà) của gia đình ông với giá 8 trăm triệu cộng 100 ngàn đồng. Ngôi nhà mặt tiền 3 tầng (diện tích 3 tầng là 324 m2). Theo nhiều người định giá thị trường bây giờ có rẻ cũng không thể dưới 5 tỷ đồng.
Bất thường quanh việc kê biên và bán đấu giá tài sản
Ngày 23/7/2007 cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Quảng Trị ra quyết định khởi tố vụ án vợ chồng ông Phan Chí Lộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đúng 3 ngày sau (ngày 26/7/2007) cơ quan này có lệnh kê biên tài sản ngôi nhà đang ở của bị can, địa chỉ 69 Nguyễn Huệ, phường 1, thị xã Đông Hà, với bút phê của Trung tá Nguyễn Đức Cảm, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị.
Cũng ngay trong ngày 23/7/2007, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quảng Trị đã có tờ trình đến VKSND tỉnh và thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị với nội dung: Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hòa trong quá trình hoạt động kinh doanh đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại số nhà 69 đường Nguyễn Huệ, thị xã Đông Hà để vay vốn BIDV Quảng Trị. Ngân hàng này cho rằng “do điều kiện kinh doanh thua lỗ, đến hạn trả nợ bà Nguyễn Thị Hòa không trả được”, và căn cứ vào việc cá nhân bà Hòa có giấy đề nghị ngân hàng làm thủ tục bán tài sản đã thế chấp để thu nợ. Từ đó ngân hàng đề nghị VKSND tỉnh và cơ quan CSĐT “tạo điều kiện cho ngân hàng nhanh chóng bán tài sản thế chấp của hộ bà Nguyễn Thị Hòa để thu hồi nợ cho nhà nước”.
Ngày 21/7/2007, BIDV Quảng Trị định giá phát mãi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất ngôi nhà số 69 Nguyễn Huệ, thị xã Đông Hà của vợ chồng ông Lộc với giá khởi điểm là 800.000.000 đồng (trong khi chính ngân hàng này trước đó đã định giá tài sản này khi cho vay là gần 1,3 tỷ đồng). Đến ngày 27/12/2007, tài sản trên được đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, hồ sơ đấu giá lại không có tài liệu thể hiện đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Mấy tháng sau, tài sản trên được bán trong phiên giao dịch chỉ có một người đấu giá, đó là ông N.V.H với giá 800.100.000 đồng, cao hơn giá khởi điểm đúng 100.000 đồng.
Ở đây có mấy điểm bất thường, đó là nợ ngân hàng BIDV Quảng Trị của vợ chồng ông Lộc, bà Hòa không phải là nợ xấu. Chính trong tờ trình này, ngân hàng cũng đã tự mình mâu thuẫn khi xác nhận rằng: “Việc vay vốn kinh doanh và trả nợ giữa gia đình bà Hòa và ngân hàng được thực hiện thường xuyên, liên tục”. Cũng không có văn bản nào của ngân hàng này thể hiện gia đình bà Hòa không có khả năng trả nợ. Trong khi khế ước của ông bà vay nợ ngân hàng là 5 năm, khi vụ án xảy ra thì còn hơn 4 năm nữa mới đến hạn trả hết nợ. Mặt khác chỉ ít ngày trước đó (ngày 19/7/2007) khi chưa khởi tố vụ án, mọi việc kinh doanh ổn định và bình thường, gia đình bà Hòa còn cho những người thân quen mượn số tiền lên đến 1 tỷ đồng để đi xuất khẩu lao động, xong việc sẽ hoàn trả cho ông bà (như hồ sơ vụ án đã thể hiện rất rõ). Với khả năng tài chính đó, không có lý gì lại không thể trả nợ ngân hàng số tiền cả gốc lẫn lãi (đến thời điểm 23/7/2007) gần 755 triệu đồng. Trong khi ngôi nhà được ngân hàng định giá khi cho vay là gần 1,3 tỷ đồng.
Nghi vấn tờ giấy đề nghị của bà Hòa làm vào thời điểm nào (trước hay sau khi khởi tố vụ án) và đưa cho bà ký với nội dung như trên phải cần được làm rõ. Ngoài ra, vào ngày 19/7/2007, ông Lộc còn chưa bị khởi tố, bắt tạm giam, vậy thì tại sao trong tờ giấy đề nghị BIDV Quảng Trị bán tài sản thế chấp của vợ chồng bà lại chỉ có chữ ký một mình bà Hòa, mà không có chữ ký của chủ hộ là ông Lộc? Trong khi đó, đến ngày 23/7/2007 ông Lộc mới bị bắt tạm giam.
Mặt khác, đến ngày 28/11/2007 ông Lộc từ trại tạm giam mới có giấy ủy quyền cho bà Hòa xử lý tài sản thế chấp, trong khi tờ giấy đề nghị ngân hàng xử lý tài sản thế chấp của bà Hòa lập ngày 19/7/2007. Tờ giấy này lại không có ghi năm sinh, trú quán và số CMND của bà Hòa. Một tờ giấy đề nghị bán tài sản trị giá lớn nhưng thủ tục quá sơ sài, không đúng quy định của pháp luật, vậy mà vẫn được các cơ quan chức năng và hữu quan dễ dàng chấp thuận?
Ngày 19/7/2007, ông Lộc còn chưa bị khởi tố, bắt tạm giam, vậy thì tại sao trong tờ giấy đề nghị BIDV Quảng Trị bán tài sản thế chấp của vợ chồng bà lại chỉ có chữ ký một mình bà Hòa, mà không có chữ ký của chủ hộ là ông Lộc? Trong khi đó, đến ngày 23/7/2007 ông Lộc mới bị bắt tạm giam.
Về phía cơ quan CSĐT tỉnh Quảng Trị, khi tiếp nhận tờ trình của BIDV Quảng Trị lúc đầu thì không chấp nhận. Với lý do được trả lời trong công văn ngày 2/8/2007, rằng: “Qua nghiên cứu cho thấy rằng đây là tài sản có liên quan trong vụ án Phan Chí Lộc cùng đồng bọn can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do cơ quan CSĐT-Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố điều tra ngày 23/7/2007” và “để đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi” nên “đã ra lệnh kê biên tài sản với ông Phan Chí Lộc”. Nhưng về sau diễn biến lại khác hoàn toàn. Điều bất thường này cần được tìm hiểu và làm rõ...
Cũng ngay trong “Biên bản bán đấu giá tài sản” ghi ngày 27/12/2007 về ngôi nhà này có ghi rõ những người tham gia chứng kiến, gồm bà Phạm Thị Mai (đại diện BIDV Quảng Trị), ông Nguyễn Thanh Tịnh (điều tra viên, đại diện Công an tỉnh) và ông Hoàng Kỳ, đại diện Phòng Công chứng - Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị. Nhưng cuối biên bản không hề có chữ ký của ông Hoàng Kỳ, lúc ấy là Trưởng phòng Công chứng số 1 (trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị).
Ngay ông Hoàng Kỳ (hiện là Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị) khi làm việc với chúng tôi cũng phủ nhận việc ông có tham gia trong đấu giá tài sản nói trên vào ngày 27/12/2007. Còn vì sao biên bản lại có ghi tên ông thì chính ông cũng không rõ?