'Cò lao động' dụ dỗ trẻ em Tây Nguyên bỏ học

Hai em Ca và A vừa trở về từ cơ sở may mặc.
Hai em Ca và A vừa trở về từ cơ sở may mặc.
TP - Vì nghèo khó, nhiều gia đình vùng sâu nhẹ dạ cho con theo “cò lao động” bỏ học đi làm ở ngoại tỉnh.

Sập bẫy vì cả tin

Trời Tây Nguyên nắng như đổ lửa. Con đường xuống xã Cư Pui gập ghềnh bụi đất. Thôn Ea Lang nằm chênh vênh dưới chân đồi. Căn nhà của hai em nhỏ dân tộc Mông, Sùng A Sính và Thào Văn Dơ (cùng sinh 2007, thôn Ea Lang) bị dụ dỗ đi làm ở thành phố Hồ Chí Minh vừa được chính quyền địa phương, gia đình đưa trở về vào đầu tháng 4, im ắng dưới nắng chiều.

Trong căn nhà tuềnh toàng, Sùng A Sính vẫn còn sợ hãi kể lại: Sau Tết có người đàn ông lạ nhiều lần đến nhà thuyết phục bố mẹ em và bố mẹ bạn Dơ cùng thôn để cho chúng em đi làm nghề may. Ngày 23/3, Sính và Dơ được một người đàn ông lạ đưa xuống TPHCM. Tới nơi, họ bắt 2 em phải làm rất nhiều việc, lại còn bị đánh đập. Sính rủ Dơ bỏ trốn, không rành đường nên đã bị lạc. Lực lượng dân phòng xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh đi tuần tra thấy hai em đi lang thang trong tình trạng kiệt sức, áo quần rách rưới, nên đưa về UBND xã chăm sóc. Sau đó, thông tin của hai em được đưa lên mạng xã hội và được UBND xã Cư Pui xác nhận là con em của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Sáng 4/4, UBND xã Cư Pui cử cán bộ Lao động xã hội, chăm sóc trẻ em của xã cùng gia đình hai em vào TPHCM để đưa về.

Bà Hoàng Thị Tống, mẹ em Sính hối hận: Gia đình di cư vào đây sinh sống nhưng hoàn cảnh rất khó khăn, không có đất sản xuất. Nghe họ nói ngọt quá, tôi tin nên đồng ý cho cháu Sính nghỉ học để đi làm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Không ngờ họ đối xử với cháu quá tệ. Giờ cháu đã về được, gia đình sẽ cho cháu đi học lại.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk cho biết: Ngày 6/4, hai cháu Sính và Dơ được cán bộ ngành Lao động xã hội, chăm sóc trẻ em xã và gia đình đưa về tới địa phương. UBND xã đã thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho 2 cháu và gia đình. Sùng A Sính được trường tiểu học Cư Pui 2 tạo điều kiện trở lại trường học, còn Thào Văn Dơ lâu nay không đi học nên UBND xã bàn giao cho gia đình quản lý, chăm sóc. Thời gian qua, xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể của xã phối hợp với thôn, buôn, trường học trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, xã vẫn có 6 em bị lôi kéo rủ rê bỏ học đi làm thuê ở ngoại tỉnh.

Giao con cho ác

Ông Lê Văn Hồng (dân tộc Mông, thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) kể: Cũng chỉ vì nghèo khổ quá nên khi nghe người quen giới thiệu có chỗ nhận trẻ em phụ việc may mặc, công việc nhẹ nhàng mà lương cao, tôi đã đồng ý cho 2 con là Lê Văn Cải 10 tuổi và Lê Văn Khương 15 tuổi theo họ vào TPHCM. Ngờ đâu mới khoảng 2 tháng, các con tôi đã gọi điện về khóc lóc cầu cứu, tôi phải chạy vạy vay tiền khắp nơi để vào tận nơi tìm chuộc con về.

Dù sao ông Hồng cũng còn may vì đã tìm được con. Số người cả tin cho con đi theo bọn cò lừa rồi mới ân hận thì đã muộn cũng không ít. Nhắc tới đứa con lưu lạc, ông Lê Văn Tỏa, thôn Noh Prông, xã Hòa Phong thất thần: Tôi cho đứa con gái 13 tuổi đi làm xa mà không hỏi rõ ràng. Có lần con gọi điện về nói đang phải sống rất khổ cực, bị ép làm suốt ngày đêm như nô lệ, không được nghỉ, thương con lắm nhưng giờ không biết nó ở đâu để đưa về.

Em Thào Thị Gióng (14 tuổi, thôn Vinh Phú, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vừa về từ một cơ sở may mặc ở thành phố Hồ Chí Minh, kể: Công việc của em thường ngày là gấp, đóng gói, bưng bê sản phẩm. Em phải làm quần quật từ sáng sớm đến 23 giờ mới được nghỉ. Trước đó, có một người đến thôn tư vấn làm việc vặt với mức lương 26 -30 triệu đồng/năm, ăn ở chủ nuôi nên em và các bạn trong thôn mới háo hức đi ngay.

Ông Y Cam, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết: Từ đầu năm đến nay riêng thôn Phú Vinh đã có 18 em dân tộc Mông từ 17 tuổi trở xuống bị dụ dỗ đưa ra ngoại tỉnh. Trong đó 7 em tự về nhà, 3 em được chính quyền địa phương phối hợp cơ quan chức năng đón về. Hiện 8 em gia đình chưa liên lạc được. Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền nhắc nhở bà con và báo cáo các ngành chức năng tìm giải pháp xử lý.

Sở LĐ-TBXH tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 20 trẻ em trong độ tuổi 13 đến 16 bỏ học đi làm thuê tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Hầu hết các em thuộc hộ nghèo, đông con, là người đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư vào, đời sống còn khó khăn, ở các xã vùng sâu thuộc các huyện xa như Krông Bông, Lắk, Krông Năng…

MỚI - NÓNG
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
Nhạc, phim mùa giáng sinh: 'Món' cũ vẫn đắt hàng
TP - Mùa giáng sinh rộn ràng khắp phố phường với những cây thông được trang hoàng rực rỡ, tuy nhìn vào “thực đơn” món ăn tinh thần vẫn loanh quanh những sản phẩm nhuốm màu năm tháng. Từ phim ảnh đến âm nhạc đều mang màu sắc hoài niệm.