Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra thông cáo phản đối tấm bản đồ dọc Trung Quốc mới xuất bản, khẳng định “bản đồ không thay đổi được thực tế trên thực địa”, đồng thời nhấn mạnh bang Arunachal Pradesh là vùng lãnh thổ không thể chối cãi do Ấn Độ kiểm soát.
The Diplomat ghi nhận tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc xuất hiện không lâu sau chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Chuyến công du của ông Vương nhằm mục đích thiết lập tầm cao mới cho mối quan hệ cùng có lợi giữa hai người khổng lồ châu Á.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thẳng thắn đề cập mọi hậu quả đối với quan hệ Trung-Ấn, kể cả vấn đề Trung Quốc có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nối Trung Quốc và Pakistan chạy qua khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực Kashmir.
Kể từ cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1962, quan hệ Trung-Ấn chưa bao giờ lặng sóng gió. Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với khoảng 90.000km2 ở khu vực bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, còn New Delhi cáo buộc Bắc Kinh chiếm 38.000km2 lãnh thổ trên cao nguyên Himalaya. Quan hệ giữa hai cường quốc mới nổi luôn căng thẳng với những vụ đột nhập, va chạm dọc biên giới và hàng loạt cuộc đàm phán đổ vỡ. Trung Quốc vẫn thường lên tiếng phản đối mỗi khi quan chức Ấn Độ từ New Delhi công cán tới Arunachal Pradesh.
Ấn Độ vốn cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ đòi hỏi chủ quyền nào của Trung Quốc. Theo The Diplomat, tân Thủ tướng Narendra Modi, nhà lãnh đạo có tư tưởng dân tộc có thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chắc chắn sẽ không thể chấp nhận việc Trung Quốc ngang nhiên đưa bang Arunachal Pradesh vào bản đồ mới của nước này. Bất chấp hai bên cố gắng cải thiện quan hệ thông qua hợp tác kinh tế và đầu tư, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục xung đột về chủ quyền lãnh thổ và là những đối thủ lớn của nhau.
Tờ The Times of India (Ấn Độ) đưa tin, phản ứng về bản đồ mới của Trung Quốc, thủ hiến bang Arunachal Pradesh, ông Nabam Tuki, đã lên án Trung Quốc đang có mưu đồ bành trướng lãnh thổ. Ông Tuki kiến nghị chính phủ của Thủ tướng Modi lập kênh phản đối Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh đàm phán để tìm giải pháp.
“Trung Quốc sẽ mất nhiều nếu tiếp tục hiếu chiến ở biển Đông”
Ngày 30/6, phát biểu tại hội nghị các nhà lãnh đạo an ninh và kinh tế được tổ chức tại Đại học Quốc gia Úc, Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcom Turnbull cảnh báo rằng, các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông thời gian gần đây đang ảnh hưởng xấu tới hòa bình và an ninh khu vực.
Báo Mỹ The Wall Street Journal dẫn phát biểu của Bộ trưởng Turnbull nói rằng, Bắc Kinh sẽ mất nhiều hơn nếu tiếp tục duy trì chính sách hiếu chiến của mình. Theo ông, chính sách sử dụng vũ lực đe dọa các quốc gia láng giềng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng và đẩy Bắc Kinh vào thế bị cô lập.
TTXVN