Ít ai ngỡ rằng đó là một ngôi nhà điển hình mà biết bao người miền xuôi còn đang mơ ước ở bản Cao Lan (thôn Đông Bích, xã Hùng Lô, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ).
Thôn Đông Bích thay da đổi thịt đã mười mấy năm nay. Hồi đó Hà Văn Tình từ quân ngũ về đã khiến cái bản nghèo có hơi gió mới cho cái nghĩ, cái làm. Lão Tình ngẫm đất tốt thế này thì chăn nuôi phải khá, cứ không lười thì nhất định cái nghèo không đeo bám được. Lão nuôi vài con lợn nái, sau nhân lên hàng đàn, chuồng trại lúc nào cũng có dăm bảy chục con. Gà, ngan, vịt, ngỗng đủ cả. Rồi thấy cái chất màu ven đồi giống cái đất ở Bắc Giang, lão mang vải giống về trồng, cứ thế làm ăn như tấn tới. Cả bản Đông Bích làm theo thấy cuộc sống thật dễ chịu, hóa ra cái lười biếng ngày nào chính là thủ phạm của cái nghèo bản Cao Lan.
Huyện thông báo về làng sẽ làm đường liên thôn. Lão Tình xung phong hiến đất “cho cái đường rộng như cán bộ bảo”. Lão nói với cả bản: “Đường to, lát bê tông đi sướng cái chân, mình đi, con cháu mình đi, chứ sao cứ giữ cái đất nhà mình khư khư cho cái đường hẹp lầy lội khổ thế”. Thế là cả bản hô hào nhau hiến đất, góp công đào đắp cả tháng trời. Con đường bê tông rộng ba mét rưỡi chạy khắp thôn hoàn thành, ôtô về tận ngõ xóm.
Rừng gỗ lim hàng trăm tuổi ven bản được gìn giữ nghiêm khắc. Hương ước thôn Đông Bích qui định bất cứ ai gây hại đến rừng đều bị phạt nặng. Chính vì thế, huyện đã giao cho xã Hùng Lô, bản Đông Bích những diện tích rừng sản xuất mang lại thu nhập lớn cho người Cao Lan. Cả bản gần 110 hộ chỉ còn đôi chục hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều nhà nuôi dê trang trại, nuôi trâu bò hàng đàn, trồng vải giống mới năng suất cao…
Cả làng chưa từng có ai mắc tệ nạn xã hội, cũng chưa ai bị đi tù – người Cao Lan nói “làm thế xấu lắm, tệ lắm” – cái lý cũng giản đơn mà thành chân lý. Mùa xuân cả làng chơi ném còn, bắn nỏ, kéo co, hát sình ca (giao duyên), múa xúc tép, thi đi cà kheo, Đình làng Đông Bích xưa bên gốc đa hàng trăm tuổi được người Cao Lan coi sóc kỹ càng. Cái trống to uy lực có cái đai đỏ lôi đình treo cao lên. Cũng lấy âm dương ngũ hành mà vận lễ tôn kính giống người miền xuôi: lư hương, cây đèn, lọ hoa, mâm ngũ quả và tam sơn đặt rượu. Nét uy nghi kỳ lạ cho bất kỳ ai bước vào đình làng của người Cao Lan – chính nơi đây các cụ xưa đã họp cắt máu uống rượu thề lập làng du kích đánh Pháp tan tành trên sông Lô đoạn chảy qua xã.
Dân tộc Cao Lan (còn gọi Sán Chay, Sán Chỉ), có khoảng 170.000 người, tập trung ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn..., có tiếng nói riêng, phong tục, văn hóa đặc sắc.