Bài toán của Iran trước xung đột Israel – Hamas

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Rất nhiều suy đoán được đưa ra về vai trò của Iran trong cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, cùng với câu hỏi liệu Tehran hay bất kỳ lực lượng uỷ nhiệm nào trong khu vực có tham gia vào cuộc chiến lần này giữa Israel và Hamas hay không.
Bài toán của Iran trước xung đột Israel – Hamas ảnh 1

Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nghe tướng tư lệnh quân đội báo cáo tình hình ngày 10/10. (Ảnh: AP)

Iran phủ nhận liên quan việc lên kế hoạch cho vụ tấn công cách đây 1 tuần, nhưng nhà Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei đề cập hành động này của Hamas trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 10/10.

“Hành động của chế độ Do Thái là nguyên nhân gây ra thảm họa này”, ông Khamenei nói.

Hamas cũng khẳng định họ hành động một mình trong vụ tấn công khiến 1.200 người Israel thiệt mạng, hơn 3.000 người bị thương và hàng trăm người bị bắt làm con tin.

Dù Iran và Israel coi nhau như kẻ thù kể từ cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, nhưng chưa bao giờ có chiến tranh trực tiếp giữa hai bên.

Tuy nhiên, Iran hỗ trợ các lực lượng đại diện trong khu vực, trong đó có Hezbollah - lực lượng thánh chiến Hồi giáo dòng Shia có căn cứ ở miền nam Li-băng. Trong tuần qua, tên lửa đã được bắn từ miền nam Li-băng về phía miền bắc Israel, dù chưa biết chắc tên lửa này do Hezbollah hay một nhóm nào khác phóng.

Một số chuyên gia nói rằng Iran hỗ trợ vật chất, đào tạo và cung cấp tiền bạc cho Hamas, và cả Hezbollah.

Ông Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế, cho biết, Hamas có mối quan hệ khá phức tạp (với Iran). Đó là một nhóm Sunni, không phải nhóm Shia như hầu hết các nhóm mà Iran ủng hộ, nhưng Hamas cũng từng rạn nứt với Iran, đáng chú ý nhất là vì chuyện Iran hỗ trợ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad khi nội chiến ở Syria nổ ra năm 2011.

Các quan chức Mỹ cho biết sẽ cung cấp đạn dược và trang thiết bị cho Israel, đồng thời điều một nhóm tàu sân bay tấn công đến Đông Địa Trung Hải để ngăn chặn Iran tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột hiện nay hoặc qua lực lượng đại diện.

Theo giới phân tích, dù Iran có thể không tấn công trực tiếp vào Israel, nhưng khả năng xảy ra xung đột quy mô khu vực là có thật.

Từ bạn bè thành kẻ thù

Israel và Iran từng có mối quan hệ kinh tế và chiến lược chặt chẽ. Đó là giai đoạn Iran nhập khẩu vũ khí của Israel và Israel mua dầu của Iran trước khi nổ ra cách mạng Hồi giáo năm 1979. Cả hai nước khi đó đều có quan hệ chặt chẽ với Mỹ.

Nhưng cuộc cách mạng năm 1979 đã tạo ra một chính phủ theo đường lối cứng rắn của người Shia, coi Israel là kẻ chiếm đoạt đất đai của người Hồi giáo nhờ Mỹ hậu thuẫn.

“Trong thế giới quan này, Israel được coi là một tiền đồn thuộc địa của phương Tây và Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái là một phiên bản của chủ nghĩa đế quốc”, Shireen Hunter, một học giả độc lập và thành viên danh dự tại Trung tâm Alwaleed về hiểu biết Hồi giáo-Kitô giáo thuộc ĐH Georgetown, viết trong một bài đăng trang web của Trung tâm Stimson vào tháng 3 năm nay.

“Vào thời điểm đó, nhiều chính phủ Ả-rập cũng bác bỏ quyền tồn tại của Israel như một quốc gia Do Thái và những người cực đoan phản đối hiệp ước hòa bình của Ai Cập với Israel đã thành lập cái gọi là Mặt trận Từ chối”.

Trong khi đó, các nhóm như Hezbollah ở Li-băng và Hamas ở vùng lãnh thổ Palestine cũng được thành lập, một phần để chống lại Israel.

Mối liên hệ giữa Iran và Hamas không quá khăng khít. Dù cả Cộng hòa Hồi giáo và Hezbollah đều cung cấp tài chính, đào tạo và vũ khí cho Hamas, nhưng Iran không chỉ đạo hành động và Hamas không nhất thiết phải phối hợp với Iran trong các kế hoạch của mình.

Theo các chuyên gia, với mức độ thâm nhập cao của cơ quan an ninh Israel vào Iran, việc phối hợp trực tiếp với Iran có thể khiến kế hoạch tấn công ngày 7/10 10 của Hamas gặp rủi ro nghiêm trọng.

Liệu Iran có tham gia?

Có thể không. Iran có nhiều thứ để mất. Mỹ vừa phối hợp với Qatar để chặn Iran tiếp cận khoản tiền 6 tỷ USD để chờ làm rõ vai trò của Tehran trong cuộc tấn công của Hamas vừa qua.

“Ít khả năng Iran sẽ tham gia trực tiếp. Nhưng nếu Israel cảm thấy cần phải tấn công trực tiếp vào Iran hoặc ngược lại, điều đó sẽ có hàm ý về một cuộc chiến tranh quy mô khu vực, không chỉ liên quan đến Iran mà nhiều quốc gia Ả-rập, Vùng Vịnh và cả Ả-rập Xê-út”, Raphael Cohen, giám đốc chương trình chiến lược và học thuyết của hãng tư vấn RAND Corporation, phát biểu trong cuộc hội thảo ngày 10/10.

Theo nhà nghiên cứu Vaez, trong nhiều năm qua, chính Israel đã có những hành động chống lại Iran chứ không phải ngược lại.

Iran cũng đang trong tiến trình giảm căng thẳng với Mỹ và các nước khác, gần đây đồng ý với thoả thuận trao đổi tù nhân nhằm trả tự do cho một số công dân Mỹ đang bị giam giữ ở Iran để đổi lấy tự do cho 5 người Iran và huỷ đóng băng khối tài sản trị giá 6 tỷ USD.

Các quốc gia khác trong khu vực như Ả-rập Xê-út và UAE cũng đã đạt được tiến triển trong việc giảm bớt căng thẳng với Iran và vạch ra lộ trình để quản lý các cuộc xung đột khác nhau. Vì thế, khả năng Iran tấn công trực tiếp vào Israel được cho là khó xảy ra.

Tuy nhiên, Hezbollah có khả năng tham gia trực tiếp. Hezbollah và Israel đã xung đột ở miền nam Li-băng năm 2006, kết thúc bằng việc Israel rút quân và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tới miền nam Li-băng.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian có cuộc gặp lãnh đạo cấp cao của Hezbollah và các quan chức Li-băng tại Beirut trong tuần này.

“Việc tiếp tục tội ác chiến tranh chống lại Palestine và Dải Gaza sẽ nhận được phản ứng từ phần còn lại của trục. Và đương nhiên, tổ chức theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và những người ủng hộ sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả”, ông Amir-Abdollahian phát biểu ngày 12/10.

Chưa rõ điều đó có ý nghĩa chính xác là gì trong bối cảnh chiến tranh cũng như khi Iran và các đối thủ đang nỗ lực giảm căng thẳng.

Theo ông Vaez, một điều có thể xảy ra là các nhóm mà Iran ủng hộ về mặt ý thức hệ nhưng có mối quan hệ lỏng lẻo, chẳng hạn như các nhóm vũ trang Palestine hoặc các nhóm ở Syria và Iraq, có thể tấn công các vị trí của Israel hoặc Mỹ ở Syria và Iraq.

Theo Vox
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.