Bài toán '4 ẩn số' chống tham nhũng

Bài toán '4 ẩn số' chống tham nhũng
TP - Đi qua năm 2017 và những tháng đầu năm nay mới cảm nhận hết sự lắng đọng cảm xúc trong lòng xã hội. Bên cạnh sự phấn khởi lạc quan về những thành tựu kinh tế - xã hội còn là niềm tin được thắp trở lại khi khí thế công cuộc chống tham nhũng bước vào giai đoạn mới.

Những vùng cấm, những thành lũy mà xưa kia nhiều người vẫn hoài nghi, khó lòng chạm tới thì nay đã đột phá, công thành.

Chúng ta đau vì mất nhiều cán bộ, chúng ta cũng rất đau vì ngân sách thất thoát quá nhiều nhưng chúng ta phải mừng vì căn bệnh tham nhũng tưởng chừng trầm kha, mãn tính thì nay đã bắt đầu phản ứng tốt với những phương thuốc đúng liều. Một trong những biệt dược được tăng cường lần này chính là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nếu ví chống tham nhũng như là một phương trình bốn ẩn số thì các ẩn lần lượt phải giải cho bằng được, đó là “không dám, không thể, không cần và không được tham nhũng”.

Bốn ẩn số này đã được Singapore tìm ra để dựng lên một trong những Chính phủ trong sạch nhất thế giới. Phương pháp của họ là phải đúng ngay từ đầu, làm công khai, minh bạch và đồng bộ trong toàn hệ thống, không phân biệt công tư và rất nghiêm minh. Có thể việc so sánh giữa 2 quốc gia là khập khiễng, nhưng mô hình trên là điều chúng ta đang kỳ vọng và nên hướng tới.

Trước hết là không dám tham nhũng, chế định này phải được xem là quan trọng nhất nhằm thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật làm cho quan chức biết run sợ khi nhen nhóm ý định nhúng chàm. Khi cuộc chiến chống tham nhũng bước vào giai đoạn cao trào thì 5 cán bộ hải quan thành phố Hải Phòng nhận mức kỷ luật khiển trách cho hành vi nhận hối lộ, như cái tát vào cuộc chiến chống tham nhũng. Mức kỷ luật đầy “tình người” và nhiều ẩn ý đó chẳng khác nào sự dung dưỡng cho cái ác, cái xấu tiếp tục lộng hành và gặm nhấm niềm tin của người dân. Với kỷ luật trên, liệu rằng người ta có dám tham nhũng nữa hay không? Chế định nào đủ sức răn đe hơn để bổ sung trong dự luật này?

Về không thể tham nhũng, tôi đồng tình cách tiếp cận của dự luật, giải pháp cho ẩn số “không thể” được thiết kế hoàn toàn mới. Nếu chỉ kiểm soát tài sản của các đối tượng theo dự luật quy định mà bỏ qua kiểm soát tài sản của những người thân thích, họ hàng và rộng hơn là trong toàn xã hội thì sẽ còn nhiều lỗ hổng chưa thể bịt hết được. Thực tế thì không ít hiện tượng có tài sản nhưng nhờ người khác đứng tên với “hồn Trương Ba, da hàng thịt” thì cơ chế kiểm soát và xử lý quy định ở đâu trong dự luật.

Với “không cần tham nhũng”, tôi tin rằng, đến giờ này tâm trạng xã hội về kết quả Hội nghị Trung ương 7 vẫn chưa lắng xuống bởi những chủ trương giải quyết các vấn đề vô cùng cấp thiết của đời sống xã hội. Hiện tại nếu chúng ta làm được 10 đồng đã dùng hơn 7 đồng để trả lương bộ máy, 2 đồng còn lại không thấm vào đâu so với cơ thể kinh tế quốc gia đang cần sức ăn, sức lớn. Xã hội phải dẹp được sự thỏa thuận dưới mặt bàn của cán bộ thuế và các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, mà khoản thất thu đó hoàn toàn không nhỏ…

Về “không được tham nhũng”, mặc dù điều 40 luật hiện hành đã quy định khá rõ vấn đề liên quan đến việc tặng quà và nhận quà, nhưng không hiếm trường hợp doanh nghiệp tặng nhà, xe sang tiền tỷ diễn ra trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận. Đáng suy nghĩ là những vụ việc này chỉ phát hiện qua báo giới và thông tin từ người dân mà không phải bằng cơ chế của luật hiện hành.

Dường như không quốc gia phát triển nào lại không đi qua thời kỳ bị tham nhũng hoành hành, sự kiên định về chống tham nhũng trong thời gian qua âu cũng là việc củng cố lại niềm tin của dân vì vận mệnh đất nước. Dự luật này rất khó, cần phải thực chất hơn và giải cho bằng được bốn ẩn số nêu trên trước khi tham nhũng trở nên nhờn thuốc.

MỚI - NÓNG