Kỷ niệm 70 năm chiến thắng sông Lô (24/10/2017-24/10/1947)

Bại thảm sông Lô báo hiệu ngày tàn của người Pháp trên đất Việt

Bại thảm sông Lô báo hiệu ngày tàn của người Pháp trên đất Việt
TPO - Với hai vạn quân tinh nhuệ, 800 xe cơ giới, 40 máy bay và 40 ca nô tàu chiến, người Pháp lội ngược sông Lô quyết tâm chinh phạt Việt Bắc từ cửa ngõ Đoan Hùng, Phú Thọ, nhưng đã bại trận hoàn toàn trước sức mạnh quân và dân ta – báo hiệu ngày tàn của đế quốc trên đất Việt.
Bại thảm sông Lô báo hiệu ngày tàn của người Pháp trên đất Việt ảnh 1

“Màn diễn mô tả tình đoàn kết quân dân Đoan Hùng làm nên chiến thắng sông Lô”.

Thu đông tháng 10/1947, giặc Pháp ráo riết chuẩn bị tấn công Việt Bắc với quân lực hiện đại chưa từng có.

Một dải hai bờ sông Lô tỏng vắt hiền hòa, làng Việt vườn không nhà trống. Rừng Việt Bắc che trở đồng bào sơ tán. Những nguồn tin tình báo quý báu của ta đã kịp cho quân dân Phú Thọ và Tuyên Quang chuẩn bị cho một thế trận lớn. Đầu làng cuối ngõ rào tre gai mấy lớp, khi có báo động lập tức cánh cổng làng đóng lại, dân quân du kích gài lựu đạn, đặt hố chông bẩy gậy. Dân quân các xã Phú Nham, Dưỡng Mông, Sầm Dương thức tắng đêm cắm cọc nhọn hoắt tất cả những cánh đồng trung du đón quân Pháp nhẩy dù. Dòng Lô đã mọc lên những mố kè khổng lồ bằng gỗ và đá hộc.

Mặt trận Sông Lô đã bài binh sẵn sàng nghênh đón người Pháp. Hai trung đoàn bộ binh của Khu 10 đã rải quân từ Lập Thạch, Phù Ninh, Đoan Hùng lên Chiêm Hóa - Tuyên Quang. Pháo binh bố trí cơ động ở Phan Lương, Đoan Hùng và bến Bình Ca. Dân quân và du kích có đến 10.000 người. Nắm bắt quân Pháp còn tiến lên Việt Bắc theo thế gọng kìm phía Bắc Cạn, quân dân ta cũng đã bài binh đánh chặn hướng Đông Bắc từ phía Hà Nội đi lên.

Bại thảm sông Lô báo hiệu ngày tàn của người Pháp trên đất Việt ảnh 2

Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với nhân dân Đoan Hùng, Phú Thọ năm 1961”

Sự bội ước của kẻ thù đã khiến Trung ương Đảng ta quyết định xây dựng thế trận “Trường kỳ kháng chiến”. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ đã lan tỏa từ đồng bằng lên miền núi. Tướng Pháp Salang khi đó từng hạ lệnh “bịt kín biên giới, loại trừ mọi sự chi viện từ ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt. Đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ”. Ông ta còn huyênh hoang: "Cuộc tấn công Việt Bắc là một đòn quân sự cực mạnh để kết thúc chiến tranh Đông Dương như một cuộc bắn pháo hoa đẹp mắt…"!

Pháo binh rất mạnh của ta đã được bố trí tại Chí Đám với cách đánh "đặt gần, bắn thẳng". Hai ven sông Lô cũng được bố trí trận địa giả khắp nới nhằm nghi binh thu hút hoả lực địch. Dân cũng đã chuẩn bị trống, mõ, kẻng, thùng khua vang để gây thanh thế trận chiến, người làng Chí Đám và Hữu Đô còn hái quả bưởi đem sơn đen vỏ rồi thả xuống dòng sông Lô giả làm thuỷ lôi cản luồng tàu địch.

Ngày 11/10/1947, giặc Pháp tiếp tục tổ chức một lực lượng thủy binh có máy bay yểm trợ ngược Sông Lô lên Tuyên Quang, song gặp phải chướng ngại vật do ta làm kè ở địa phận xã Tiên Du, huyện Phù Ninh; xã Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng và Đồn Hang, thuộc địa phận Tuyên Quang, buộc chúng phải dừng lại để phá kè mới vượt qua được.

Bại thảm sông Lô báo hiệu ngày tàn của người Pháp trên đất Việt ảnh 3

Trên bến sông xưa.

Sáng 24/10/1947, năm tàu địch lù lù lội ngược dòng. Sáu máy bay của chúng gầm rú bầu trời yểm trợ đoàn tàu. Đất Đoan Hùng đã giăng trận địa phục kích, đồng loạt nổ súng từ hai bờ Lô. Hai tàu chiến của địch đã bị bắn chìm, ba chiếc khác bị trọng thương hư hại không còn khả năng tham chiến, 350 tên địch đã bị tiêu diệt. Lực lượng tiếp tế của địch không dám tiến lên nữa, toàn đội hình của chúng rơi vào hoang mang cực độ. Tàu giặc đến trước miệng súng bị pháo ta nện tơi bời, chìm nghỉm, có chiếc bị trúng ngăn chứa xăng nổ tung cháy rực trời. Binh lính địch nhảy ào xuống sông bơi vào làng Hữu Đô. Khẩu cao pháo 75 ly của bộ đội ngóc nòng lên trời bắn tan xác chiếc thuỷ phi cơ của địch rơi sang đất Tuyên Quang.

Tình báo ta nắm bắt địch sẽ tháo xuôi vì không thể trụ lại Tuyên Quang lâu hơn. Sáng 11/10/1947, 4 tàu chiến, 3 ca nô địch xuất hiện từ Tuyên Quang xuôi về Đoàn Hùng do quan tư Lơ-dôt chỉ huy. Chúng còn có ba tàu bay khu trục và một chiếc thuỷ phi cơ hộ tống. Lọt vào trận địa của du kích sông Lô có hỏa lực sẵn sàng tỷ thí, những loạt pháo đầu tiên đã nã thẳng vào tàu địch. Chúng nhanh chóng nhận ra thế trận, tạt tàu vào ven xua quân ùa lên bờ. Bộ đội và du kích ta vừa đánh địch cầm cự vừa chôn dấu pháo.

Tại Bình Ca, chúng đổ bộ lên cướp pháo ta và lập tức bị sa vào trận địa mìn. Bộ đội ta cứ thế thỏa sức quạt súng máy, ném lựu đạn diệt một trung đội địch. Những tên sống sót đã phải tháo chạy xuống tàu. Toàn trận ta đã tiêu diệt gần 1.000 tên địch, đánh chìm 6 con tàu, bắt sống gần 300 tên địch.

Chiến thắng sông Lô náo nức nhân dân cả nước. Gọng kìm bao vây phía Tây căn cứ địa Việt Bắc của Pháp đã bị bẻ gãy. Sau chiến thắng sông Lô hàng loạt chiến thắng khác của quân và dân Việt Bắc nối tiếp nhau đã giáng cho kẻ thù những đòn chí tử. Cục diện chiến trường chuyển sang giai đoạn mới: Ta từ phòng ngự chuyển dần sang cầm cự và tích cực tổng phản công; địch lúng túng, bị động và thất bại.

Đánh giá về chiến thắng sông Lô đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng khi đó viết: "Những trận đánh vô cùng anh dũng của quân và dân ta trên sông Lô và trên con đường Tuyên - Hà tuy chỉ tiêu diệt được trên 1.000 tên tinh nhuệ địch, nhưng khiến cho binh lính, sĩ quan địch mất tinh thần. Chẳng những nó làm sai kế hoạch của địch mà còn phá một phần lớn kế hoạch tấn công Việt Bắc. Giá trị của trận sông Lô chính là ở chỗ đó".

Cuối tháng 11/1947 tại lễ mừng chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy quân đội thời điểm đó đã đọc nhật lệnh tuyên dương công trạng của quân và dân Việt Bắc trong đó có chiến thắng sông Lô. Pháo binh khu 10 được vinh dự mang tên "Pháo binh sông Lô". Đại tướng nhận định "Chiến thắng Đoan Hùng như một luồng gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh… Chiến thắng Đoan Hùng mở đầu cho những chiến thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch Việt Bắc”.

Bại thảm sông Lô báo hiệu ngày tàn của người Pháp trên đất Việt ảnh 4

Đoan Hùng ngày nay, 70 năm sau ngày cuộc chiến sông Lô.

Năm tháng đã đi qua, song đại thắng sông Lô vẫn mãi mãi là niềm tự hào không chỉ riêng của nhân dân Phú Thọ mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Giặc Pháp với quân lực vượt trội nhưng đã thất bại, phải co về đồng bằng đóng chốt trong các đồn bốt. Hào hùng sông Lô đã được cố nhạc sỹ Văn Cao bật lên siêu phẩm bi hùng “Trường ca Sông Lô” năm 1948, đi vào sử nhạc dân tộc từ ấy.

Chín năm đánh Pháp, quân và dân Phú Thọ đã đánh 614 trận; tiêu diệt, bắt sống hơn 5.000 tên địch, thu và phá huỷ nhiều vũ khí, thiết bị quân sự của địch, góp phần bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc; động viên hơn 4 vạn thanh niên tình nguyện gia nhập bộ đội chủ lực, 15 nghìn người tham gia bộ đội địa phương, hàng chục vạn người tham gia dân quân, du kích, chiến đấu bảo vệ quê hương, đóng góp hàng triệu ngày công phục vụ trên các chiến trường, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Từ năm 1965 đến năm 1975, tỉnh Phú Thọ đã huy động gần 9% nhân lực cho chiến đấu và phục vụ chiến đấu với gần 93.000 thanh niên vào bộ đội, hơn 4.000 người tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Tại hậu phương, Phú Thọ đã tổ chức trên 600 đơn vị dân quân, du kích và tự vệ với gần 20.000 cán bộ, chiến sĩ; huy động hàng chục vạn lượt người phục vụ các chiến trường; huy động hàng triệu ngày công vận chuyển, sơ tán, cất giấu hàng hóa, sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom, giữ vững mạch máu giao thông; xây dựng hàng vạn hầm hào phòng không nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, cho các cơ quan, đơn vị của Trung ương và đồng bào các tỉnh về sơ tán.

Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lực lượng dân quân, du kích và tự vệ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh địch hàng trăm trận lớn nhỏ, lập nhiều chiến công oanh liệt. Quân và dân Phú Thọ đã trực tiếp chiến đấu 783 trận, bắn rơi 86 máy bay Mỹ; đồng thời bảo đảm giao thông vận tải thông suốt để phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng sông Lô sáng nay (22/10), ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, đã vui mừng khẳng định Phú Thọ từ một tỉnh nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đến nay kinh tế của Phú Thọ đã luôn tăng trưởng ổn định, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 1 huyện và 40 xã đạt chuẩn thôn mới. Vùng đất này còn tự hào hơn khi “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại.

MỚI - NÓNG