Bài kiểm tra bí mật cho cậu học trò kiêu ngạo

Ảnh minh họa. Ảnh: Hải Sâm.
Ảnh minh họa. Ảnh: Hải Sâm.
Nếu xét lại, rõ ràng thầy đã không công bằng giữa tôi và các bạn khác. Nhưng nếu thầy không cho cơ hội mà bêu gương trước lớp, có lẽ tôi đã không thay đổi như bây giờ.

Câu chuyện về cách ứng xử của thầy Trần Văn Rung, giáo viên toán Trường THPT Tân Hiệp, Kiên Giang, qua lời kể của anh Phạm Minh Cường, một học trò cũ. Anh Cường hiện đang là giảng viên toán một trường đại học tại TP.HCM.

Năm học 11, nghe tin thầy Rung sẽ dạy toán, lớp chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì thầy nổi tiếng dạy giỏi nhưng cũng khó tính và nghiêm nhất trường. Không chỉ cá nhân tôi mà toàn trường đều nhận xét về thầy như vậy.

15 năm trôi qua, tôi vẫn không quên được cách ứng xử của thầy. Vốn là học sinh có kết quả tốt nhất về môn toán, tôi khá tự cao.

Một lần, cả lớp lo làm bài kiểm tra 1 tiết thì tôi ngồi vẽ vời lung tung. Đám học trò quê có tất cả những chiêu trò được trải nghiệm đó là nghịch ngợm, la cà và chiêu trò. Khi 2/3 thời gian trôi qua, tôi mới bắt đầu làm bài thì gặp phải nhiều vấn đề hóc búa. Hôm đó, tôi đã quá chủ quan và cẩu thả.

Hai tuần sau, lớp đang giờ ra chơi, thầy Rung gọi tôi lên phòng gặp riêng.

Thầy hỏi thăm gia đình, rồi nói việc học hành. Thầy bảo, trước khi vào lớp đã tìm hiểu và biết tôi học tốt môn toán.

Thầy nói lý do gọi tôi lên vì bài kiểm tra có điểm thấp nhất lớp, nếu chấm sát thì chỉ được điểm 2.

Lúc đó tôi vừa xấu hổ, vừa bối rối và không dám nhìn vào mắt thầy. Tôi đã nghĩ tới cảnh thầy trả bài kiểm tra, các bạn kháo nhau được mấy điểm. Lâu nay, tôi vẫn tự hào mình là học sinh xếp nhất nhì lớp. Sẽ nói thế nào khi được điểm 2?

Thầy Rung phân tích cho tôi hiểu thói chủ quan và cẩu thả sẽ phá hỏng mọi việc, làm gì cũng phải kỹ lưỡng và cẩn thận.

Thầy nói, con người dù giỏi cỡ nào, thành công ra sao nếu không biết khiếm tốn cũng không hoàn thiện. Tính kiêu căng, tự phụ sẽ giết chết mình.

Thầy tôi chỉ nói vài câu khá lạnh lùng, khuyên cũng rất lạnh lùng, nhưng sau đó là ánh mắt động viên. Tôi cảm thấy mình có lỗi với những gì thầy quan tâm. Trước khi ra về, thầy nói hãy làm lại bài kiểm tra để thầy xem xét.

Bài kiểm tra lần đó làm tôi nhớ mãi. Tính cẩu thả, nhanh nhảu, đoảng và tự phụ của tôi được thầy nhắc nhở nhẹ nhàng. Thầy đã cho tôi cơ hội để sửa sai.

Nếu xét lại rõ ràng thầy đã không công bằng giữa tôi và các bạn khác. Nhưng nếu thầy không cho cơ hội mà bêu gương trước lớp, có lẽ tôi đã không thay đổi như bây giờ. 

Thầy Rung không phải là giáo viên chủ nhiệm nhưng quan tâm đến từng học sinh. Có lẽ bây giờ thầy chẳng thể nhớ câu chuyện này nhưng tôi không bao giờ quên. Đó là người thầy thấp bé, lanh lẹ, lạnh lùng mà tình cảm. Qua lần đó, tôi luôn suy nghĩ rằng phải bớt đi sự tự cao, khiêm tốn và học hỏi nhiều hơn.

Sau này đi dạy tôi đã ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ của thầy. Mỗi khi có vấn đề gì, tôi đều nhìn nhận thông cảm và thấu hiểu chứ không vì cái lý trước mắt. Tôi sẵn sàng chia sẻ cùng sinh viên, hỗ trợ các em trong học tập, trong cuộc sống. Nhiều sinh viên có cá tính hoặc do hoàn cảnh gia đình, không có thời gian học tập, tôi vẫn dành thời gian để kèm thêm. Có em tốt nghiệp rồi bây giờ vẫn gọi tôi là “sư phụ”. Có lẽ, tôi có được tình cảm này là nhờ bài kiểm tra 2 điểm năm nào của thầy Rung và bài kiểm tra lại bí mật cho cậu học trò kiêu ngạo. 

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG