Siêu trí tuệ Việt Nam:

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới

TPO - Một sai lầm nhỏ của Việt Hoàng trong khi giải ô chữ đã khiến chàng sinh viên Bách khoa phải nhường chiến thắng cho đối thủ Simon Reinhard - nhà vô địch trí nhớ thế giới đến từ Đức.

Kết thúc tập 10, “Siêu trí tuệ Việt Nam” đã chọn ra được 6 thành viên của Biệt đội siêu trí tuệ Việt Nam để thi đấu với các tuyển thủ quốc tế, bao gồm: “siêu trí nhớ” Mai Tường Vân, “thần đồng tính nhẩm” Gia Hưng, “trùm toán học” Huy Hoàng, “mắt thần” Tuấn Phi, “thiên tài rubik” Đức Phước và “thánh logic” Việt Hoàng.

Sang tập 11 vừa phát sóng tối thứ Bảy (4/1), khán giả yêu mến chương trình được chứng kiến màn thi đấu đối kháng “căng não” của hai cặp tuyển thủ Việt Nam – quốc tế đầu tiên. Đó là Đức Phước – Yu Sajima và Việt Hoàng - Simon Reinhard.

Mở đầu chương trình, Đức Phước giao hữu với Yu Sajima. Xét về tuổi tác, kinh nghiệm thi đấu và bề dày thành tích, tuyển thủ đến từ Nhật Bản đều bỏ xa “thiên tài rubik” của Việt Nam. Theo đó, Yu Sajima là một trong những người chơi kỳ cựu nhất tại xứ sở hoa anh đào. Tính đến nay, Yu Sajima có hơn 10 năm kinh nghiệm thi đấu trong nước và quốc tế, với hơn 70 trận, đạt 3 kỷ lục thế giới và 2 kỷ lục quốc gia, 45 huy chương vàng, 55 huy chương bạc và 57 huy chương đồng. Gần đây nhất, tuyển thủ 29 tuổi đã đạt thành tích cao nhất tại Nhật Bản với khối rubik 4x4. Anh còn là thành viên của đội tuyển rubik quốc gia, tranh giải Rubik Nation Cup hàng năm.

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới ảnh 1

Trong khi đó, Đức Phước chưa từng thi đấu quốc tế, mới tham gia hơn 10 trận trong nước, với 2 huy chương vàng, 8 huy chương bạc và 3 huy chương đồng. Đức Phước nhận định, khả năng thắng đối thủ quốc tế là 30%. Đây cũng là tỷ lệ phần trăm chiến thắng mà Yu Sajima nắm chắc.

Hai đối thủ cùng tham gia thử thách “Rubik thần tốc”. Theo đó, chương trình sắp xếp 10 khối rubik đã được xáo trộn (2x2, 3x3, skewb, 3x3 dùng một tay và 4x4) trong khu vực chỉ định. Hai tuyển thủ đứng ở hai cực, di chuyển theo hướng chiều kim đồng hồ để đuổi theo đối phương, với nhiệm vụ gặp rubik xáo trộn thì xoay về nguyên bản và ngược lại. Sau khi xáo trộn hoặc phục hồi xong, tuyển thủ nhấn nút bật đèn. Trận đấu kết thúc khi có một người đuổi kịp người kia. Nếu hết 7 phút không có ai đuổi kịp, điểm sẽ thuộc về người có số đèn nhiều hơn. Sau 3 lượt đấu, chiến thắng thuộc về tuyển thủ có điểm số cao hơn.

Bước vào vòng một, Đức Phước và Yu Sajima giữ thế cân bằng ở những phút đầu tiên. Tuy nhiên, do áp lực quá lớn, tuyển thủ đến từ Nhật Bản liên tục gặp sai lầm. Anh làm rơi khối skewb, còn vi phạm quy định ở khối rubik chỉ được dùng một tay nhưng lại dùng đến hai tay để giải. Trọng tài quyết định theo luật, Đức Phước thắng vòng một.

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới ảnh 2 Yu Sajima căng thẳng đến mức làm rơi khối rubik skewb, dẫn đến bị phạt 3 giây thi đấu.

Sang vòng 2, Yu Sajima lấy lại được tinh thần, cầm hòa với Đức Phước. Ở vòng cuối cùng, Đức Phước duy trì được phong độ ở hai vòng trước, nhanh chóng đuổi kịp đối thủ gấp đôi tuổi và giành chiến thắng chung cuộc.

Giám khảo Lại Văn Sâm nhận xét, tuyển thủ càng ở vị trí cao càng bị nhiều áp lực, còn Đức Phước dù nhỏ tuổi nhưng giữ được sự bình tĩnh, tốc độ nhanh nên chiến thắng thuyết phục.

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới ảnh 3  Đức Phước bắt kịp đối thủ ở vòng thứ 3, giành hai điểm để chiến thắng chung cuộc.

Cặp thi đấu thứ hai trong tập giao hữu quốc tế là Việt Hoàng và Simon Reinhard. Cũng như Đức Phước, Việt Hoàng không có thành tích quốc tế, kinh nghiệm thi đấu ít ỏi. Trong khi đó, đối thủ của chàng sinh viên Bách khoa đã là nhân vật “máu mặt” trong bộ môn siêu trí tuệ thế giới. Simon Reinhard đến từ Đức, từng hai lần vô địch trí nhớ thế giới (2014 và 2016), ba lần vô địch trí nhớ châu Âu (2016, 2017 và 2018), năm lần vô địch trí nhớ Đức (2009, 2011, 2014, 2016 và 2018) và nhiều kỷ lục khác về trí nhớ. Mới đây, Reinhard vừa xác lập kỷ lục thế giới, là nhớ 80 con số chỉ trong 16,85 giây.

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới ảnh 4

Thử thách dành cho hai đối thủ là “Bách khoa siêu ô chữ”. Cụ thể, chương trình đưa ra tổng cộng 50 cụm từ Anh ngữ, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 25 cụm từ đáp án và 25 cụm từ gây nhiễu được sắp xếp xen kẽ nhau. Hai tuyển thủ có 5 phút ghi nhớ các cụm từ và thêm 3 phút để ghi nhớ tọa độ ô chữ. Sau đó, cả hai dùng trí nhớ không gian để viết đáp án lên bảng kết quả cá nhân. Ai hoàn thành trước bấm chuông giành quyền xét kết quả, người còn lại buộc phải dừng lại. Kết quả hoàn toàn trùng khớp mới có điểm. Sau ba vòng thi, hai điểm cao hơn là người chiến thắng. Chương trình lưu ý, tuyển thủ chỉ được phép sai duy nhất một ký tự, và ký tự đó phải nằm trong ô độc lập, không liên quan đến ô chữ khác.

Giám khảo quốc tế Vương Phong đánh giá đây là thử thách lớn, bởi tuyển thủ không chỉ phải ghi nhớ lượng lớn thông tin trong thời gian ngắn, mà còn phải vận dụng được cả khả năng logic để điền đáp án đúng vào ô chữ.

Việt Hoàng khởi đầu thuận lợi với chiến thắng ở vòng 1. Nam sinh quê Phú Thọ chia sẻ, bản thân không giỏi ở năng lực ghi nhớ, cũng như gặp hạn chế về vốn từ vựng Anh ngữ, nhưng đổi lại có khả năng phân tích logic tốt, nhanh chóng tìm được mối liên quan từ các từ. Theo Việt Hoàng, trong lúc đối thủ ghi nhớ hình dạng ô chữ, chàng trai 19 tuổi tập trung giải, đến khi đối thủ vạch ra đường đi của ô chữ trên bản kết quả cá nhân thì Việt Hoàng viết đáp án. Nhờ đó, may mắn đã mìm cười với Việt Hoàng ở vòng một.

Sang vòng 2, sở hữu trí thông minh hơn người, Simon Reinhard nhanh chóng thay đổi chiến thuật mới, chú trọng điền đáp án thay vì chỉ loay hoay vẽ đường đi của ô chữ. Sau khi hoàn thành phần thi, tuyển thủ đến từ Đức còn cẩn thận rà soát lại toàn bộ ô chữ nhiều lần để chắc chắn không có sai sót nào rồi mới bấm chuông. Trong khi đó, chiến thuật logic của Việt Hoàng bộc lộ yếu điểm khi chỉ tập trung liên kết các từ nên bị bỏ qua một số từ. Kết thúc rà soát đáp án, Simon Reinhard gỡ hòa ở vòng 2.

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới ảnh 5 Hai tuyển thủ đều có chiến thuật riêng trong thi đấu. Việt Hoàng lợi thế về tính logic, còn Simon Reinhard lại có khả năng ghi nhớ siêu phàm.

Đến vòng quyết định thắng – thua, Việt Hoàng lấy lại phong độ, giải ô chữ rất nhanh. Ngược lại, Simon Reinhard gặp rắc rối với đường đi của ô chữ. Đến khi Việt Hoàng bấm chuông xin xét đáp án, đối thủ vẫn chưa điền được cụm từ nào.

Tưởng chừng chiến thắng đã gần kề tuyển thủ Việt Nam, Việt Hoàng phát hiện viết sai từ “Apple” (quả táo) và định sửa lại. Tuy nhiên, Simon Reinhard lên tiếng phản đối, vì theo luật, khi đã bấm chuông “chốt” đáp án thì không được phép sửa.

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới ảnh 6 Việt Hoàng phát hiện viết sai sau khi ấn chuông "chốt" đáp án.

Trước sự cố này, ban giám khảo đã họp bàn với ê kíp chương trình để đưa ra giải pháp xử lý. Giám khảo quốc tế Vương Phong khẳng định Việt Hoàng đã phạm quy về mặt nguyên tắc, và cho Simon Reinhard lựa chọn giữa dừng trận đấu hoặc thi lại vòng mới. Tuy nhiên, nhà báo Lại Văn Sâm phản đối. “Tôi nghĩ rằng, mình cũng nên học, sống, làm việc và chơi theo luật. Đúng luật mà chơi… Tôi không đồng ý bởi vì mình là nước chủ nhà. Đối thủ sẵn sàng chơi tiếp, nhưng sau đấy không biết được là điều đó có giúp được gì cho việc phát triển tiếp của các bạn Việt Nam hay không. Tôi đề nghị đúng theo luật xử. Trận này Việt Hoàng thua mặc dù tôi rất yêu Việt Hoàng”, MC 63 tuổi nói.

Ông nói thêm, đây là bài học lớn cho Việt Hoàng. Rõ ràng, tuyển thủ của Việt Nam đã chủ quan trong khi có rất nhiều thời gian để kiểm tra lại đáp án, nhưng lại vội vàng nhấn chuông vào lúc hơn 3 phút. Lại Văn Sâm đánh giá cao tính cẩn thận mà Simon Reinhard đã cho thấy ở vòng 2.

Bài học đắt giá của Việt Hoàng trước nhà vô địch trí nhớ thế giới ảnh 7 Việt Hoàng nuối tiếc vì quá chủ quan.

“Điều tôi muốn nói là thử thách này không chỉ về tốc độ mà còn về độ chính xác nữa. Anh ấy nhấn chuông rất nhanh. Nếu anh ấy chỉ cần dành thêm 1 phút để kiểm tra mọi thứ, giống như tôi đã làm trong lượt thi thứ hai, thì anh ấy đã thắng tôi rồi. Tôi rất tiếc vì tôi chỉ cố gắng làm theo luật”, Simon Reinhard bày tỏ quan điểm.

Giám khảo Vương Phong cũng nhắn nhủ đến Việt Hoàng, sai sót lần này có thể giúp chàng sinh viên Bách khoa gặt hái được thành công và những bài học quý báu trong tương lai.

Việt Hoàng hoàn toàn “tâm phục khẩu phục” trước quyết định từ ban giám khảo. “Khi mà đối thủ của mình đã chuyên nghiệp, giám khảo của mình đã chuyên nghiệp thì chẳng có lý do gì đề mình không chuyên nghiệp”, Việt Hoàng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG