Sang trọng như… 0 đồng?

TP - Giải thưởng của cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô khiến dư luận trong và ngoài giới râm ran, chỉ vì giá trị (vật chất) của nó.

 Giải A: 500 ngàn đồng; Giải B: 400 ngàn đồng; Giải C: 300 ngàn đồng. Với 35 giải thưởng, tổng giá trị vỏn vẹn 12,9 triệu đồng! Có người nhầm đây là giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội lập tức đính chính: Đây là giải của Hội LH VHNT Hà Nội.

Không tham gia tranh giải, nhà văn Sương Nguyệt Minh đứng ngoài bình luận: Giải nhất của cuộc thi văn học nghệ thuật kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thủ đô mua được 3 kg thịt lợn ba chỉ. Còn giải nhì thì phải bù vào mới đủ mua.

Những người “rinh” giải cao là những gương mặt quen thuộc trên văn đàn: Nhà văn Y Ban, giải nhất. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, giải nhì. Nhiều người xót xa vì “văn chương nghệ thuật rẻ như bèo”: “Tham gia “Ai là triệu phú” trả lời 5 câu hỏi vớ vẩn trong tích tắc còn được 2 triệu đồng.

Chắc người ta nghĩ những người sáng tạo nghệ thuật sống bằng không khí, nên thưởng vậy đã là nhiều!”, một độc giả lên tiếng. Có người góp ý, thà cứ nói giải thưởng chỉ có giá trị tinh thần, tiền thưởng = 0 đồng, còn được tiếng thanh tao.

Người được trao giải nhất, nhà văn Y Ban cũng thấy nhận “0 đồng” vẫn còn hơn, bởi : “0 đồng có một sự sang trọng không hề nhẹ”. Một nghệ sỹ được vinh danh khác, người được bạn bè, anh chị em trong giới văn nghệ ban tặng danh hiệu “Người có duyên với các giải thưởng”, tác giả Hoàng Anh phải thốt lên: Chưa bao giờ tôi nhận thấy có một giải thưởng nào có “giá trị cao nhất” chỉ tương đương bằng giá tiền 10 bát phở Việt Nam.

Nhưng cũng có người không bênh nghệ sỹ. Họ đặt câu hỏi: Vấn đề ở chỗ, khi phát động giải thưởng thì Hội treo giải thế nào? Nếu từ đầu đã biết giải thưởng “bèo” mà vẫn tham gia thì lỗi thuộc về các văn nghệ sỹ.

Song người trong cuộc Y Ban đã làm sáng rõ: Cuộc thi được Hội LH VHNT Hà Nội phát động từ tháng 11/2018 và ngày 27/12/2019 thì tổng kết. Cơ cấu giải thưởng khi phát động, giải A là 10 triệu đồng. Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình cho rằng: “Hội LHVHNT Hà Nội đã nhầm giữa qui định khen thưởng thi đua với giải thưởng các cuộc thi”.

Câu chuyện giá trị vật chất khích lệ người sáng tạo văn học nghệ thuật còn dài.  Chẳng có gì ngạc nhiên khi văn nghệ sỹ than nghèo. Xuân Diệu từng tổng kết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. 

Nhà phê bình Ngô Thảo trong tham luận “Góp một cách nhìn về văn học- nghệ thuật hiện nay”, đã viết: “Cho đến nay, ở nước ta không có nhiều người sống được bằng nghề này (nghề lí luận- phê bình-pv)”. Giải thưởng cao nhất ở một cuộc thi không phải “ao làng” chỉ giá trị bằng 3 kg thịt lợn hoặc 10 bát phở Việt thì ai muốn sáng tạo? Định vinh danh hay muốn hạ thấp người ta?

MỚI - NÓNG