Những năm 1968-72, bom đạn giội xuống Việt Nam, và nhiều người lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam không trở về đã dấy lên phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Phong trào lan rộng được nhiều bạn bè yêu hòa bình trên thế giới ủng hộ. Các cuộc biểu tình vì hòa bình được tổ chức khắp nơi. Phong trào này được nhiều văn nghệ sĩ trên thế giới ủng hộ như Jeanne Fonda, Bob Dylan, Madeleine Riffaud,… Nhiều tác phẩm văn học và nhiều bài hát mang khát vọng giã từ vũ khí, phản chiến không đi tham chiến ở Việt Nam nở rộ. Jimmy Cliff ca sĩ gốc Jamaica từng đoạt giải “Waterfall” quốc tế, đã hát một bài hát nổi tiếng làm xúc động nhiều người. Bài hát mang tên hai chữ “Việt Nam”.
Lời bài hát không bay bướm hết sức đơn giản, nhưng chân tình thấm đậm tính nhân văn. Chỉ là hai bức thư ngắn ngủi vài dòng nhưng thấu đau bao con tim. Lá thư người ra trận với nỗi nhớ bạn bè, nụ hôn, và sắp hết hạn nghĩa vụ mong trở về quê hương xa xôi, và một bức điện tín báo tử cho bà mẹ…
Ồ Việt Nam ! Việt Nam ! Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam
Hôm qua tôi nhận được thư
từ một người bạn của tôi
đang chiến đấu ở Việt Nam
và trong thư anh ấy viết:
“Cậu nói với tất cả bạn bè
rằng mình sẽ sớm trở về nhà
(Tiếng vọng đồng ca: sẽ về, sẽ về…)
Tháng sáu này, tôi sẽ hết hạn nghĩa vụ
Đừng quên nói với nàng Mary yêu quý của tôi
Môi nàng óng ánh ngọt ngào như quả anh đào.
Và lá thư ấy đến từ Việt Nam.
(Điệp khúc : Việt Nam ! Việt Nam ! Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam)
Ngay ngày hôm sau đó,
Mẹ cậu ta nhận được điện tín đến từ Việt Nam
Bây giờ bà Brown đang sống ở Mỹ
và bà đọc cho tôi lời trong điện tín:
“Xin bà đừng hốt hoảng”
“Thưa bà Brown, con trai bà đã mất!”
Và bức điện tín đến từ Việt Nam
(Điệp khúc: Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam: Việt Nam)
Xin ai đó hãy chấm dứt chiến tranh bây giờ!
(Tiếng vọng đồng ca: chấm dứt đi, chấm dứt đi)
Jimmy Cliff biểu diễn ở Bildein, Austria, 2012
Tiếng vọng giữa bài hát “sẽ về, sẽ về…” và ở đoạn kết thúc “chấm dứt đi!… chấm dứt đi!…” giống như tiếng vọng của những linh hồn người lính trẻ cứa vào trái tim của bao nhiêu người lính đang hoặc sắp phải sang Việt Nam. Và điệp khúc “Việt Nam” như bom rền vang thức tỉnh lương tri nhân loại. Giọng ca tuyệt vời đi cùng với chất nhạc bi hùng như tiếng gào thét của người lính kêu gọi đừng đến Việt Nam, hãy chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam không chỉ là nỗi đau riêng của các bà mẹ người Việt mà của nhiều bà mẹ trên thế giới. Chiến tranh là sự mất mát hy sinh của cả hai bên. Thắng hay thua đều đau đớn. Nhiều người lính trẻ đang đầy khát vọng, vừa rời ghế nhà trường đã phải vào lính. Những người lính Việt Nam chết vì bảo vệ quê hương, còn những người lính Mỹ, Úc, Canada... đến ném bom, thả chất độc da cam, đến để chết ở Việt Nam - nơi đất khách quê người họ nhân danh gì? Đó chính là lý do mà nhiều thanh niên Mỹ, và cựu chiến binh Mỹ trở về đã phản chiến. Chiến tranh Việt Nam chấm dứt sớm một phần nhờ sự thức tỉnh lương tri của toàn nhân loại trước sự tàn khốc đau đớn của chiến tranh.
Ngày nay nhiều cựu chiến binh Mỹ, Úc… trở lại Việt Nam để mong hàn gắn vết thương chiến tranh nơi họ đã gây ra. Họ đã giúp người Việt khắc phục hậu quả chiến tranh, giúp trẻ em bị nhiễm độc da cam.
Nhưng năm chiến tranh đó, người miền Bắc Việt Nam đi du học, công tác luôn được bè bạn năm châu đón tiếp nhiệt tình và yêu quý. Nhiều bà mẹ nước ngoài đã ôm khóc vì thương người Việt gầy gò, khắc khổ vì phải sống, làm việc, chiến đấu dưới làn bom. Họ cảm động và khâm phục sự dũng cảm và chịu đựng gian khổ của người Việt. Bạn bè thế giới, các tổ chức nhân đạo đã giúp đỡ nhiệt tình hết lòng. Mong rằng người Việt Nam mãi mãi xứng đáng với sự ủng hộ và niềm tin của bạn bè thế giới, mãi được yêu thương và trân trọng như ngày ấy.