Ðặc thù sông nước.
Vùng sông nước các tỉnh Miền Tây Nam bộ, dân cư phân tán, sông rạch chằng chịt, giao thông cách trở. Điểm trường lẻ là sự hiện diện một cách hiển nhiên, mạng lưới trường lớp chủ, mang cơ hội thuận lợi cho trẻ em đến trường, xoá mù chữ, phổ cập giáo dục…
Nhìn điểm trường lẻ ấp Tân Biên, thuộc Trường tiểu học xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) nằm ở ngã ba sông, ông Nguyễn Văn Ri, 86 tuổi, ở gần kể: “Trước đây, điểm trường này bằng lá dừa nước, cột gỗ và bàn ghế cắm xuống đất do bà con xây cất. Giáo viên là thanh niên trẻ ở tại chỗ, có học thức đứng lớp. Còn điểm trường này xây cất mới, bỏ hoang mấy năm nay, chuyển trẻ về trung tâm học tốt hơn”.
Ông Phạm Ngọc Giàu được bà con mời giảng dạy cho trẻ em lúc bấy giờ, không ăn lương Nhà nước, cha mẹ học sinh trả công bằng ngày công làm ruộng là nguồn thu nhập chính vùng này. Ông Phạm Ngọc Giàu nói: “Tôi chỉ đủ khả năng dạy vài lớp đầu cấp tiểu học. Nhờ vậy, nhiều thế hệ con em vùng này có điều kiện học tiếp lên cao, thành kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, sĩ quan…”.
Xã Tân Thuận (Đầm Dơi) rộng hơn 10.800 ha, ven biển, sông rạch chằng chịt, là vùng sâu, vùng xa, cách trở nhất của huyện Đầm Dơi. Ông Dương Hết Hồn, Chủ tịch UBND xã Tân Thuận (Đầm Dơi) nói: “Hiện nay, trên địa bàn xã Tân Thuận có 1 trường THCS, 3 trường Tiểu học với 1 trường Mầm non và 5 điểm trường lẻ.
Phần đông giáo viên dạy học ở xã Tân Thuận (Đầm Dơi) là người ở các tỉnh miền Bắc. Người ở Thanh Hoá, người ở Nghệ An đã bám trụ ở đây hơn 20 năm dạy học. Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Thuận nói: “Giáo viên ở xa đến, nhà công vụ chưa một lần được bước vào, đất làm sân trường chật hẹp thì lấy đâu có nhà công vụ? Thương các em nhỏ đến đây và không nỡ quay mặt đi”.
Trên nói dễ, dưới kêu khó
Ðiểm trường lẻ ấp Lê Giáo (huyện Thới Bình) có kế hoạch xóa đã làm cho người dân lo lắng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: “Giao thông cải thiện, đường bộ dần thay thế đường thuỷ, kinh tế- xã hội phát triển. Trong đó, điều kiện đi học của học sinh thuận tiện nên cần rà soát để xoá”.
Sở GD&ĐT Cà Mau thống kê, toàn tỉnh có tổng số 606 điểm trường lẻ (Mầm non có 262 điểm, Tiểu học có 333 điểm và THCS còn 11 điểm. Điểm trường lẻ gần điểm trường trung tâm nhất là 0,7km, điểm trường lẻ xa điểm trường trung tâm nhất là 15 km.
Điểm trường lẻ có số lớp ít nhất là 1 lớp với 5 học sinh (điểm trường Mầm non Hoa Mai - Tiểu học Nguyễn Văn Tố, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh). Điểm trường lẻ có số lớp nhiều nhất là 16 lớp, với 531 học sinh tại ấp Tắc Thủ, của Trường THCS Tân Lợi (huyện Thới Bình).
TS Nguyễn Minh Luân, GĐ Sở GD- ĐT Cà Mau nói: “Xóa điểm trường lẻ khi giao thông thuận lợi, nhu cầu giáo dục cao, học sinh thụ hưởng cơ sở vật chất, nề nếp học tốt nhưng phải có lộ trình với mục tiêu tăng sĩ số học sinh, xóa điểm trường lẻ, trường có nhiều cấp học, để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Ở vùng ven biển Đông thuộc các xã ven biển Đầm Dơi, Ngọc Hiển, các em học sinh “học theo con nước”. Tranh thủ nước ròng, các em theo cha mẹ “hái lượm” trong rừng, bãi biển. Đợi nước lớn, nước tràn đầy sông rạch mới đến trường học.
Thầy giáo Nguyễn Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lưu Hoa Thanh- điểm trường trung tâm xã Tân Thuận (Đầm Dơi) cho biết: “Trường tiểu học Lưu Hoa Thanh có 1 điểm chính và 1 điểm lẻ, cách nhau 12 km, học sinh chủ yếu đi bằng đường thủy. Đó là điểm trường lẻ ở ấp Hiệp Hải có 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5, có 79 học sinh, bình quân gần 16 học sinh/lớp nhưng không thể xoá.
Cô giáo Lê Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Thuận (Đầm Dơi) nói: “Khó ai có thể hình dung học sinh còn rất nhỏ, phải thức từ 3-4 giờ sáng để đi học, rồi ngồi đợi nước lên đến chiều tối mới về nhà”.
Học sinh đến trường bằng đò, thấp nhất từ 10.000 đồng/ngày, cao nhất 15.000 đồng/ngày. Tiền đò đi học thành gánh nặng cho cha mẹ có kinh tế eo hẹp, chật vật với cảnh mò cua bắt cá trong rừng, ven biển mưu sinh.
Ông Nguyễn Bạch Lựu, có cháu học tại điểm trường Ao Bồng, xã Tân Thuận (Đầm Dơi) tâm tư: “Đa phần dân địa phương thuộc diện nghèo, sống ven biển nên không thể cho con học xa. Nếu xóa điểm trường lẻ Ao Bồng, có thể dẫn đến nhiều cha mẹ cho con nghỉ học”.
Khi có chủ trương, Trường Tiểu học Biên Bạch Đông sẽ xóa điểm lẻ ấp Lê Giáo, xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình) nhưng nhiều cha mẹ học sinh không đồng ý. Bà Nguyễn Thị Mỹ Xuyên, ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) cho biết, có 2 con và 6 đứa cháu học tại điểm trường lẻ ấp Lê Giáo.
Bà Xuyên tâm sự: “Gia đình tôi cất nhà trong bờ bao rừng tràm, có đường giao thông. Nếu xóa điểm trường này thì phải đi xa đến 5km, rất khó khăn nên nguyện vọng muốn xin giữ lại điểm trường ấp Lê Giáo”.
Bà Trần Thị Thu Loan, ấp Hoà Hải, xã Tân Thuận (Đầm Dơi) thở than: “Ở đây, nước lớn ngập, nước rút lội sình. Bà con ở đây vần công đưa con em đi học. Con vào lớp, mẹ cha ngồi núp bóng cây đợi, bỏ công ăn việc làm”.
Bà Loan nói: “Nhà nước đắn đo tiền trả lương cho một giáo viên vài triệu đồng. Vậy, bà con đưa rước, chờ đợi, không làm ăn được sẽ tốn kém rất nhiều để đưa con đi học. Hơn, thiệt phải cân nhắc”.
(còn nữa)
TS Nguyễn Minh Luân, GÐ Sở GD& ÐT Cà Mau nói: “Chủ trương sẽ xoá những điểm trường lẻ không còn phù hợp là hợp lý nhưng phải tạo đồng thuận, hướng tới mục tiêu học sinh thụ hưởng giáo dục có chất lượng”.
Sở GD& ÐT Cà Mau, cuối năm học (2017-2018) còn 606 điểm trưởng lẻ (262 điểm trường Mầm non, 333 điểm trường Tiểu học và 11 điểm trường THCS). Trong những tháng hè, các địa phương vừa xoá 148 điểm gồm 30 điểm trường Mầm Non, 113 điểm trường Tiểu học và 5 điểm trường THCS. Dự báo, đến năm 2021, tỉnh Cà Mau vẫn còn 246 điểm trưởng lẻ gồm 181 điểm trường Mầm non, 62 điểm trường Tiểu học và 3 điểm trường THCS.