“Dậy sóng” giáo dục Ðất Mũi. Bài 1:

Thân phận giáo viên hợp đồng

Trẻ em vùng sông nước đến trường.
Trẻ em vùng sông nước đến trường.
TP - Câu thơ: “Hè qua rồi… ở lại hoặc ra đi?” (trích bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng” của thầy giáo Tôn Sỹ Dũng, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Ðịnh) đã có câu trả lời. Hơn 1.400 giáo viên cần chấm dứt hợp đồng do tuyển  không đúng thẩm quyền?

Hụt hẫng, chơi vơi

Sóng biển vỗ liên hồi như xoáy vào lòng cô giáo Nguyễn Ngọc Trinh, giáo viên Trường mầm non thị trấn Sông Ðốc (Trần Văn Thời) vừa nhận tin bị cắt hợp đồng.“Tôi rất là buồn, buồn đến khóc, chưa biết làm gì?”- cô giáo Ngọc Trinh bỏ lửng câu nói, mắt nhìn khơi xa.

Vào nghề năm 2013, cô giáo Nguyễn Ngọc Trinh đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và giáo viên tiêu biểu của tỉnh Cà Mau, được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2017. Cô giáo Ngọc Trinh tâm sự: “Tôi cố gắng đạt thành tích, yêu nghề nhưng nghề chẳng yêu mình”.

Từ thành phố Cà Mau, cô giáo Nguyễn Kiều Oanh vượt gần 40 km đến Trường tiểu học Trí Phải Tây, xã Trí Phải(Thới Bình) dạy học 8 năm. Cô Kiều Oanh nói: “Nhà trường thông báo cắt hợp đồng theo chỉ đạo cấp trên. Mất việc, khó khăn nuôi 2 con nhỏ và thế chấp sổ lương vay vốn ngân hàng giờ phải trả nợ sao đây!”

Mang trong lòng nỗi lo “giáo viên hợp đồng”, thầy giáo trẻ Trần Khánh Linh, Bí thư Ðoàn Trường THPT Quách Văn Phẩm (Ðầm Dơi) nhận được thông báo cắt hợp đồng, phải thảng thốt: “Rất hụt hẫng, chơi vơi lắm!”.

Sinh ra trên quê hương Ðầm Dơi, Trần Khánh Linh thi vào Trường đại học Cần Thơ, tốt nghiệp loạt giỏi ngành sư phạm Vật lý- Công nghệ.Năm 2015, Trần Khánh Linh được hợp đồng giảng dạy, đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, hướng dẫn học sinh đạt giải cuộc thi ViOlympic Vật lý và Tỉnh Ðoàn tặng bằng khen về công tác Ðoàn.

Phập phồng, hy vọng

Thân phận giáo viên hợp đồng ảnh 1 Học sinh vượt sông đến trường.

Vợ chồng cô giáo Nguyễn Hồng Lạc, Trường THCS Khánh Hải I,xã Khánh Hải(huyện Trần Văn Thời) nhận được thông báo nằm trong diện cắt hợp đồng. Hơn 8 năm rồi, vợ chồng cùng dạy học vùng đất xa xôi-quê hương Bác Ba Phi,thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, tạm đủ cuộc sống đạm bạc gia đình giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Hồng Lạc cho biết, dù nằm trong diện cắt hợp đồng nhưng hy vọng sẽ được hợp đồng tiếp, vì chỉ có hai vợ chồng dạy môn công nghệ tại Trường THCS Khánh Hải I.

Cô giáo Nguyễn Hồng Lạc có nỗi lo riêng: “Bị cắt hợp đồng, ai sao mình vậy. Nhưng được hợp đồng lại, lương có được hưởng như hiện nay hay quay lại điểm khởi đầu? Tôi hy vọng được tiếp tục giảng dạy, được trả lương có tình, có nghĩa với giáo viên”.

Màu hoa phượng đỏ rực sân trường, chợt nắng, chợt mưa, mùa hè sắp kết thúc.Một lần “tim phập phồng lo lắng” của cô giáo Ðặng Hồng Thơ, hợp đồng dạy Tiếng Anh tại Trường THPT Ðầm Dơi xôn xao, lo sợ: “Nhận thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng, buồn lắm không sao nói được”- cô Hồng
Thơ nói.

Cách đây 7 năm, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi Khoa sư phạm Tiếng Anh Trường đại học Cần Thơ, cô Ðặng Hồng Thơ xin hợp đồng giảng dạy tại trường cũ “trường huyện chất lượng tỉnh”, gặp thầy cô giáo thân quen, đàn em học sinh quê nhà.

Vừa có việc làm, vừa lập gia đình với bạn học đàn anh là thầy giáo Nguyễn Công Ðịnh, cùng giảng dạy tại Trường THPT Ðầm Dơi. Rời khỏi căn phòng nhỏ, cất nhà trên phần đất nhà trường cho mượn, vợ chồng cô Hồng Thơ vừa xây cất căn nhà lắp ghép, rộng chưa đầy 50 m2, từ đồng tiền dành dụm và cha mẹ hai
bên giúp.

Nhìn con gái bụ bẫm, cô giáo Ðặng Hồng Thơ nói: “Hồi thi viên chức, tôi mới sinh bé được 2 tháng, không ôn luyện nên rớt, tiếp tục dạy hợp đồng. Nhận thông báo cắt hợp đồng nhưng hy vọng vì trường đang còn thiếu giáo viên”.

Hoạt động giảng dạy sao đây?

Trong 1.405 giáo viên được thông báo cắt hợp đồng, có 264 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng ngày 1/7/2018, được lùi đến ngày 1/9/2018, của các trường THPT tại 33 trường trực thuộc Sở GD- ÐT Cà Mau.

Trường THCS Vàm Ðình (Phú Tân) được thành lập khối THPT vào tháng 6/2016, với 3 lớp 10 nhưng chỉ được giao 1 biên chế nên phải hợp đồng giáo viên giảng dạy. Năm học 2017- 2018, ngôi trường này tuyển sinh 6 lớp khối THPT,  nên càng hợp đồng thêm giáo viên.

Năm học 2018- 2019, Trường THCS- THPT Vàm Ðình tuyển sinh, biên chế khối THPT 10 lớp (4 lớp 10, 3 lớp 11 và 3 lớp 12) nhưng biên chế cho 2 cán bộ quản lý, 4 giáo viên và còn thiếu 23 giáo viên cho khối THPT.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS- THPT Vàm Ðình nói: “Tuyển sinh xong, biên chế theo qui định nhưng thiếu giáo viên trầm trọng, tổ chức giảng dạy như thế nào?”

Tương tự, Trường THPT Quách Văn Phẩm (Ðầm Dơi) thành lập được 3 năm, có học sinh giỏi quốc gia, có 100% học sinh tốt nghiệp. Hiện nay, Trường THPT Quách Văn Phẩm tuyển sinh 7 lớp 10, 5 lớp 11 và 4 lớp 12.

Thầy giáo Võ Thanh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Quách Văn Phẩm nói: “Nhà trường còn thiếu 19 giáo viên, trong đó có 17 giáo viên đã thông báo cắt hợp đồng, phải chờ giáo viên để tổ chức hoạt động
giảng dạy”.

Trường THPT Ðầm Dơi- đạt chuẩn quốc gia, với 97 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhưng đang hợp đồng 15 giáo viên, còn thiếu 28 giáo viên theo định biên. Thầy giáo Châu Văn Tuy, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi cho biết, hợp đồng 28 giáo viên, mỗi tháng chi trả hơn 110 triệu đồng/tháng. Nếu trả tiền tăng giờ, chi gần 229 triệu đồng/tháng, mỗi năm học trả hơn 2 tỷ đồng.

(Còn nữa)

Cô Kiều Oanh nói: “Nhà trường thông báo cắt hợp đồng theo chỉ đạo cấp trên. Mất việc, khó khăn nuôi 2 con nhỏ và thế chấp sổ lương vay vốn ngân hàng giờ phải trả nợ sao đây!”
TS Nguyễn Minh Luân, GÐ Sở GD- ÐT Cà Mau nói: “Hiện nay, tổng biên chế được giao 15.215 người (Mầm non 1.986, Tiểu học 7.220, THCS 4.068 và THPT 1.941). Kết quả rà soát, có 1.405 giáo viên hợp đồng,đã được thông báo tinh thần chỉ đạo UBND tỉnh nhưng chưa chấm dứt hợp đồng vì phải cân đối nhu cầu để đề xuất, trình Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định.
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.