Bậc thầy hội họa của đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lấy cảm hứng từ hoạt động văn hóa cộng đồng, sinh hoạt hằng ngày, ông trải lòng thông qua ngôn ngữ hội họa để người xem cảm nhận trọn vẹn một Tây Nguyên huyền bí trong nghệ thuật. Tranh ông vượt ra khỏi buôn làng, đi triển lãm khắp trong, ngoài nước. Ông là bậc thầy hội họa mang hơi thở đại ngàn Tây Nguyên - họa sĩ Y Nhi Ksor.

Họa sĩ của buôn làng

Bên ly cà phê thơm nồng, trong góc quán yên tĩnh giữa lòng thành phố Ban Mê, người đàn ông nước da nâu đậm, đôi mắt ấm áp, nụ cười hiền, họa sĩ Y Nhi dẫn dắt câu chuyện bằng những lễ hội văn hóa đậm màu sắc huyền ảo, phong tục tập quán đặc sắc. Từ việc lên rẫy tỉa bắp, săn muông thú, phát rẫy…đến chuyện người cha ngồi dưới mái nhà sàn đan gùi, rèn dao, quây quần bên bếp lửa nghe kể sử thi…Những hình ảnh đời thường quen thuộc ấy trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng để ông làm nên tác phẩm nghệ thuật.

Ngày ấy, họa sĩ Y Nhi được sinh ra trong rừng, lúc mẹ ông cùng bà con ở làng đang chạy giặc vào năm 1960. Lên 3 tuổi, ông cùng gia đình rời buôn Sek heo hút của người Êđê ở huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) bắt đầu cuộc sống mới. Năm 8 tuổi, về thăm làng, cậu bé Y Nhi cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ, trong trẻo của quê nhà. Cơn mưa vừa tạnh, đất đỏ bazan được dòng nước làm phẳng mịn, chàng trai ấy dùng que miệt mài vẽ trên nền đất những hình ảnh ngộ nghĩnh cảnh sinh hoạt buôn làng theo bản năng. Lớn lên, con đường nghệ thuật như một cơ duyên gắn chặt ông với sắc màu hội họa.

Bậc thầy hội họa của đại ngàn ảnh 1

Họa sĩ Y Nhi hướng dẫn cách vẽ một bức tranh sơn dầu

Họa sĩ Y Nhi kể, lúc đầu ông thi âm nhạc, khi chuẩn bị đi học, có một đoàn đến tuyển mỹ thuật, ông thi mỹ thuật và đứng thứ 3. “Lúc này chỉ có tôi và Y Thinh ra Huế học. Đến trường, thầy hiệu trưởng rất quý, sắp xếp phòng cho chúng tôi ở rất đàng hoàng. Hai tháng sau, Y Thinh nhớ nhà về quê, chỉ còn mình tôi quyết tâm theo đuổi đam mê”, Y Nhi nói.

“Tôi đang phục hồi bức “Hội xoang Aráp” (bức tranh bị mất không hiểu lý do) và đang vẽ “Công binh Trường Sa”, bức tranh này 2 năm rồi chưa hoàn thành. Tôi và họa sĩ Trương Văn Linh (giảng viên trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh - Thế hệ học trò đầu tiên của ông) ấp ủ muốn tổ chức triển lãm tranh vẽ về Tây Nguyên trên hai chất liệu sơn dầu và sơn mài”

Họa sĩ Y Nhi Ksor

Nét khắc khoải vương trên đôi mắt hiền, ông tiếp câu chuyện, năm 1975 gia đình ông trở về sinh sống ở quê nhà (xã Dliêyang, huyện Ea H’leo). Đau lòng nhất là khi ông chứng kiến cảnh những đứa trẻ lấy chiêng đổi kem, nhiều gia đình dùng chiêng làm máng cho heo ăn. Ông lo sợ một ngày dân tộc mình sẽ mất đi nét đẹp vốn có của nó. Ông lao vào vẽ, lúc này, ông vẽ bằng sự non nớt và bốc đồng.

“Tây Nguyên là vùng đất với những miên man, trăn trở không dứt trong quá trình làm nghệ thuật. Khi đi xa, tôi thấy yêu hơn và vẽ nhiều hơn. Cái cảm giác bồi hồi những lần trở về cho tôi nhiều cảm xúc trong sáng tạo. Vì vậy, làng tôi dẫu còn nghèo, lạc hậu tôi vẫn yêu và mãi muốn khám phá thể hiện trong tác phẩm của mình”, giọng ông lạc đi.

Khi làm luận văn tốt nghiệp với chủ đề hoa văn trang trí, ông về làng, đạp xe khắp các huyện trong tỉnh. Ông thấy làng mình khác làng họ, quyết định ngủ lại buôn Đung (xã Ea Khanh, huyện Ea H’leo) canh đến sáng sớm để vẽ “Hội xoang Aráp”. Với mảng hòa sắc đỏ và đen, bức tranh thể hiện một phong cách nồng nhiệt, từ sự chân thành tràn đầy sức sống, mang đến cho ông tấm bằng đỏ tốt nghiệp ngành hội họa Trường đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Họa sĩ Y Nhi về công tác tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk. Khi đó, ông là thạc sĩ mỹ thuật đầu tiên và duy nhất ở tỉnh.

Bậc thầy hội họa của đại ngàn ảnh 2
Bức tranh “Sự nổi giận của nữ thần mặt trời”

Hiện ở Đắk Lắk chỉ còn duy nhất bức tranh “Sự nổi giận của nữ thần mặt trời”. Hỏi vì sao, ông cười, tất cả tranh đã bán hết. Ông tiếc nuối kể về tác phẩm lưu lạc đâu đó nơi xứ người. Bức tranh “Giành lại Sam pô” triển lãm tại Phần Lan, ông dành 3 tháng đọc đi đọc lại sử thi Kalevala của Phần Lan mới phác họa ý tưởng sáng tác.

Ông bộc bạch: “Ngày đó tôi phải bán tranh có khi vì túng, khi vì sự ngưỡng mộ của bạn bè hay vì sự cả nể”. Cầm điện thoại, ông lần mở các file ảnh, say sưa giới thiệu tác phẩm “Hội xoang Aráp”; “Lễ trao vòng”; “Được mùa”…

Hơi thở đại ngàn

Y Nhi chọn chất liệu sơn dầu với màu chủ đạo là đỏ, vàng và đen. Ông nói, màu đỏ là đất bazan, màu vàng bởi nắng Tây Nguyên mạnh, màu đen của sắc phục gắn với mọi người, là những gam màu phù hợp mảnh đất và con người Tây Nguyên, cả ở sự khắc nghiệt, dẻo dai, dữ dội lẫn sức sống mãnh liệt.

Tranh của ông chứa đựng sự hồn hậu của một tâm hồn từng trải, trái tim đa mang với chút nhọc nhằn tuổi thơ cơ hàn. Đường nét đơn giản, khoáng đạt lột tả một cách sâu sắc, chân thực tâm lý con người, sự vật…

Người xem sẽ rất ngạc nhiên, tại sao màu đỏ giăng khắp trong tranh Y Nhi. Chất liệu trần gian như thế, phải vẽ những bức tranh về vùng đất, không gian nơi cội nguồn nuôi dưỡng mình. Họa sĩ Y Nhi bộc lộ cảm hứng sáng tạo trong bức “Đi dự hội”, đó là nét hoang dại đầy thi vị được miêu tả qua những cảnh sinh hoạt đời thường, nó ẩn chứa sức mạnh được dồn nén trong sắc màu Tây Nguyên bao đời nay.

Họa sĩ Y Nhi sống trầm lặng, ông an nhiên vung cọ như không để ý xung quanh đang có bao người cũng đang vẽ. Ông vẽ bằng sự rung động nơi con tim mình, cái tôi nghiêm cẩn. Mỗi tác phẩm của ông khi đưa ra công chúng là một sự đầu tư rất nghiêm túc. Trong thế giới riêng, ông miệt mài vẽ từ đêm đến gần sáng, “Lúc đó chỉ còn điều duy nhất là say mê và sáng tạo. Có nhiều đêm tôi vẽ rồi lấy dao rạch chúng đi. Có thể vẽ một bức cả tháng nhưng quyết định bỏ là bỏ”, ông nói. Tranh ông luôn ẩn chứa trong đó tình yêu thầm kín và sâu lắng của tác giả, nhân vật đều có thần thái riêng. Bức “Lễ trao vòng”, Y Nhi vẽ như cuồng say với sắc màu nồng ấm và sự khát khao trong tim về tình yêu của chàng trai, cô gái Êđê

Ông không muốn tác phẩm đơn thuần mang lối bình dị như một hình thức kể chuyện phong cảnh, cuộc sống sinh hoạt, ông tiếp tục tìm tòi một phương pháp mới. Bức tranh “Sự nổi giận của nữ thần mặt trời” đã bước đầu phá cách cho phong cách ấy. Ông kể, khi ấy, ở Hà Nội nóng nực, ô nhiễm môi trường, lũ lụt… tôi trút hết vào trong tranh. Khi về lại quê nhà, nhìn dòng suối dưới chân núi Dliêyang hiền hòa như dòng sữa mẹ nuôi sống các buôn làng đã gần cạn khô, rừng cây thưa dần… tất cả dồn nén lại và bung ra. Bức tranh hoàn thành là cả một sự trăn trở lâu dài với đường nét tạo hình thiên về biểu cảm, dùng hình tượng để chuyển tải ý tưởng sâu sắc, dữ dội hơn.

Tranh của ông đem đến cho người thưởng ngoạn cảm giác rất thật dù họ chưa biết Tây Nguyên vẫn có thể cảm nhận đầy đủ cái nắng, gió, sông núi nơi đây gần gũi, được ông chắt lọc từ nhựa sống chung quanh.

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.