Bắc Kinh đóng cửa cao tốc, sân chơi vì sương khói ô nhiễm bao trùm

0:00 / 0:00
0:00
Khói mù dày đặc bao trùm thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Khói mù dày đặc bao trùm thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
TPO - Hôm nay, các tuyến đường cao tốc và sân chơi cho trẻ em ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, phải đóng cửa vì ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong những ngày này, Trung Quốc đang vấp phải nhiều chỉ trích quốc tế vì tăng cường khai thác và sử dụng than.

Các lãnh đạo thế giới vừa đến Scotland để dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) – sự kiện được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu mang tính chất thảm khốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đến dự mà gửi phát biểu bằng văn bản.

Hiện là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới, Trung Quốc gần đây tăng cường khai thác và sử dụng than để giải quyết tình trạng thiếu điện trầm trọng, gây đứt gãy các chuỗi sản xuất.

Hôm nay, lớp khói bụi dày đặc bao trùm cả miền bắc Trung Quốc, khiến tầm nhìn ở một số khu vực giảm xuống chưa đến 200m, theo cơ quan dự báo khí tượng nước này.

Các trường học ở thủ đô nhận được chỉ đạo phải dừng dạy thể dục và tổ chức hoạt động ngoài trời.

Các tuyến cao tốc dẫn đến những thành phố lớn như Thượng Hải, Thiên Tân và Cáp Nhĩ Tân bị chặn lại vì tầm nhìn hạn chế.

Trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đo được nồng độ chất gây ô nhiễm lên đến mức “rất có hại” cho sức khoẻ của người dân.

Nồng độ bụi mịn PM2.5 – loại có thể thâm nhập vào phổi và gây ra các bệnh ô nhiễm – lên đến 230, cao gấp nhiều lần mức 15 mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị.

Chính quyền Bắc Kinh cho rằng nguyên nhân gây ô nhiễm là do kết hợp “điều kiện thời tiết không thuận lợi và phát tán ô nhiễm từ các vùng khác”, đồng thời cho biết tình trạng sương mù dày đặc này còn duy trì ít nhất đến tối mai.

Tổ chức Hoà bình xanh Đông Á nói rằng nguyên nhân gây ra tình trạng sương mù dày đặc ở miền bắc Trung Quốc là do đốt nhiên liệu hoá thạch.

Khoảng 60% lượng điện ở Trung Quốc được tạo ra từ đốt than.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG