Bản án sơ thẩm đúng người, đúng tội
Theo cơ quan công tố, từ ngày 28/2 đến 19/3, TAND TPHCM đã xét xử và tuyên phạt ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) 13 năm tù. 9 bị cáo còn lại bị tuyên án phạt từ 7 - 12 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bản án sơ thẩm cho rằng vụ Navibank này là một phần trong “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank (thuộc giai đoạn 2).
Tại bản án sơ thẩm, sai phạm các bị cáo thể hiện: Từ ngày 15/5/2011 đến ngày 27/11/2011, Navibank cho 13 nhân viên đứng tên với số tiền 500 tỷ đồng gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè. Cũng vào thời điểm này Thông tư số 02/2011/TT-NHNN có hiệu lực về quy định lãi suất không quá 14% nên lãi suất ghi trên các hợp đồng là 14%/năm, số tiền chênh lệch trên 15 tỷ đồng đã được Huyền Như chuyển trả ngay sau khi các nhân viên Navibank ký hợp đồng tiền gửi với VietinBank chi nhánh Nhà Bè.
Tháng 7/2011, Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) lấy lý do chuyển công tác về VietinBank chi nhánh TPHCM, cần tăng hạn mức huy động cho VietinBank chi nhánh TPHCM nên toàn bộ số tiền gửi đã chuyển về gửi tại VietinBank chi nhánh TPHCM.
Do Huyền Như đã rút tiền từ trước nên Huyền Như đã che giấu số tiền chiếm đoạt bằng cách dùng nguồn tiền khác chuyển trả vào tài khoản của một số nhân viên Navibank, sau khi các nhân viên này chuyển tiền vào VietinBank chi nhánh TPHCM thì Huyền Như tiếp tục lập chứng từ giả để rút ra. Đến ngày 7/9/2011, Huyền Như trả lại cho Navibank 300 tỷ đồng, số tiền 200 tỷ đồng còn lại dù chưa tới hạn tất toán nhưng đã bị Huyền Như chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè.
Theo cơ quan công tố, qua diễn biến phiên tòa phúc thẩm, hồ sơ chứng cứ và bản án sơ thẩm, đại diện VKS nhận thấy án sơ thẩm tuyên đúng người đúng tội, các bị cáo kháng cáo kêu oan có những nội dung đã được cấp sơ thẩm xem xét, vì vậy công tố kiến nghị tòa tuyên bác kháng cáo kêu oan của 7 bị cáo. Với 3 nữ bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt,đại diện công tố nhận thấy cả 3 bị cáo này có lý lịch nhân thân tốt, tại phiên phúc thẩm thành thật hối cải và gia cảnh neo đơn khó khăn, bệnh tật… từ đó đại diện cơ quan công tố đề nghị giảm cho mỗi người 1-2 năm tù.
Cựu tổng giám đốc Navibank có thực sự bị oan?
Ngay sau đại diện VKS nêu quan điểm, ông Lê Minh Trí tự bào chữa cho rằng mình bị oan. Ông Trí trình bày rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đánh giá đầy đủ các chứng cứ và các tình tiết trong vụ án một cách khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Ông Trí bào chữa rằng hành vi của ông không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội danh quy định tại Điều 165 BLHS 1999.
Luật sư (LS) Nguyễn Minh Cảnh (Đoàn LS TPHCM, bào chữa cho ông Trí) tranh tụng với phía công tố rằng, chủ thể của tội “Cố ý làm trái...” là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức kinh tế, kinh doanh dịch vụ... của Nhà nước.
Trong khi đó Navibank với 100% cổ phần tư nhân và các bị cáo là cổ đông nên các bị cáo không phải là chủ thể của tội danh này. Ngoài ra LS Cảnh cũng cho rằng cấp sơ thẩm dùng 2 bản án xử Huyền Như làm căn cứ để xác định hành vi chiếm đoạt, người chiếm đoạt và trách nhiệm dân sự trong vụ án Navibank là trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Hình sự. Các bị cáo không được tham gia vào hai phiên tòa trên nên không thể thực hiện các quyền tố tụng của mình.
Đến 19h tối qua, phiên tòa vẫn tiếp tục phần tranh luận.
Án sơ thẩm tuyên ông Lê Quang Trí 13 năm tù; Các cán bộ Navibank còn lại là Ðoàn Ðăng Luật 11 năm tù, Huỳnh Vĩnh Phát 11 năm, Cao Kim Sơn Cương 12 năm, Nguyễn Hùng Sơn 12 năm, Nguyễn Giang Nam 12 năm, Trần Thanh Bình 10 năm, Ðinh Thị Ðoan Trang 7 năm, Nguyễn Ngọc Oanh 7 năm và Phạm Thị Thu Hiền 7 năm tù, cùng về tội “Cố ý làm trái ...”.