‘Chốt’ vụ ‘đại án’ Huyền Như: Xem xét kháng cáo dàn lãnh đạo Navibank

Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu
TPO -  Với việc xử phúc thẩm xét kháng cáo dàn lãnh đạo Navibank, ‘đại án’ Huyền Như sẽ khép lại ngay sau khi tuyên án.

Hôm nay (13/8), TAND cấp cao tại TPHCM đưa vụ án xảy ra tại Navibank ra xét xử theo kháng cáo của 10/10 bị cáo.

Trước đó, từ ngày 28/2 đến 19/3, TAND TPHCM đã xét xử và tuyên án sơ thẩm. Đây là một phần trong ‘đại án’ Huỳnh Thị Huyền Như (thuộc giai đoạn 2), do Huyền Như đã chấp nhận bồi hoàn thiệt hại và án đã có hiệu lực pháp luật nên cấp sơ thẩm cũng như phiên phúc thẩm hôm nay Tòa không xem xét trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại của 10 bị cáo nguyên cán bộ Navibank.

Bản án sơ thẩm tuyên ngày 19/3 cho thấy, từ ngày 15/5/2011 đến ngày 27/11/2011, Navibank cho 13 nhân viên đứng tên với số tiền 500 tỷ đồng gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè.

Thời điểm này, Thông tư số 02/2011/TT-NHNN có hiệu lực về quy định lãi suất không quá 14% nên lãi suất ghi trên các hợp đồng là 14%/năm; số tiền chênh lệch trên 15 tỷ đồng đã được Huỳnh Thị Huyền Như chuyển trả ngay sau khi các nhân viên Navibank ký hợp đồng tiền gửi với VietinBank chi nhánh Nhà Bè. Đến tháng 7/2011, ông Võ Anh Tuấn lấy lý do chuyển công tác về VietinBank CN TPHCM, cần tăng hạn mức huy động cho VietinBank chi nhánhTPHCM nên toàn bộ số tiền gửi đã chuyển về gửi tại VietinBank chi nhánh TPHCM.

Do Huyền Như đã rút tiền từ trước nên bị cáo này đã che giấu số tiền chiếm đoạt bằng cách dùng nguồn tiền khác chuyển trả vào tài khoản của một số nhân viên Navibank. Sau khi các nhân viên chuyển tiền vào VietinBank chi nhánh TPHCM thì Huyền Như tiếp tục lập chứng từ giả để rút ra. Đến ngày 7/9/2011, Huyền Như trả lại cho Navibank 300 tỷ đồng, số tiền 200 tỷ đồng còn lại dù chưa tới hạn tất toán nhưng đã bị Huyền Như chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank) 13 năm tù. 9 bị cáo còn lại bị tuyên án phạt từ 7 - 12 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Kiến nghị Bộ Công an điều tra một số nhân viên VietinBank có hành vi tiếp tay cho Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Các bị cáo kháng cáo những gì?

Sau bản án sơ thẩm, 10/10 bị cáo đã nộp đơn kháng cáo, trong đó 8/10 bị cáo kháng cáo kêu oan, 2 bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền kháng cáo xin xem xét giảm nhẹ. Tại phiên tòa sáng nay (13/8), các bị cáo giữ nguyên quyết định kháng cáo này.

Ông Lê Minh Trí kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét đánh giá đầy đủ các chứng cứ và các tình tiết trong vụ án một cách khách quan, công bằng, đúng quy định pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trí; Hành vi của ông Trí, theo kháng cáo là “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội tại Điều 165 BLHS 1999”.

Ngoài ra, ông Trí cũng cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng không đưa ra được những chứng cứ, chứng minh tội phạm đối với vụ án, quá trình tố tụng đã vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng quy định pháp luật đối với quá trình giải quyết vụ án.

Đề cập tới vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (giai đoạn 1), ông Trí trình bày mình không tham gia phiên tòa Huyền Như, nhưng cơ quan tố tụng lại dùng kết quả giải quyết trong bản án Huyền Như (số 02/2015/HSPT ngày 07/01/2015 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) để quy kết tội về gây hậu quả. Ông Trí cùng 8 bị cáo kêu oan đều đề nghị Tòa xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm tuyên án ngày 19/3 của TAND TP.HCM.

Về phía Navibank, ngân hàng này kháng cáo nội dung phần liên quan đến Navibank (nay là Ngân hàng TMCP Quốc Dân – NCB). Theo NCB, bản án sơ đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bản tuyên xử “Trách nhiệm bồi thường hậu quả dân sự 200 tỷ đồng đã được giải quyết tại bản án phúc thẩm của TAND tối cao trong giai đoạn 1 xét xử vụ án Huyền Như. Bản án đã có hiệu lực nên không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án này” là không có cơ sở.

Đối với số tiền 200 tỷ đồng của 4 nhân viên Navibank tại VietinBank chi nhánh TPHCM có hợp đồng thật, nội dung thật, chữ ký thật, con dấu thật, đã phát sinh hiệu lực vào ngày ký, tài khoản thật, tiền gửi thật, hạch toán thật và số dư thật tại VietinBank. Tiền gửi đã được ghi có vào tài khoản mở tại VietinBank và đã được VietinBank hạch toán trên hệ thống sổ sách. Hành vi phạm tội và hành vi lợi dụng, chiếm đoạt của bị án Huyền Như xảy ra sau khi toàn bộ số tiền 200 tỷ đồng tiền gửi đã vào tài khoản.

Về phần buộc NCB phải nộp lại số tiền lãi ngoài hợp đồng trên 24 tỷ đồng để sung vào công quỹ Nhà nước, theo NCB là vi phạm quy định tại Điều 298 Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn việc xét xử và cũng không xác minh, làm rõ nguồn gốc số tiền dùng để chi trả số tiền 24 tỷ đồng này.

Về số tiền gần 300 triệu còn trong tài khoản của các nhân viên của Navibank tại VietinBank liên quan đến số dư cuối kỳ của 4 nhân viên Navibank tại sao kê tài khoản chi tiết do Vietinbank phát hành từ ngày 1/1/2009 đến ngày 31/12/2011, bản án kiến nghị giao cơ quan thi hành án xem xét kê biên để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án là không có cơ sở, bởi vì số tiền này có nguồn gốc xuất phát từ Navibank nên phải hoàn trả lại cho Navibank.

Tại phiên tòa sáng nay, bà Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng pháp chế Navibank, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt) có đơn xin vắng mặt vì bệnh, HĐXX chấp nhận đơn và tiếp tục phiên xử. Hai bị án Huyền Như và Võ Anh Tuấn cũng được trích xuất đến phiên tòa.

Ngoài nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí 13 năm tù, án sơ thẩm còn tuyên phạt Đoàn Đăng Luật 11 năm tù, Huỳnh Vĩnh Phát 11 năm, Cao Kim Sơn Cương 12 năm, Nguyễn Hùng Sơn 12 năm, Nguyễn Giang Nam 12 năm, Trần Thanh Bình 10 năm, Đinh Thị Đoan Trang 7 năm, Nguyễn ngọc oanh 7 năm và Phạm thị Thu Hiền 7 năm tù – cùng tội ““Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

MỚI - NÓNG