Ba việc lớn của nền kinh tế

Tăng trưởng của năm 2013 có thể được coi là thực hiện được mục tiêu tổng quát (tăng trưởng cao hơn. Sự “trườn bò” qua các quý và việc tăng cao hơn tốc độ tăng của 2012 - “đáy” tăng trưởng tính từ năm 2000 - tốc độ tăng của năm 2013 ở vào trạng thái “thoát
Tăng trưởng của năm 2013 có thể được coi là thực hiện được mục tiêu tổng quát (tăng trưởng cao hơn. Sự “trườn bò” qua các quý và việc tăng cao hơn tốc độ tăng của 2012 - “đáy” tăng trưởng tính từ năm 2000 - tốc độ tăng của năm 2013 ở vào trạng thái “thoát
Quý Tỵ thoát đáy, Giáp Ngọ vượt dốc đi lên. Đó là trạng thái tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm trước và kỳ vọng sẽ xuất hiện trong năm nay.

Tăng trưởng trườn bò và thoát đáy

Sự trườn bò về tăng trưởng kinh tế năm 2013 được nhận diện dưới các góc độ khác nhau. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng kinh tế nhích nhẹ theo từng quý (quý 1 tăng 4,76%, quý 2 tăng 5,0%, quý 3 tăng 5,54%, quý 4 ước tăng gần 6%), tính chung cả năm tăng 5,4%, cao hơn tốc độ tăng 5,25% của năm 2012.

Theo đó, tăng trưởng của năm 2013 có thể được coi là thực hiện được mục tiêu tổng quát (tăng trưởng cao hơn. Sự “trườn bò” qua các quý và việc tăng cao hơn tốc độ tăng của 2012 - “đáy” tăng trưởng tính từ năm 2000 - tốc độ tăng của năm 2013 ở vào trạng thái “thoát đáy”.

Đáng lưu ý, GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế năm 2013 có thể qua mốc 1900 USD, cao hơn mức 1.749 USD năm 2012, chủ yếu do dân số và tỷ giá tăng thấp. Mặc dù cao lên như trên, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thật sự thoát khỏi trì trệ.

Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (11 tháng có trên 71 nghìn) với số vốn tăng (gần 359,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ), nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động (trên 12,7 nghìn, nhưng số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động khá nhiều (trên 54,9 nghìn).

Trong kinh tế thị trường, việc giải thể, tạm ngừng hoạt động của các doanh nghiệp là bình thường, nhưng với số lượng lớn như trên (tương đương với năm 2011, 2012), hơn nữa những doanh nghiệp này đã sống được qua mấy năm khó khăn mà nay vẫn phải giải thể, ngừng hoạt động thì cần phải xem xét lại liều lượng hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các điểm nghẽn lớn (nợ xấu, tồn kho cao, tiêu thụ thấp), trong khi vốn đầu tư/GDP thấp nhất trong hàng chục năm qua,...

Trong 3 nhóm ngành, nhóm ngành dịch vụ vừa tăng cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế, vừa tăng cao hơn tốc độ tăng của năm trước, nhưng 2 nhóm ngành kinh tế thực (nông, lâm nghiệp-thuỷ sản, công nghiệp-xây dựng) lại tăng thấp hơn năm trước.

Tăng trưởng theo mục tiêu năm 2014 cao hơn ước thực hiện năm 2013. Kỳ vọng mục tiêu này sẽ được thực hiện, với tác động của nhiều yếu tố. Trước hết là vốn đầu tư - yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế - sẽ tăng lên đạt 30%, cao hơn tỷ lệ của năm 2013.

Nếu hiệu quả vốn đầu tư như năm 2013 (với hệ số ICOR đạt xấp xỉ 5,4 lần), thì tăng trưởng cũng sẽ đạt được 5,57%; nếu hiệu quả đầu tư cao hơn một chút (tức là giảm hệ số ICOR xuống còn gần 5,2 lần), thì tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5,8%. Vấn đề quan trọng là nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm áp lực của các điểm nghẽn đang cản trở tăng trưởng, thì mục tiêu tăng trưởng là có tính khả thi.

Một vấn đề khác là tập trung cao hơn cho 2 nhóm ngành kinh tế thực để đạt tăng trưởng cao hơn năm 2013. Nếu đạt được mục tiêu tăng trưởng, lạm phát, nếu tỷ giá ổn định ở mức tăng dưới 2%, thì GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân năm 2014 sẽ vượt qua mốc 2.100 USD!

Ổn định kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô theo nghĩa rộng bao gồm nhiều nội dung, theo nghĩa hẹp bao gồm các cân đối kinh tế lớn, trong đó có 2 cân đối kinh tế quan trọng là cán cân thanh toán quốc tế và cân đối ngân sách.

Cán cân thanh toán quốc tế được nhận diện ở nhiều góc độ khác nhau. Một nội dung được cập nhật sớm, thường xuyên là xuất, nhập khẩu hàng hoá. Năm 2013, xuất khẩu hàng hoá đạt được nhiều sự vượt trội. Kim ngạch xuất khẩu ước sẽ vượt qua 131 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, vượt xa so với kế hoạch năm nay (126 tỷ USD) và về đích trước 2 năm kế hoạch 5 năm 2011-2015 (126,2 tỷ USD).

Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người vượt qua mốc 1470 USD, cao hơn mức 1291 USD của năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu /GDP vượt qua mốc 75%, cao nhất từ trước đến nay. Tăng trưởng xuất khẩu cao gấp gần 2,8 lần tốc độ tăng GDP. Xuất khẩu tăng đạt được ở cả 2 khu vực, trong đó khu vực FDI cao hơn khu vực kinh tế trong nước cả về kim ngạch (cao gấp đôi), cả về tốc độ tăng (cao gấp 6-7 lần).

“Câu lạc bộ” các mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên có 22 thành viên, trong đó lần đầu tiên có mặt hàng vượt qua mốc 20 tỷ USD (là điện thoại các loại và linh kiện). “Câu lạc bộ” các địa bàn đạt từ 1 tỷ USD có 19 tỉnh/thành phố, trong đó có 2 địa bàn lần đầu tiên vượt qua mốc 20 tỷ USD là Tp.Hồ Chí Minh và Bắc Ninh.

“Câu lạc bộ” các thị trường xuất khẩu của Việt Nam đạt từ 1 tỷ USD trở lên có 27, trong đó có 1 thị trường lần đầu tiên vượt qua mốc 20 tỷ USD. Nhập siêu thấp cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu.

Tuy nhiên, nhập siêu thấp có một phần do nhu cầu ở trong nước co lại. Nhập siêu ở khu vực kinh tế trong nước rất lớn. Lượng ngoại tệ từ các nguồn đạt cao nhất từ trước đến nay. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký ước đạt trên 23 tỷ USD, tăng khoảng 7 tỷ USD so với năm trước (cao nhất từ 2009 đến nay, vượt xa so với kế hoạch (13-14 tỷ USD); thực hiện ước vượt qua mốc 11,5 tỷ USD, vượt kế hoạch (10,5-11 tỷ USD).

Vốn hỗ trợ phát triển chính thức giải ngân ước đạt 4,5 tỷ USD. Lượng kiều hối ước đạt 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trên thế giới. Chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 7,8 tỷ USD, cao hơn kỷ lục đạt được vào năm 2012 khoảng 1 tỷ USD...

Các yếu tố trên đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối (lên mức 12 tuần nhập khẩu - đạt được ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế).

Mục tiêu đề ra cho năm 2014 xuất khẩu tăng chậm hơn, nhập siêu cao hơn, khả năng lượng ngoại tệ từ các nguồn khó tăng cao như năm 2013, nên phải rất cố gắng mới có thể bảo đảm được cán cân thanh toán; do nhập khẩu cao lên, nên việc bảo đảm dự trữ ngoại hối tương đương 12 tuần nhập khẩu cũng không dễ dàng.

Cân đối ngân sách năm 2013 được coi là khó khăn nhất trong hàng chục năm qua khi tỷ lệ thực hiện so với dự toán và tốc độ tăng so với năm trước của chi ngân sách đạt cao hơn của thu ngân sách.

Ngoài các yếu tố tích cực như cắt giảm, giãn hoãn một số khoản thu, tăng một số khoản chi để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thực hiện 3 đột phá chiến lược, bảo đảm an sinh xã hội,... còn do một số yếu tố khác như hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động còn thấp, nhiều khoản thu đạt thấp như thu từ đất, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu, một số khoản chi tăng như chi phòng chống khắc phục hậu quả bão lụt, chi trả nợ...

Cân đối ngân cách nhà nước năm 2014 vẫn tiếp tục gặp khó khăn, mặc dù tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP đã được nâng lên 5,3%, hay mức bội chi tuyệt đối là 224 nghìn tỷ đồng! Vấn đề đặt ra, cùng với việc làm cho chiếc bánh GDP to ra, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc chống thất thu do buôn lậu trốn thuế, chuyển giá, chống nợ đọng, đồng thời tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động,... Một vấn đề nữa là rà soát biên chế không chỉ công chức, mà cả viên chức, không chỉ cơ quan nhà nước mà cả các cơ quan chính trị, chính trị - xã hội...

Kiềm chế lạm phát

Lạm phát năm 2013 được kiềm chế dù xét dưới góc độ nào. Nếu so sánh tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước, thì CPI năm 2013 thấp hơn năm trước (6,81%); nếu tính bình quân năm nay so với năm trước (tăng khoảng 6,8%) thì CPI năm 2013 cũng thấp hơn năm trước (9,21%).

Mục tiêu tổng quát của năm 2014 là “kiểm soát lạm phát”, xem ra có “nhẹ hơn” so với mục tiêu của năm trước là “kiềm chế lạm phát”. Tuy nhiên, việc thực hiện cũng không dễ dàng vì nhiều lẽ. CPI năm 2013 ước tăng 7%- là năm thứ hai liên tiếp tăng thấp, tức là không lặp lại chu kì “2 năm cao, 1 năm thấp”, nên khả năng tăng thấp liên tiếp trong năm thứ 3 là khó diễn ra.

Mặt khác, khi số gốc so sánh thấp, thì xét về mặt toán học, tốc độ tăng sẽ cao lên. Chi phí đẩy - một yếu tố quan trọng của lạm phát - được dự đoán có thể sẽ tăng kép, nếu giá hàng nhập khẩu tính bằng USD tăng lên, lại thêm tỷ giá VND/USD tăng, khi hai chỉ tiêu này đã giảm và tăng thấp trong hơn hai năm liên tiếp.

Cầu kéo- một yếu tố quan trọng khác và được coi là quan trọng nhất hiện nay - bao gồm đầu tư và tiêu dùng, đã 2, 3 năm tăng thấp sẽ có xu hướng cao lên. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP kế hoạch năm 2014 cao lên (30% so với 29,1%).

Đáng lưu ý đầu tư công cao lên mà lại có 2 đặc điểm lớn: Đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, vùng thu hồi vốn chậm, lợi nhuận thấp hoặc vô lợi nhuận, GDP không tăng tương ứng hoặc tạo ra trong các chu kì sau... Dễ bị co kéo, dàn trải, thi công kéo dài, dễ bị lãng phí, thất thoát... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, sau khi loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng đã có xu hướng tăng cao lên từ cuối năm 2013.

Một yếu tố khác - yếu tố trực tiếp làm cho lạm phát bộc lộ ra - là sự nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán nếu năm qua cao hơn tốc độ tăng huy động tiền gửi. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng tăng cao lên từ những tháng cuối năm 2013 và có xu hướng cao lên theo định hướng trong năm 2014. Lãi suất cho vay đã thấp xuống, đối với một số đối tượng đã trở về mức trước 2007.

Bội chi ngân sách tăng lên cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với GDP. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng, việc cắt giảm, giãn hoãn theo quy định mới sẽ tác động đến lạm phát.

Một yếu tố nữa là việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với giá điện, than, dịch vụ tiêu dùng y tế, giáo dục. Một yếu tố cơ bản, tiềm ẩn và cũng là nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp. Đây là vấn đề quan trọng hơn cả tăng vốn, tăng lao động.

Ngoài ra cần quan tâm đến sự cộng hưởng của các yếu tố trên, nhất là sự cộng hưởng của các yếu tố tâm lí, tuy không phải là yếu tố kinh tế nhưng trong nhiều trường hợp, tác động còn lớn hơn cả yếu tố kinh tế.

Ngoài 3 nội dung quan trọng trên, nếu vài ba năm trước đây, do còn phải tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, nền chưa có điều kiện thực hiện các giải pháp cơ bản là cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Năm 2013, các giải pháp này đã được triển khai, nhưng thực hiện chưa được bao nhiêu. Vấn đề này cần được đẩy mạnh hơn nữa trong năm 2014.

Theo Dương Ngọc

Theo VnEconomy
MỚI - NÓNG