Đại diện một đơn vị cung cấp dịch vụ (ISP) cho biết, sự cố cáp quang APG xảy ra rạng sáng nay (26/12), trên phân đoạn S6 gần Hồng Kông (Trung Quốc). Các nhà mạng Việt Nam chưa được thông báo về nguyên nhân và kế hoạch xử lý, khắc phục sự cố lần này.
Trước đó, vào cuối tháng 11, một tuyến cáp quang khác là AAE-1 cũng xảy ra sự cố khiến toàn bộ lưu lượng trên tuyến bị mất. Nguyên nhân được xác định là do lỗi dò nguồn trên phân đoạn S1H, vị trí lỗi gần trạm Aguilar, nằm trong vùng biển Hồng Kông (Trung Quốc). Sự cố hiện chưa được khắc phục xong.
Cáp quang APG gặp sự cố vào rạng sáng 26/12. |
Cùng với AAE-1 và APG, tuyến cáp quang biển AAG cũng đang bị lỗi. Trước đó, vào tháng 6/2022, tuyến cáp này gặp sự cố hướng kết nối đi Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc). Đến nay, hướng đi Hồng Kông (Trung Quốc) đã khắc phục xong, riêng hướng kết nối đến Singapore chưa khôi phục hoàn toàn.
Do ba tuyến cáp quang cùng gặp sự cố, Internet Việt Nam đi quốc tế sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có việc truy cập các dịch vụ phổ biến như Gmail, Google, Facebook, YouTube.
Cáp quang APG có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
AAG là tuyến cáp quang biển chiều dài 20.191 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ, được đưa vào khai thác từ tháng 11/2009. Tuyến cáp quang biển này đi qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hồng Kông (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ.
Tuyến cáp quang biển AAE-1 có chiều dài 23.000 km, được đưa vào khai thác tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Ba tuyến cáp quang này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Internet đi quốc tế của Việt Nam.