Bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại WEF Đông Á 2012. Ảnh: Getty Images. |
Phát biển tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2012 (WEF Đông Á 2012) ở Thái Lan, bà Suu Kyi nói rằng quá trình này chưa tới mức không thể đảo ngược.
Nghị viện mà bà vừa trở thành thành viên vẫn còn xa ngưỡng dân chủ. Bà cũng kêu gọi các nhà đầu tư đáp ứng những nhu cầu của đất nước, vì tạo công ăn việc làm và đào tạo nghề là hai điều cốt yếu đối với dân số trẻ của Myanmar.
Ngày 1-6, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab thông báo WEF Đông Á 2013 sẽ được tổ chức tại Myanmar. Cùng ngày, Myanmar bắt đầu áp dụng quy định cấp visa tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Yangon nhằm tạo thuận lợi cho du khách và doanh nhân nước ngoài đến nước này đầu tư, du lịch. Myanmar cấp visa kinh doanh, quá cảnh và du lịch cho người nước ngoài đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 9 nước ASEAN. |
Theo bà, khi dòng vốn đầu tư chảy vào đất nước thì không nên làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng và bất công, mà nên được đầu tư vào các lĩnh vực có ảnh hưởng tốt đến đời sống dân thường.
Chính phủ dân sự gắn liền với quân đội của Myanmar vừa bắt đầu hàng loạt cải tổ để mở cửa đất nước. Bà Suu Kyi nói rằng, Myanmar đã cam kết sẽ cải tổ và muốn “kết nối với khu vực và thế giới để chia sẻ tăng trưởng”. “Chúng tôi muốn trở thành một phần của thế giới thịnh vượng và hoà bình,” bà nói.
Từ khi đến thủ đô Thái Lan hôm 31-5, bà Suu Kyi gặp gỡ các kiều dân Myamar đang sống tại tỉnh Samut Sakhon và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của họ. Bà cũng gặp một số quan chức cao cấp, trong đó có Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Suốt hai thập kỷ qua, bà Suu Kyi bị quản thúc tại gia, cũng như rất lo sợ không được trở lại quê nhà nếu bà rời đất nước. Nhưng những cải cách gần đây giúp bà trúng cử vào nghị viện.
Người phụ nữ này đang đóng vai trò ngày càng nổi bật ở trong và ngoài nước. Bà được cấp hộ chiếu hồi đầu tháng 5. Sau chuyến đi tới Thái Lan, bà dự định trở lại Myanmar trước khi thăm châu Âu cuối tháng này.
Bà có kế hoạch đến Na Uy để chính thức nhận giải Nobel Hoà bình mà bà giành được năm 1991, rồi đến thăm Anh - nơi gia đình bà đang sinh sống. Bà đã nhận lời mời phát biểu trước Nghị viện Anh ngày 21-6, cũng như sẽ đến thăm Geneva, Paris và Ireland.
Gia Tùng
Theo BBC, AP, Xinhua