Ngày 6/5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản yêu cầu Sở Du lịch phối hợp với các địa phương có biển để rà soát, thống kê các bãi tắm công cộng và bãi tắm kinh doanh.
Theo đó, Sở Du lịch chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi có bãi tắm rà soát, xây dựng quy chế quản lý bãi tắm bảo đảm đúng theo quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế. UBND các các huyện, thành phố nơi có bãi tắm được giao tăng cường công tác quản lý, sử dụng vào mục đích công cộng đảm bảo việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, đơn vị đã được nhà nước giao đất, thuê đất kinh doanh dịch vụ du lịch và các bãi tắm biển cần thường xuyên, kiểm tra, quản lý việc sử dụng đất, đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất theo quy định tại điều 6 Luật Đất đai. Đồng thời, phối hợp với Sở Du lịch trong công tác quản lý các bãi tắm, xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cũng trong văn bản này, Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu, các bãi tắm biển kinh doanh dịch vụ du lịch của các tổ chức, cá nhân, đơn vị chưa được nhà nước giao đất, thuê đất thì cần phải tổ chức rà soát pháp lý liên quan đến khu đất, đề xuất phương án sử dụng đất cho phù hợp, tăng cường công tác quản lý về đất đai, đảm bảo việc sử dụng đất theo quy định.
Đồng thời, phối hợp với Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các đơn vị có liên quan rà soát thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật nhằm tránh thất thu ngân sách Nhà nước.
Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, tổng lượng khách đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng hơn 340.000 lượt, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. |
Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, tổng lượng khách đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng hơn 340.000 lượt, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 340 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2021. Nguyên nhân khiến lượng khách giảm được nhận định là do thời tiết không thuận lợi cho các hoạt động tham quan, vui chơi, tắm biển.
Công tác đón và phục vụ khách du lịch được thực hiện tốt, tình hình an ninh trật tự ổn định. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; việc niêm yết và bán đúng giá các mặt hàng được cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện tốt. Tuy nhiên, trong dịp lễ đã xảy ra 10 vụ tai nạn giao thông làm 8 người tử vong, tăng 5 vụ và 7 người tử vong so với năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch và đón du khách trong dịp lễ vừa qua được thực hiện tốt nhưng vẫn còn một số thiếu sót. Do đó, các sở, ngành, địa phương cần rút kinh nghiệm, khắc phục ngay để chuẩn bị tốt nhất cho việc đón khách trong mùa du lịch hè tới đây.
9 doanh nghiệp "xài chùa" 28 ha bãi biển hơn 2 thập kỷ, nợ tiền thuê đất hơn 326 tỷ đồng
UBND TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã làm việc với 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Bãi Sau, yêu cầu trả lại mặt bằng để làm sạch bãi tắm này trước ngày 15/3. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể thu hồi 28 ha đất dọc bãi biển Vũng Tàu bị 9 doanh nghiệp "xài chùa" hơn hai thập kỷ.
Trước đó, vào năm 1996, Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (nay là Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC) được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao 3.000m2 bờ biển để đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng bãi tắm Thùy Vân hết hơn 122 tỷ đồng. Đầu tháng 12/1997, công ty này ký hợp đồng thuê gần 177.000 m2 đất để xây dựng bãi tắm. Thời hạn thuê đất là thời gian còn lại của hợp đồng trước. Theo quy định, mỗi năm doanh nghiệp phải nộp gần 1,7 tỷ đồng tiền thuê đất vào ngân sách. Cuối năm 1997, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất này cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đến tháng 4/2017, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành Công ty CP Bất động sản và Đầu tư VRC không còn vốn Nhà nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất. Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chưa thanh lý hợp đồng cũ và ký lại hợp đồng với đơn vị đã cổ phần hóa.
Tháng 12/1997, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu ký hợp đồng liên kết đầu tư xây dựng một phần dự án bãi tắm Thùy Vân với Công ty Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Du lịch (nay là Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng-DIC). Sau đó, DIC đã chuyển nhượng khu đất kèm nhà hàng Seaview Việt Đức có diện tích hơn 6.800m2 với giá 13,3 tỷ đồng cho Công ty CP Du lịch và thương mại DIC.
Trong khi đó, đoạn từ khách sạn Thùy Dương đến khu du lịch Bimexco đã được Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu tiếp nhận bàn giao để đầu tư công trình du lịch biển. Hiện tại, Công ty CP Du lịch quốc tế Vũng Tàu quản lý, sử dụng một phần bãi tắm gồm các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất do ngân sách tỉnh đầu tư với số tiền hơn 3,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xác định 7 doanh nghiệp khác quản lý, sử dụng các phần đất vốn thuộc tổng diện tích đất tại Bãi Sau do tỉnh giao cho Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 1997. Cụ thể là Công ty CP Quốc tế du lịch Hải Dương (diện tích 10.900m2), Công ty CP Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (diện tích 54.171m2), Công ty OSC Việt Nam (25.153m2), Công ty TNHH Janhold OSC (7.681m2), Công ty CP Khách sạn Du lịch Tháng Mười (16.536m2), Công ty Nghinh Phong (32.835m2).
Năm 2018, Thanh tra tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách nhà nước theo quy định số tiền hơn 326 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh du lịch tại bãi tắm Thùy Vân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào nộp vì tài khoản không có tiền.