Thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN từ năm 2012 đến 2014, giai đoạn 2015-2018, Bộ Tài chính có thông tư 161 năm 2011 và thông tư 165 năm 2014 ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam và biểu thuế về nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Với các quy định này, hoạt động XNK của doanh nghiệp (DN) đối với nhiều mặt hàng diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính mới đây lại đưa ra công văn thể hiện cách hiểu riêng và động lệnh áp đặt mức thuế khác so với các quy định của chính Bộ Tài chính, bộ Công Thương.
Đó là cách hiểu và áp thuế suất ưu đãi đối với đường tinh luyện quy định tại điều 4, Nghị định 129/2016/NĐ-CP mà CGSQLHQ (Tổng cục Hải quan-TCHQ). Cụ thể, ngày 30/10/2017, Cục này ban hành công văn số 2668a/GSHQ-GQ4 về việc áp dụng thuế XNK ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ.
Nếu công văn này được các bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ công nhận về tính pháp lý thì hàng loạt DN có các tờ khai XNK tại chỗ, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) form D được cơ quan chức năng cấp ít nhất từ tháng 9/2016 đến nay sẽ bị ấn định thêm thuế lên tới cả trăm tỷ đồng.
Từ công văn 2668a, Hải quan một số tỉnh đã “triệu tập” khá nhiều DN đến để thông báo ấn định thuế. Ngày 5/12/2017, ông Nguyễn Văn Tựu, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore làm việc với đại diện 5 DN (chủ yếu là DN nước ngoài) để thông báo dự kiến ấn định thuế với 10 tờ khai với số tiền 18,6 tỷ đồng (chưa tính chậm nộp thuế). Trong đó, riêng Công ty TNHH URC Việt Nam bị ấn định một tờ khai với số tiền khoảng 8 tỷ đồng thuế. Công ty NNHH AJE Việt Nam, Công ty TNHH APPAREA FAR EASTERN Việt Nam… đều bị ấn định thuế. Ngoài ra một số DN khác đang nhập đường tại chỗ cũng bị công văn 2668a gây vướng mắc như: Tân Hiệp Phát, SANOFI, PERFETTI, PEPSI, RED BULL. Riêng Cty Vinacafe và Massan cũng đang nhập đường theo hình thức XNK tại chỗ từ Công ty Đường Biên Hòa.
Tại buổi làm việc, đại diện các DN đã phản ứng rõ ràng và cho rằng, CGSQLHQ đã gây khó khăn cho DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước. “Hướng dẫn của Hải quan thiếu nhất quán, gây thiệt hại cho DN và làm giảm sút lòng tin của các DN chính sách điều hành của Chính phủ”-đại diện một DN nói.
Các DN cho rằng, họ được các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công Thương cấp C/O nghĩa là Nhà nước đã chấp thuận cho DN được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt. DN cũng đã mở tờ khai nhập khẩu tại chỗ theo quy định. Nếu bắt DN đưa hàng vào kho ngoại quan lòng vòng thì bản chất hàng hóa không thay đổi, mà lại đi ngược tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính cho DN.
Vinamilk gửi kiến nghị lên Thủ tướng
Vinamilk, DN nổi tiếng tuân thủ quy định pháp luật về thuế ngày 30/11/2017 cũng bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương gọi lên thông báo nội dung công văn 2668a và ấn định hơn 30 tỷ đồng thuế đối với 2 tờ khai XNK tại chỗ, có C/O mẫu D. Sau khi trình bày các căn cứ pháp lý về nhập khẩu đường đúng theo quy định về XNK (được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cấp C/O mẫu D, mở tờ khai nhập khẩu tại chỗ; được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sau khi trúng thầu trong phiên đấu giá do Bộ Công Thương tổ chức…), đồng thời công khai với Hải quan về các khoản thuế (nhập khẩu, giá trị gia tăng, phí đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu…) mà Vinamilk đã nộp cho Nhà nước, đại diện công ty bày tỏ quan điểm không đồng ý với Hải quan về việc truy thu thuế theo công văn 2688a. Đại diện Vinamilk đề nghị Hải quan xem xét cho DN hưởng C/O ưu đãi đặc biệt theo quy định đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa XNK tại chỗ, vì bản chất đường nhập tại chỗ là từ Thái Lan. Ông Tống Quốc Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu tổng hợp Bình Dương đã đề nghị Vinamilk có ý kiến với các cơ quan cấp trên để xử lý việc này.
Ngày 1/12/2017, Vinamilk có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Tài chính, TCHQ khiếu nại việc áp dụng thuế XNK ưu đãi đối với đường. Theo công văn này, Hải quan tỉnh Bình Dương, Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước và Chi cục Hải quan Tổng hợp Cảng Bình Dương sẽ tiến hành ấn định thuế đối với tổng cộng 8 tờ khai XNK của Vinamilk với số tiền khoảng 62,8 tỷ đồng. Vinamilk không những kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho DN được hưởng ưu đãi thuế suất đặc biệt 5% với mặt hàng đường tinh luyện XNK tại chỗ mà còn đề nghị cho thu hồi công văn 2668a của CGSQLHQ. Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho rằng, các cơ quan quản lý đưa ra hướng dẫn, chỉ đạo thiếu nhất quán là tạo ra bất an cho cộng đồng DN đối với chính sách quản lý thuế.
Thừa nhận Hải quan thực hiện không thống nhất
Trao đổi với Tiền Phong sáng 5/12, Phó Cục trưởng CGSQLHQ Nguyễn Nhất Kha cho biết, công văn 2668a đang bị các DN đồng loạt phản đối. Theo ông Kha, hàng hóa phải được nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường nội địa mới được hưởng ưu đãi thuế suất cho hàng nhập khẩu, còn các lô hàng hóa khác mặc dù được cấp C/O của cơ quan trong nước nhưng không thuộc diện quy định này đều không được hưởng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, ông Kha cũng thừa nhận do các cơ quan hải quan địa phương thực hiện không thống nhất, nơi thì cho hưởng ưu đãi nơi không cho hưởng. Do vậy, cục này mới có văn bản yêu cầu thực hiện thống nhất và đề xuất truy thu thuế mà các DN XNK tại chỗ đã “lỡ” được hưởng ưu đãi.
Ông Kha cho biết, TCHQ sẽ tổng hợp tất cả các trường hợp đã được hưởng ưu đãi và xin ý kiến Chính phủ. “Nếu Chính phủ yêu cầu thực hiện theo đúng Nghị định năm 2016 thì Hải quan sẽ ấn định truy thu thuế, còn Chính phủ thấy DN đã được hưởng mức thuế ưu đãi rồi không truy thu nữa thì chúng tôi sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Kha nói.