Ngày 25/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính từ 18h ngày 24/9 đến 18h ngày 25/9/2021, tỉnh này ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 mới, đang chờ Bộ Y tế cấp mã bệnh nhân.
Cụ thể, TP.Vũng Tàu có 2 ca ghi nhận trong khu vực cách ly tập trung. Huyện Long Điền ghi nhận 1 ca trong khu vực phong tỏa tại thị trấn Long Hải. Huyện Đất Đỏ có 1 ca ngoài cộng đồng được phát hiện tại Bệnh viện Bà Rịa, có địa chỉ thường trú tại xã Lộc An, Đất Đỏ.
Số ca đã khỏi bệnh trong ngày 25/9 là 46 ca. Tỷ lệ F0 đã điều trị khỏi bệnh ở Bà Rịa-Vũng Tàu từ 28/6/2021 đến nay là 91,11%.
Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị người dân không được chủ quan, hạn chế ra đường để phòng, tránh lây nhiễm bệnh, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; tăng cường “đi chợ online”, đặt hàng qua điện thoại, để hạn chế tối đa việc tiếp xúc; chấp hành nghiêm nguyên tắc “5K” để giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Nêu cao tinh thần vì sức khỏe cộng đồng, chung tay hỗ trợ chính quyền địa phương phát giác, trình báo các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc từ địa phương khác về tỉnh nhưng không khai báo.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, tỉnh đang thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống dịch trong thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Bởi ngay từ đầu, tỉnh đã xác định công tác phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu, bảo đảm an toàn đến đâu thì mở cửa đến đó. Quan điểm này cần phải quán triệt thống nhất trong toàn tỉnh.
Trong thực hiện Chỉ thị 15, tỉnh xác định mở cửa từng bước, mở cửa thì phải an toàn và duy trì lâu dài; song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân đồng thuận và cùng tham gia với chính quyền. Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các địa phương tiếp tục làm tốt công tác an sinh cho người dân trong khu vực phong tỏa; đẩy mạnh tuyên truyền người dân hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết. Các chốt kiểm soát dịch vào các huyện, thị, xã thành phố phải được duy trì, không để người vào khu vực, địa bàn mình phụ trách mà không được kiểm soát dịch bệnh và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp vì kiểm soát không chặt làm lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Đối với các “vùng xanh” cần tăng cường kiểm soát dịch ngay từ “đầu vào” địa phương, còn đối với người dân trong phạm vi “vùng xanh” vẫn được quyền đi lại trong vùng nhưng phải bảo đảm giãn cách theo quy định.
Ông Thanh cũng lưu ý các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh hỗ trợ cho người dân khu phong tỏa, người bị ảnh hưởng COVID-19 theo Nghị quyết 68; tổ chức tiêm vắc xin bài bản và kịp thời để phát huy tốt nhất hiệu quả; rà soát đánh giá nhu cầu trở về quê hương của người dân cư trú tạm thời trên địa bàn tỉnh để có giải pháp hỗ trợ…
Tây Ninh: Dự kiến đón học sinh trở lại trường ngày 11/10
Chiều 25/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh vừa có công văn gửi các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị và thành phố, các trường trung học, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, theo đó thời gian dự kiến cho học sinh quay trở lại trường là ngày 11/10.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh yêu cầu các đơn vị giáo dục xây dựng kế hoạch chi tiết của từng đơn vị, để đón học sinh trở lại trường và tổ chức dạy học theo nhiệm vụ kế hoạch năm học và tập trung các nội dung trọng tâm.
Các tổ, nhóm chuyên môn, thống nhất ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã dạy qua trực tuyến và tiến hành dạy kiến thức mới theo kế hoạch giáo dục của nhà trường ngay khi trở lại học tại trường. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nắm vững tình hình học tập của học sinh để có biện pháp hỗ trợ.
Cũng theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh, các cơ sở giáo dục cần quan tâm tổ chức dạy học cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông và lớp cuối cấp đảm bảo kiến thức để tham gia kỳ thi trong năm học 2021-2022.
Riêng các trường mầm non, mẫu giáo tổ chức cho trẻ trở lại trường học, tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh trên địa bàn, thủ trưởng đơn vị tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giảng dạy cho phù hợp từng trường; kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, ưu tiên học sinh các lớp cuối cấp...
Đối với cấp tiểu học, các trường có số lượng học sinh lớn, vùng có nguy cơ tái lây nhiễm cao, cần chia học sinh theo ca để phân tán mật độ học sinh trong cùng một thời điểm.
Do dịch bệnh COVID-19, vào ngày 13/9, tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ khai giảng năm học 2021-2022 và sau đó buổi học đầu tiên được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Năm học này, tỉnh Tây Ninh có 238.008 học sinh; trong đó bậc học mầm non có 39.242 trẻ, tiểu học 99.061 học sinh, trung học cơ sở 70.590 học sinh và trung học phổ thông 29.115 học sinh.
Toàn tỉnh có 210 trường tiểu học chọn xong SGK lớp 2, tổng số sách là 194.630 bản. Trong đó, sách của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam là 75.803 bản, sách của Nhà xuất bản ÐHSP 118.827 bản. Ở lớp 6, 103 trường trung học cơ sở lựa chọn 114.788 bản của bộ Cánh diều, 90.653 bản của bộ Chân trời sáng tạo.
Ðội ngũ giáo viên, toàn ngành học mầm non và phổ thông có 15.254 người, trong đó 14.758 người ở các cơ sở công lập, 496 người ở các cơ sở tư thục. Tổng số biên chế viên chức được giao năm 2021 là 14.043 (không kể lao động theo hợp đồng Nghị định 68/2000/CP). Trong đó, tổng số biên chế viên chức đã sử dụng là 12.878, số biên chế viên chức chưa sử dụng là 1.165. Biên chế được giao của các đơn vị chưa sử dụng hết do chưa có nguồn tuyển dụng là 1.165 người.
Để chuẩn bị cho năm học mới, về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã hướng dẫn các phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố và đơn vị trực thuộc tăng cường công tác sử dụng, bảo quản thiết bị dạy học, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được trang bị.