Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận dạy học ra sao khi có hàng ngàn F0 là học sinh?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 1.000 F0 là học sinh, giáo viên; còn tỉnh Bình Thuận có gần 1.700 giáo viên, học sinh mắc COVID-19 nhưng vẫn tiến hành dạy và học 2 buổi/ngày, triển khai học bán trú ở các trường mầm non, tiểu học.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bình Thuận, tính đến ngày 27/2, tỉnh Bình Thuận đã có 275 giáo viên và 1.415 học sinh mắc COVID-19. Dù số ca mắc COVID-19 trong trường học tăng cao nhưng tỉnh Bình Thuận vẫn tiến hành song song hai hình thức dạy học trực tiếp tại trường và trực tuyến.

Theo đó, Sở GD-ĐT Bình Thuận có 3 phương án dạy học trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Phương án 1 là dạy học trực tiếp hoàn toàn trong điều kiện vùng xanh. Phương án 2, khi có giáo viên và học sinh bị F0 thì kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến và phương án 3 là dạy học trực tuyến khi trở thành vùng đỏ.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Thuận khẳng định, từ ngày mai 28/2, toàn ngành giáo dục của tỉnh vẫn tiến hành dạy và học 2 buổi/ngày và triển khai học bán trú ở các trường mầm non, tiểu học.

Sở GD-ĐT yêu cầu các trường học hạn chế các cuộc tụ tập đông học sinh trong cùng khối lớp. Tất cả học sinh phải đeo khẩu trang (trừ học sinh mầm non). Đối với trường bán trú, Sở GD-ĐT Bình Thuận yêu cầu học sinh có khu vực ăn riêng theo lớp, không tập trung, lớp nào ngồi theo lớp đó. Yêu cầu giáo viên và phụ huynh học sinh theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong trường hợp có biểu hiện ho, sốt nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì phải tự cách ly ở nhà không được đến trường. Trong trường hợp ở trường khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm COVID-19 phải báo ngay cho bộ phận y tế để cách ly và theo dõi kịp thời.

Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận dạy học ra sao khi có hàng ngàn F0 là học sinh? ảnh 1

Dù số ca mắc COVID-19 trong trường học tăng cao nhưng tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn tiến hành song song hai hình thức dạy học trực tiếp tại trường và trực tuyến.

Nếu phát hiện người mắc COVID-19 tại cơ sở giáo dục phải báo ngay cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cơ sở (trạm y tế). Trong trường hợp khi y tế kiểm tra thấy F0 khó thở thì chuyển ngay đến bệnh viện có khoa điều trị COVID-19. Tạm ngưng ngay tiết học đó để khử khuẩn và xét nghiệm kháng nguyên cho cả lớp kể cả giáo viên. Trong trường hợp trong cùng một ngày mà phát hiện từ 2 F0 trở lên cùng một tầng thì tiến hành xét nghiệm tất cả giáo viên và học sinh cùng tầng đó.

Về việc học bán trú, Sở GD-ĐT Bình Thuận yêu cầu các cơ sở giáo dục có kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện thực tế, trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh học sinh và tuân thủ quy định của ngành y tế về chống dịch.

Còn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã xuất hiện khoảng 1.000 F0 là học sinh và cán bộ, nhân viên, giáo viên. Tuy nhiên, nhờ đã được tập huấn và có sự chuẩn bị chu đáo trong khâu tổ chức trước đó nên các trường đã phối hợp với y tế địa phương xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với các F0.

Riêng tại huyện Côn Đảo đã tạm dừng cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông đến trường học trực tiếp để phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 22/2. Theo đó, từ ngày 14/2 đến ngày 21/2, trên địa bàn huyện Côn Đảo đã phát hiện hơn 130 F0 trong cộng đồng, trong đó gần 80 ca là học sinh, giáo viên, nhân viên các trường học.

Do đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị ngành giáo dục, y tế phối hợp với các địa phương sẵn sàng các điều kiện và phương án để xử trí, điều trị cho học sinh mắc COVID-19 khi trở lại trường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, tổ chức tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, nhằm vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa không làm ảnh hưởng hoạt động sinh hoạt trong cộng đồng và hoạt động học tập trong nhà trường.

MỚI - NÓNG