Ba người làm nên tác phẩm điện ảnh có một không hai: 'Ván bài lật ngửa'

TPO - Điện ảnh Việt Nam không dễ có được “Ván bài lật ngửa” thứ hai. Và để có một nhân vật Nguyễn Thành Luân được truyền tụng, công lao chia đều cho ba người: nhà văn Trần Bạch Đằng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và diễn viên Nguyễn Chánh Tín.

“Ván bài lật ngửa” là tác phẩm nổi bật nhất của nhà văn Trần Bạch Đằng (1926-2007). Trong sự nghiệp sáng tác, Trần Bạch Đằng có nhiều bút danh, viết thơ thì ký tên Hưởng Triều, viết báo thì ký tên Trần Quang, viết văn thì ký tên Nguyễn Hiểu Trường và viết kịch bản thì ký tên Nguyễn Trương Thiên Lý. 

Ban đầu, Trần Bạch Đằng viết tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” với lời đề từ “Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh thầm lặng”. Khi đạo diễn Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên) trao đổi với nhà văn Trần Bạch Đằng để chuyển thể điện ảnh, thì “Giữa biển giáo rừng gươm” chính thức đổi thành “Ván bài lật ngửa”.

“Ván bài lật ngửa” là một cái tựa đầy sức gợi mở. Nhà văn Trần Bạch Đằng cấu trúc tiểu thuyết gồm 9 phần, nhưng chỉ làm 8 tập phim. Phần thứ 9 không dựng phim, có tên gọi “Kỵ sĩ và mimosa” cả thảy 21 chương, nhiều chất văn nhưng ít kịch tính.

Nếu so 8 phần của nhà văn Trần Bạch Đằng và 8 tập phim của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, thì cũng có sự thay đổi về tên gọi. Phần 1, “Con nuôi của giám mục” có tên phim là “Đứa con nuôi vị giám mục”. Phần 2, “Khởi động” có tên phim là “Quân cờ di động”. Phần 3, “Phát súng trên cao nguyên”, tên phim giữ đúng bản gốc. Phần 4, “Góp sức với rừng”, có tên phim là “Cơn hồng thủy và bản tango số 3”. Phần 5, “Khoảng trời xanh qua kẽ lá”, có tên phim là “Trời xanh qua kẽ lá”. Phần 6, “Lời cảnh cáo sau cùng”, có tên phim là “Lời cảnh cáo cuối cùng”. Phần 7, “Cao áp và nước lũ”, tên phim giữ đúng bản gốc. Phần 8, “Vòng hoa trước mộ”, tên phim cũng giữ đúng bản gốc.

Sự hợp tác giữa nhà văn Trần Bạch Đằng và đạo diễn Lê Hoàng Hoa rất nhịp nhàng, rất ăn ý. Tuy nhiên, điều khiến hai ông lo lắng nhất là người đóng vai chính Nguyễn Thành Luân. Đã có rất nhiều phương án nhân sự, nhiều nam diễn viên tài danh được mời thử vai suốt nửa đầu năm 1982, nhưng đều không được chọn. May quá, một gợi ý được đưa ra: chàng diễn viên vô danh Nguyễn Chánh Tín.

Lúc ấy, Nguyễn Chánh Tín 30 tuổi, có vợ là ca sĩ Bích Trâm và hai con Nguyễn Chánh Minh Thức, Nguyễn Chánh Bích Uyên. Đối với điện ảnh, Nguyễn Chánh Tín chưa có thành tích gì, để được công chúng và giới làm phim quan tâm. Mặt khác, Nguyễn Chánh Tín cũng có những biểu hiện xô lệch cố hữu của một nghệ sĩ thích bay nhảy, ưa phóng túng. Giao một vai chiến sĩ cách mạng cho Nguyễn Chánh Tín là một sự mạo hiểm.

Thế nhưng, khi nghe đạo diễn Lê Hoàng Hoa giới thiệu, nhà văn Trần Bạch Đằng bằng uy tín của mình đã gạt hết mọi hoài nghi, mọi xì xầm để đưa Nguyễn Chánh Tín đến trường quay. Quyết định ấy đáng xem là một dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, không chỉ chứng minh được tầm nhìn và tấm lòng của nhà văn Trần Bạch Đằng, không chỉ chứng minh được con mắt xanh nhà nghề của đạo diễn Lê Hoàng Hoa từng tu nghiệp tại Hollywood, mà còn chứng minh được thành tựu nghệ thuật luôn tiềm tàng ở yếu tố bất ngờ.

Diễn viên Nguyễn Chánh Tín xuất hiện, đã giúp nhân vật Nguyễn Thành Luân từ trí tưởng tượng của nhà văn bước lên màn ảnh một cách thuyết phục. Cần phải đánh giá thật công bằng: Nếu không có sự xuất hiện của diễn viên Nguyễn Chánh Tín, thì công chúng rất khó hình dung về nhân vật tình báo Nguyễn Thành Luân trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”. Tài năng đang độ chín muồi của Nguyễn Chánh Tín đã đem lại cho điện ảnh Việt Nam một tượng đài Nguyễn Thành Luân bất tử.

Ngoài vẻ điển trai, diễn viên Nguyễn Chánh Tín đã phô diễn khả năng hóa thân sáng tạo của mình qua vai Nguyễn Thành Luân. Bởi lẽ, Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín không giống hệt trong trang sách, cũng không bắt chước bất kỳ hình ảnh chiến sĩ tình báo nào ngoài đời thật. Nguyễn Thành Luân của Nguyễn Chánh Tín có nét mô phỏng nhân vật Dianov trong bộ phim “Trên từng cây số” lừng lẫy của Bulgaria, nên có cái duyên riêng biệt, vừa lịch lãm, vừa ngang tàng, vừa bí ẩn!

Diễn viên Nguyễn Chánh Tín qua đời đột ngột ở tuổi 68, vào rạng sáng 4/1/2020. Những người hâm mộ có thể có những đánh giá khác nhau về tính cách, về lối sống của Nguyễn Chánh Tín, nhưng ai cũng thừa nhận vẻ đẹp không thể phai mờ mà Nguyễn Chánh Tín đã gửi gắm vào nhân vật Nguyễn Thành Luân.

Điện ảnh Việt Nam không dễ có được “Ván bài lật ngửa” thứ hai. Và để có một nhân vật Nguyễn Thành Luân được truyền tụng, công lao chia đều cho ba người: nhà văn Trần Bạch Đằng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa và diễn viên Nguyễn Chánh Tín.

MỚI - NÓNG