Ba ngày hai tác phẩm điêu khắc

Nghệ sỹ Giuseppe Strano Spitu và họa sỹ Vũ Phạm Trường Minh bên tác phẩm “Thiên nhiên” đặt tại trường Đại học Văn hóa.
Nghệ sỹ Giuseppe Strano Spitu và họa sỹ Vũ Phạm Trường Minh bên tác phẩm “Thiên nhiên” đặt tại trường Đại học Văn hóa.
TP - “Một kỷ lục của chính tôi và là món quà được đúc kết từ tình yêu tôi dành cho Việt Nam”. Nghệ sỹ điêu khắc Italia Giuseppe Strano Spitu đã chia sẻ với Tiền phong Chủ nhật sau khi hoàn thành hai tác phẩm này.

Đây là hai món quà mà nhà điêu khắc Giuseppe Strano Spitu dành tặng cho Hà Nội trong chuyến trở lại Việt Nam lần thứ hai này. Chúng đều được hình thành từ đá granite nguyên khối, kích thước 60x 75x 60cm, nặng 1 tấn. Ít ai tin rằng, nghệ sỹ đã hoàn thành chúng trong một thời gian cực ngắn: ba ngày. 

Nhưng, sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội và các cộng sự đã tận mắt chứng kiến người đàn ông nước ngoài này đục đẽo suốt ba ngày ròng tại Khu Thể chất của trường. Vừa đặt chân tới Hà Nội là anh bắt tay ngay vào công việc, từ 9 giờ sáng tới tối mịt, không nghỉ ngơi, không ăn trưa.

Sự hỗn độn trong trật tự

Bén duyên với Việt Nam từ hai năm trước, khi Giuseppe nhận lời mời tham dự Trại sáng tác mang tên Nghệ thuật dưới mái nhà sàn (Art under the roof) được tổ chức tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, Hòa Bình với sự tham gia của gần 70 nghệ sĩ đến từ 15 nước trên thế giới (gồm các khu vực ASEAN, Á, Âu, Mỹ). 

Được biết, tại Trại sáng tác lần đó, Giuseppe đã là “nỗi kinh hoàng” của các tình nguyện viên vì làm việc xuyên trưa. Hiện, hai tác phẩm của Giuseppe vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.

Ba ngày hai tác phẩm điêu khắc ảnh 1 Tác phẩm “Sự tồn tại trong hỗn độn” của Giuseppe Strano Spitu tại Casa Italia.

Cũng tại Trại sáng tác lần trước, anh tình cờ nhìn thấy một rễ cây rất lạ, có nhiều nhánh tỏa ra, nhưng không hề dính vào nhau. Và đó cũng chính là cảm hứng cho anh sáng tác tác phẩm Sự hỗn độn trong trật tự trong chuyến trở lại Việt Nam lần này. Giải thích về ý nghĩa của tác phẩm này, Giuseppe cho biết, nó cũng giống như hiện trạng giao thông của Hà Nội mà anh chứng kiến: Nhanh, trông có vẻ rối loạn nhưng người ta không va vào nhau vì có một trật tự nào đấy. 

Thông qua ý tưởng này, Giuseppe muốn nói về nhịp sống của con người Hà Nội hôm nay. Tác phẩm hiện được trưng bày và sẽ ở lại Trung tâm văn hóa và thương hiệu Ý (Casa Italia – Hà Nội), nơi anh và hai đồng nghiệp Việt Nam vừa khai mạc triển lãm chung mang tên Siêu nghiệm.

Giuseppe đã để lại nhiều tác phẩm điêu khắc của mình ở nhiều nơi trên thế giới như Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thái Lan, Slovakia, Tiệp Khắc. Công trình điêu khắc lớn nhất mà Giuseppe từng thực hiện là bức điêu khắc cao 7m đặt tại Slovakia.

Tác phẩm điêu khắc Thiên nhiên đã được Giuseppe gửi tặng trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Theo Giuseppe, tác phẩm này ngụ ý, thiên nhiên luôn ở trong ta và tồn tại vĩnh hằng. 

Đây cũng là ý tưởng hết sức bất ngờ bởi anh nhận được lời đặt hàng làm tác phẩm điêu khắc này từ Đại sứ quán Italia tại Việt Nam chỉ mấy ngày trước khi lên đường sang Việt Nam. Để hoàn thành hai tác phẩm này trong một thời gian ngắn, anh đã phải mang theo toàn bộ đồ nghề của mình sang Việt Nam.

Vốn làm việc nhiều tại Tây Ban Nha, các dự án nghệ thuật đã khiến Giuseppe đi lại như con thoi giữa Tây Ban Nha và Italia. Anh nói: “Giờ đây tôi không nhớ nổi là tôi ở đâu nhiều hơn”. Khi được hỏi, anh có muốn trở lại Việt Nam không, Giuseppe không ngại ngần trả lời: “ Tất nhiên là có.” Và điều khiến anh lưu luyến nhất là: “Con gái Việt Nam rất đẹp.”

Siêu nghiệm

Siêu nghiệm là một triển lãm nghệ thuật nằm trong khuôn khổ Chương trình “Ý - Việt 2014” với sự tham gia của nghệ sỹ Giuseppe Strano Spitu đến từ Italia cùng các họa sỹ Bàng Sĩ Trực và Vũ Phạm Trường Minh của Việt Nam, vừa khai mạc hôm 18/4 và kéo dài đến hết 2/5 tại Trung tâm Văn hóa và Thương hiệu Ý (Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội).

Ba ngày hai tác phẩm điêu khắc ảnh 2 Tác phẩm sắp đặt “Lạc trong nội tại” của Giuseppe trong triển lãm Siêu nghiệm. Ảnh: Ngọc Ánh
Cùng với việc hoàn thành hai tác phẩm điêu khắc kể trên, Giuseppe đã góp mặt tại triển lãm với tác phẩm sắp đặt bằng chất liệu tổng hợp mang tên Lạc trong nội tại. Nghệ sỹ Bàng Sĩ Trực đem đến triển lãm ba bức tranh với tiêu đề Phong cách 1, Phong cách 2 và Phong cách 3. Anh bảo, sở dĩ anh không muốn đi vào chủ đề cụ thể để cho khán giả mặc sức tưởng tượng bởi anh quan niệm: Nghệ thuật tự tâm hồn. Còn Vũ Phạm Trường Minh mang đến một loạt bức tranh mang tên Head series. Anh đã theo đuổi loạt tranh Head series từ năm 2012 khi chuẩn bị cho một triển lãm tranh tại Thái Lan, bắt nguồn từ suy nghĩ muốn chia sẻ với mọi người một cách trực diện nhất, nhanh nhất. 

Giải thích ý tưởng loạt tranh, Trường Minh nói: “Đó là những hình ảnh tôi gặp hằng ngày và ghi nó lại vì sợ nó bị nhãng đi bởi cuộc sống và suy nghĩ con người luôn thay đổi.”

Ba người đã từng quen nhau khi cùng tham gia dự án “Dưới mái nhà sàn” năm 2012 và có dịp hội ngộ trong một dự án nghệ thuật ở Malaysia sau đó. Họ có xuất phát điểm, môi trường, quá trình và phong cách khác nhau nhưng dường như lại tìm được sự hài hòa khi cùng nhau tham gia triển lãm lần này.


MỚI - NÓNG