> Người dân vẫn bị gây khó khi Nhà nước bồi thường
> Ngăn chặn việc né trách nhiệm bồi thường
Đó là kết quả được công bố tại Hội nghị sơ kết 3 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (28/5).
Phát biểu tại hội nghị, một mặt biểu dương những kết quả đạt được, mặt khác Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, hiện công tác bồi thường đang “có vấn đề”.
“Nhiều nơi báo cáo không phát sinh bồi thường, liệu có đáng mừng không khi đơn thư công dân vẫn ngày ngày đi về. Như có đơn khiếu nại từ năm 2007 nhưng đến nay mới có quyết định là sai, thậm chí có trường hợp còn túc trực gần nhà bộ trưởng để chờ được bồi thường. Nhiều vụ việc oan sai, gia đình tan nát vẫn chưa giải quyết xong...”- Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói. Bộ trưởng đề nghị, một tổ chức của Nhà nước gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường thỏa đáng.
Đánh giá về trách nhiệm hoàn trả, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước, cho biết dù ba ngành tòa án, viện kiểm sát, công an (lĩnh vực tố tụng) đã xem xét giải quyết bồi thường với tổng số tiền hơn 8,3 tỷ đồng, nhưng Nhà nước chưa thu được một khoản tiền hoàn trả nào của người thi hành công vụ. Còn ở lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án, một số trường hợp việc xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa được thực hiện.
Một thực tế khác, qua kết quả khảo sát tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự cho thấy, có đến 20% người dân và 4,2% cán bộ, công chức thuộc các cơ quan thi hành án dân sự không biết đến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Một số cơ quan đến nay vẫn chưa triển khai Luật thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Quá trình giải quyết bồi thường còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan.