Một tuyên bố liên quan đến sự cố này đã được đưa ra bởi Bộ Ngoại giao Ba Lan. “Vào ngày 15/6, tại sân bay Chopin, một chiếc máy bay chở các thành viên lực lượng bảo vệ Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã bị chặn lại. Tình huống này là kết quả của việc không tuân thủ các thủ tục nhập cảnh tiêu chuẩn theo yêu cầu của phía Ba Lan.”
Bộ Ngoại giao cho biết trên máy bay có các vật liệu nguy hiểm và “những người chưa được thông báo trước cho phía Ba Lan”.
Warsaw khẳng định Ba Lan đã thực hiện "mọi nỗ lực để chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm của Tổng thống Ramaphosa”. Bộ Ngoại giao lưu ý rằng phía Nam Phi đã được thông báo về tất cả các thủ tục cần thiết để phái đoàn nhập cảnh vào lãnh thổ Ba Lan và các giấy phép vận chuyển cần thiết.
Lực lượng biên phòng Ba Lan thông báo rằng phái đoàn từ Nam Phi “tự nguyện ở lại trên máy bay”. “Họ có những vũ khí mà không được phép mang theo, nhưng họ được phép rời khỏi máy bay. Họ quyết định ở lại trên máy bay cho đến chuyến bay tiếp theo. Phi hành đoàn đã được lực lượng biên phòng đưa đi nghỉ ngơi.”
Trưởng đoàn cận vệ của Tổng thống Nam Phi - Thiếu tướng Wally Rhoode cáo buộc chính phủ Ba Lan "cố tình phá hoại" sứ mệnh hòa bình của lãnh đạo nước này.
Tuy nhiên, vị trưởng đoàn này không đề cập đến việc các vệ sĩ dưới quyền ông đã cố gắng dỡ 12 thùng chứa vũ khí khỏi máy bay, theo thông tin được nhà báo Amanda Khoza, người có mặt trên máy bay, kể lại.
Nhà báo cho rằng có thể vì những thùng vũ khí này nên Ý không muốn cho máy bay đi vào không phận của mình. Khoza nói: “Họ đã rút giấy phép bay qua Ý, và chúng tôi phải bay sáu vòng qua Địa Trung Hải trước khi đến Warsaw.”
Thông tin trên chưa được Nam Phi xác nhận.
Một nhà báo mắc kẹt trên máy bay tiết lộ với hãng tin RT (Nga) rằng các quan chức Ba Lan đã yêu cầu các thành viên của Dịch vụ Bảo vệ Tổng thống Nam Phi (PPS) giao nộp vũ khí, tuyên bố rằng họ không có giấy phép phù hợp để mang vũ khí vào nước này. Một thành viên của đội thậm chí còn bị cảnh sát Ba Lan khám xét, mặc dù có hộ chiếu ngoại giao.
"Điều đó chưa từng xảy ra trước đây trong các chuyến công tác của PPS. Đây là một tranh chấp ngoại giao", phóng viên nói với RT, đồng thời mô tả "sự chào đón thù địch" là hoàn toàn bất ngờ.
Một nhà báo khác trên máy bay cho biết chính quyền Ba Lan đã cho phép phái đoàn rời máy bay vào thứ Sáu (16/6) sau hơn 24 giờ chờ đợi. Kết quả là Tổng thống Ramaphosa phải tới Kiev mà không có các thành viên của lực lượng an ninh.
Phái đoàn châu Phi đến Kiev bằng tàu hỏa. Ảnh: AP |
Người đứng đầu nhà nước Nam Phi, cùng với các quan chức cấp cao từ Senegal, Ai Cập, Zambia và Comoros, đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky tại thủ đô Ukraine.
Họ đưa ra một lộ trình nhằm chấm dứt chiến sự giữa Kiev và Mátxcơva, nhưng giới lãnh đạo Ukraine đáp trả không mấy nhiệt tình.
Vào thứ Bảy, phái bộ hòa bình châu Phi đã đến St. Petersburg để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.