Ba Động đâu rồi ?

Gia đình ông Phương ở Cồn Nhàn đang dời nhà
Gia đình ông Phương ở Cồn Nhàn đang dời nhà
TP - Nằm kẹp giữa cửa biển sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Trà Vinh hiếm hoi (và cả ĐBSCL) có những giồng cát dài hình vòng cung song song với bờ biển, càng về phía biển càng cao và rộng.

Ba giồng cát cuối cùng cao hàng chục mét ở huyện Duyên Hải, làm nên địa danh Ba Động nổi tiếng từ thời Pháp với những bãi biển thơ mộng có các khu nghỉ mát, ngọn hải đăng đầy huyền tích. Nhưng nay, Ba Động lở mất rồi.

Bài 1: Bĩ cực nơi chân sóng

Kinh hoàng là ấn tượng bao trùm khi giữa tháng 3 này về huyện Duyên Hải, PV Tiền Phong không còn thấy những giồng cát kỳ vĩ chục năm trước trải dài mênh mông với rừng phi lao vi vu xanh. Hầu hết đã nằm dưới lòng biển sục sôi, thi thoảng gặp vài cụm phi lao xơ xác. Hàng nghìn hộ dân ở Ba Động đang không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Mất đất, mất nhà

Giữa trưa nắng như đổ lửa mà gia đình ông Đặng Văn Phương ở khu vực Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành (Duyên Hải, Trà Vinh) vẫn lúi húi dời nhà. Căn nhà lụp xụp mấy tấm tôn gác trên cột gỗ chôn thẳng vào bãi cát, nhưng ở đúng cái chỗ triều cường đánh tan đê biển, toang hoác dài 1.400m, sâu vô mấy chục mét hồi tháng 10/2013. 

Ông Phương kể, nhà ông vốn xa biển nhưng bờ biển lở dần đến cuối năm ngoái, đang đêm nghe ầm ầm, mở mắt thì nước đã ngang ống chân. Sau đó, chính quyền cho xe máy đến đóng cọc đắp tạm đê mới để ngăn sóng dữ, con đê tạm ấy nằm sát sau nhà ông Phương. Vợ chồng ông cùng 3 đứa con nơm nớp sống qua Tết, nay lo chuyển nhà cho xa cái miệng Hà Bá đầy hiểm nguy.

Nói dời nhà đi xa nhưng cũng chỉ độ trăm mét, vì vẫn làm trên mảnh đất của gia đình, chứ không có đất đâu mà đi xa hơn. Ông Phương 42 tuổi, kỳ cựu ở xứ trồng dưa hấu Ba Động nổi tiếng ĐBSCL này, ngửa mặt than “dân Cồn Nhàn khổ lắm rồi”. Trớ trêu cái tên gọi, Cồn Nhàn mà dân tình tất bật, vất vả quanh năm. 

Năm ngoái bể đê, nước biển tràn vô xoá sạch vụ dưa hấu trồng tính bán Tết của ông Phương. Ra năm, ông trồng vụ mới thì đất cát nhiễm mặn nên dưa không sống được. Bờ biển lở còn cuốn mất nhiều đất đai của ông. Cả Cồn Nhàn có 197 hộ đều bị thiệt hại.

Ba Động đâu rồi ? ảnh 1

Bờ biển xã Hiệp Thạnh bị sóng biển tàn phá

Đi quá xã Dân Thành là xã Trường Long Hòa, nằm dài theo bờ biển 6,9 km. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Uol cho biết, xã có 5 ấp thì 3 ấp bị sóng biển trực tiếp đe dọa là ấp Cồn Trứng, Khoán Tiều và Nhà Mát.

Gọi ấp Nhà Mát vì đầu thế kỷ 20, người Pháp chọn Ba Động làm điểm du lịch cuối tuần và cất ở đây một ngôi nhà nghỉ mát vào loại tráng lệ nhất vùng. Nay ông Uol buồn bã nói, có 146 hộ ven biển sống không yên. Nhất là 85 hộ ở khu vực Khâu Lầu, vì đê biển và rừng cây đã bị quét sạch, mùa gió chướng tháng 10 năm trước đẩy triều cường lên ngập hết nhà cửa, bà con phải sơ tán đi ở đậu. Giữa tháng 3 này, bà con lục tục trở về, dọn dẹp sửa nhà cửa để rồi từng ngày sống trong sợ hãi.

Lên xã Hiệp Thạnh trên nữa, thấy sóng biển tàn phá khủng khiếp hơn. Vì bờ biển hình vòng cung của huyện Duyên Hải nhô về hướng Đông Bắc, xã Hiệp Thạnh nằm trên cùng, cạnh cửa Cung Hầu của sông Tiền nên trực tiếp đón luồng gió chướng (gió Đông Bắc) dữ dội hàng năm. 

Rừng phi lao còn sót lại mấy cụm xác xơ, nhiều thân phi lao cao lớn bị bẻ gãy vụn, vứt chỏng chơ trên bãi biển. Cuối năm 2013, triều cường đã làm sạt lở 2 km đê biển từ ấp Chợ sang ấp Bào. 

Khi đó, tỉnh cho xe, máy xuống đóng cọc đổ đá hàn vá nhưng lại bị sóng biển bóp nát. May mà từ giữa tháng 3, trời chuyển gió Nam, bờ biển ở đây được yên ổn. Trong cái yên ổn phẳng lặng, cảnh tan hoang trước đó để lại càng hiện rõ sự ghê gớm.

Nên ông Trần Công Lập, 51 tuổi, ở ấp Bào, cùng vợ ngồi nhớ lại vẫn rùng mình. Vợ chồng ông sinh ra, lớn lên, lấy nhau đẻ 2 đứa con ở đây, cất nhà trên giồng cát sống yên ổn nhiều năm. Nhưng rồi biển trở chứng xói lở giồng cát, ông kể, cuối năm 2010, triều cường tràn vô nhà ông cuốn trôi hết lúa gạo “không còn cái ăn”. Gà vịt cũng trôi hết. Gia đình ông có 5 công đất, lở mất 4. Trong ấp Bào, nhiều gia đình mất hết đất đai nhà cửa, như ông Nguyễn Văn Tùng mất 7 công đất, nay đưa con rời quê, làm mướn.

Hàng trăm hộ dân bị triều cường xói lở mất đất đai ở xã Hiệp Thạnh, thường nói “bị bà Thuỷ lấy mất đất”. Bà Trương Thị Đinh, 74 tuổi, vợ liệt sỹ, ở ấp Bào “bị bà Thủy lấy mất đất lẫn nhà”, được vào khu tái định cư, không còn lo chỗ ở nhưng lo cái ăn. Trong căn nhà nhỏ thờ chồng và cả mẹ chồng là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bà kể ở với một đứa con, nuôi mấy đứa cháu, “không có đất nên phải làm mướn, cuộc sống bấp bênh lắm”.

“Không biết làm gì để sống”

Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh Nguyễn Văn Kiêm nom trẻ hơn tuổi 34 bởi dáng khỏe mạnh, lanh lẹ. Ông Kiêm cho biết, tổ tiên ông nhiều đời ở đây nhưng cho đến đời của ông mới chứng kiến xói lở bờ biển. Đứng trên đoạn đê tan hoang, chỉ tay ra biển khơi, ông nói: “Gần chục năm trước bờ biển còn ở ngoài kia, rừng phi lao cũng còn ở ngoài kia”. Theo lời ông, mới mấy năm nhưng biển đã xâm thực nơi sâu nhất khoảng 2 km, nơi ít cũng vài trăm mét, chỉ tính đất màu trồng trọt Hiệp Thạnh đã mất khoảng 200 ha.

“Không có đất nên phải làm mướn, cuộc sống bấp bênh lắm”.

Bà vợ liệt sỹ Trương Thị Đinh, 74 tuổi

Xứ Ba Động hồi xưa được bồi đắp, một năm lấn ra biển có chỗ gần cây số. Đó là nhờ có rừng ngập mặn, thời chiến tranh mấy chục năm trước rừng còn che chở cả đoàn quân bộ đội, du kích. Nên gió chướng dẫu hung dữ cũng không xói lở được bờ.

Nhưng năm 1997, Chủ tịch Kiêm kể, trận bão thế kỷ tàn phá rừng ven biển còn sót lại qua chiến tranh, rồi tình trạng phá rừng nuôi tôm, nên dăm năm nay, bờ biển bị xói lở ngày càng dữ dội. 

Cuối năm 2010, Hiệp Thạnh bị xói lở thiệt hại nhà cửa 3,7 tỷ đồng, hoa màu 500 triệu đồng. Năm 2011, phải di dời 52 hộ dân vì sạt lở. “Xói lở bờ biển đang ảnh hưởng tới cuộc sống của trên 500 hộ, chiếm một nửa số hộ của xã. Trong đó, đe dọa trực tiếp 3 ấp, có 165 hộ cần di dời gấp”, Chủ tịch Kiêm nói.

Ba Động đâu rồi ? ảnh 2

Ngân sách thiếu tiền nên mấy năm qua, ở Hiệp Thạnh mới xây dựng được một khu tái cư cho 48 hộ. Mỗi hộ di dời được cấp nền đất và hỗ trợ 10 triệu đồng. Dân vào ở từ năm 2011 nhưng đến nay chưa có trường học, trạm y tế. 

Chủ tịch Kiêm cho biết: “Đang xây dựng trạm y tế còn trường mẫu giáo thì mới có dự kiến đầu tư”. Trong lúc, số hộ cần di dời khẩn cấp tăng hằng năm và một điểm trường tiểu học với 6 phòng đã sạt lở. Vào khu tái định cư làm gì sinh sống lại là bài toán nan giải tiếp theo.

Câu chuyện gia đình ông Lý Văn Chủ ở khu vực Cồn Nhàn, ấp Mù U, xã Dân Thành, đang là điển hình của cuộc sống người dân ven biển. Ông Chủ 35 tuổi, có vợ hai con với căn nhà xa biển mấy trăm mét. Khi bờ biển xói lở tới nhà thì ông được cấp nền tái định cư và cất nhà mới. 

Nhưng không biết làm gì sinh sống, ông lên Bình Dương làm thuê. Mấy năm, tay trắng về bán nhà đất tái định cư được 70 triệu đồng, trở lại cất nhà lá trên khoảnh đất cát còn hơn công ở bờ biển, mua chiếc ghe nhỏ cùng mấy cái lú, đêm đêm đánh bắt cá tạp. Nhưng một đêm sóng lớn, chiếc ghe nhỏ của ông bị đánh gãy đôi.

Tháng 10/2013, triều cường phá đê tràn nước vô nhà ông, vợ chồng con cái kéo giường lên khoảnh đất cao ngồi chờ trời sáng. Sau đó dời nhà. Còn công đất cát, vợ chồng ông trồng hành bán dịp Tết, bị lỗ. Ra Tết, trồng dưa hấu, gánh nước tưới hằng ngày nên dưa xanh tốt, trái nhiều nhưng đột ngột mất giá, tiếp tục lỗ.

Vật vã như ông còn có hằng trăm hộ ở khu vực Cồn Nhàn bị biển đe dọa trực tiếp, đang trồng dưa hấu. Ông Chủ ôm con đứng trước căn nhà lá giữa bãi cát, nhìn biển gầm gừ trước mặt, nhìn ruộng dưa vắt kiệt sức gia đình ông bên cạnh, thốt lên: “Giờ không biết làm gì để sống?”.

Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh Nguyễn Văn Kiêm: “Gần chục năm trước bờ biển còn ở ngoài kia, rừng phi lao cũng còn ở ngoài kia”. Theo lời ông, mới mấy năm nhưng biển đã xâm thực nơi sâu nhất khoảng 2 km, nơi ít cũng vài trăm mét, chỉ tính đất màu trồng trọt Hiệp Thạnh đã mất khoảng 200 ha.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG