Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu tổng thể với hy vọng vượt qua khó khăn. Ảnh: Phạm Thanh |
Với Vietnam Airlines, sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hãng này đã lỗ lũy kế hơn 23 nghìn tỷ đồng (trong đó năm 2021 lỗ hơn 11,8 nghìn tỷ đồng, năm trước đó lỗ hơn 12 nghìn tỷ đồng).
Tới hết năm 2021, Vietnam Airlines nợ ngắn hạn và dài hạn lên đến hơn 52 nghìn tỷ đồng. Trong các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty này, hãng bay Pacific Airlines cũng lỗ nặng, gặp khó về dòng tiền và đối mặt nguy cơ dừng hoạt động.
Tương tự ngành hàng không, năm 2021, VNR lỗ sau thuế 585 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 1,3 nghìn tỷ đồng. Trong các đơn vị thành viên của tổng công ty này, hai công ty vận tải đường sắt lỗ lớn nhất.
Riêng với VEC, tình hình tài chính khả quan nhất, khi các năm gần đây có lãi, nhưng lại gặp khó về nguồn vốn và một loạt lãnh đạo vướng vòng lao lý, hoạt động đầu tư, xây dựng đình trệ nhiều năm. Điển hình là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành phải dừng thi công từ năm 2019 tới nay, hay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn một số hạng mục chưa xong, dự án triển khai thu phí tự động trên cũng chậm tiến độ…
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát làm phát lộ cách làm ăn, điều hành yếu kém, bộ máy cồng kềnh, thiếu linh hoạt của các DN nhà nước. Đường sắt loay hoay tìm lối đi, với hết tách lại nhập các đơn vị thành viên, nhưng tương lai vẫn mù mịt, khi hạ tầng lạc hậu, khó cải thiện chất lượng phục vụ khách. Trong khi VEC đầu tư các dự án dở dang, thậm chí thu phí tự động chậm tiến độ kéo dài, loạt lãnh đạo vướng lao lý.
“Tái cơ cấu các DN nhà nước lớn ngành giao thông cần thực chất, trọng tâm là tinh giảm bộ máy để giảm cấp trung gian, giảm nhân sự từ đó giảm chi phí. Tiếp đó, cơ chế, chính sách cho các DN cũng cần linh hoạt hơn để kịp thời ứng phó trước biến động, rủi ro lớn; tránh tình trạng đình trệ các dự án gây lãng phí nguồn lực”, ông Đào nói.
Gỡ nút thắt về vốn
Để vượt qua khó khăn, cả 3 DN đều có kế hoạch tái cơ cấu tổng thể. Với VNR, mới đây, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương phương án tái cơ cấu. VNR sẽ thu gọn từ 5 xuống còn 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy, sáp nhập 3 ban quản lý dự án; hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành 1 công ty.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR cho biết, trong năm nay sẽ sáp nhập xong các xí nghiệp đầu máy và ban quản lý dự án. Còn việc hợp nhất 2 công ty vận tải đường sắt sẽ kéo dài hơn…
Trong khi đó, VEC đã được Quốc hội thông qua chủ trương chuyển vốn vay lại thành vốn cấp phát và tăng vốn điều lệ cho công ty này. Chủ tịch HĐTV VEC Trương Việt Đông cho hay, trong 5 năm tới có nhiều dự án đường cao tốc lớn nhưng VEC không tham gia được đoạn nào là điều đáng tiếc. Với việc được tăng vốn, VEC sẽ sớm giải quyết được vướng mắc để hoàn thành dứt điểm tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.
“Về phương án vốn, VEC trong năm nay sẽ tăng lên 25.000 tỷ đồng, tới năm 2025 tăng lên 50.000 tỷ đồng. Khi đó, tổng công ty sẽ được tăng huy động vốn tín dụng tối đa bằng 3 lần vốn để đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc hiện có và tham gia đầu tư các dự án mới”, ông Đông nói.
Với Vietnam Airlines, hãng đã bắt tay vào tái cơ cấu tài sản, danh mục đầu tư, thoái vốn, nhằm cải thiện dòng tiền cho hoạt động chính là vận tải hàng không; Hãng cũng lùi, hủy một phần hợp đồng mua máy bay mới.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, dù phương án tái cơ cấu tổng thể còn phải chờ cơ quan chức năng phê duyệt, song hãng đã hợp nhất một số bộ phận, chi nhánh để giảm đầu mối; hoàn thành chuyển nhượng 35% cổ phần tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6); tìm nhà đầu tư để tái cơ cấu cổ đông tại hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines.