Ba điểm dừng chân hữu ý

Ba điểm dừng chân hữu ý
TP - Ngày 30-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta mở đầu chuyến công du châu Á với việc tham dự Đối thoại Shangri-la thường niên tại Singapore, sau đó dừng chân tại Việt Nam và Ấn Độ.

> Mỹ hứa giúp Philippines bảo đảm an ninh biển

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Getty Images.

Chuyến thăm 3 nước châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của Mỹ, thông qua việc Mỹ trấn an quan hệ với các nước đồng minh tại Đối thoại Shangri-la, củng cố quan hệ với Ấn Độ và làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam.

Đa phương hóa đồng minh

Gần đây, một số học giả khu vực đề cập đến việc trong chính sách tái cân bằng với khu vực, chính quyền Obama, nhất là vai trò chủ động của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã chú trọng việc lồng ghép hệ thống nan quạt với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines vào những hoạt động đa phương.

Điều này được cho là cần thiết bởi khu vực đang chứng kiến sự chuyển dịch quyền lực theo ba hướng: Mỹ tái cân bằng, Trung Quốc trỗi dậy, Nhật Bản đi xuống. Trong quá trình đó, cấu trúc an ninh khu vực vẫn chưa định hình.

Ông Panetta được kỳ vọng sẽ phát biểu về chính sách quốc phòng Mỹ trong bối cảnh Quốc hội quyết định cắt giảm ngân sách. Bên lề của Đối thoại Shangri-la, dự kiến, ông Panetta cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ với người đồng cấp Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.

Đây được xem là động thái công khai, ở một diễn đàn đa phương với sự tham dự đông đảo của tất cả bên liên quan, có tác dụng trấn an các nước đồng minh khu vực rằng, dù ngân sách giảm, Mỹ vẫn luôn dành ưu tiên cho những cam kết khu vực.

Đồng thời, trong hội đàm với ba nước đồng minh, việc đối phó các nguy cơ hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ CHDCND Triều Tiên cũng như sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc có thể cũng sẽ được bàn thảo.

Riêng với Nhật Bản, ông Panetta có thể trao đổi ý kiến về việc nhanh chóng triển khai việc chuyển hải quân Mỹ từ Okinawa đến Guam và những địa điểm khác để giảm bớt gánh nặng cho căn cứ quân sự phía nam của Nhật Bản, dựa trên Tuyên bố chung giữa hai nước hồi cuối tháng 4.

Máy bay chiến đấu đa nhiệm F-15E Strike Eagle được trang bị JDAM - hệ thống vũ khí tấn công điều khiển chung mà Ấn Độ muốn nhập từ Mỹ. Ảnh: Global Military Review
Máy bay chiến đấu đa nhiệm F-15E Strike Eagle được trang bị JDAM - hệ thống vũ khí tấn công điều khiển chung mà Ấn Độ muốn nhập từ Mỹ. Ảnh: Global Military Review.

Nhiều khả năng, biển Đông tiếp tục là một nội dung quan trọng trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại khu vực. Trong Đối thoại Shangri-la năm nay, biển Đông được dự đoán trở thành đề tài nóng trong bối cảnh đối đầu giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi cạn Scarborough diễn ra căng thẳng suốt hơn một tháng qua.

Hơn nữa, trong một loạt động thái có liên quan, Thượng viện Mỹ vừa có buổi điều trần về việc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Bộ trưởng Panetta là người ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Công ước.

Vẫn chú trọng song phương

Sau Singapore, Bộ trưởng Panetta sẽ đến Việt Nam. Hôm 22-5, trong buổi họp báo của Bộ Quốc phòng Mỹ về chuyến công du châu Á của ông Panetta, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc George Little phát biểu: “Mỹ có những cam kết lâu dài trong việc hướng đến một mối quan hệ quốc phòng song phương sâu sắc hơn với Việt Nam dựa trên cơ sở thông cảm và tin tưởng lẫn nhau. Và đây là cơ hội để Mỹ tiếp tục phát triển mối quan hệ quan trọng này”.

Năm ngoái, hai nước ký kết bản ghi nhớ chính thức về hợp tác quốc phòng song phương, gồm 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm thiết lập đối thoại cấp cao đều đặn giữa hai Bộ Quốc phòng, an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và trợ giúp nhân đạo, cứu trợ thảm họa thiên tai.

Chuyến thăm lần này có thể là bước đi góp phần thúc đẩy tiến hành các thỏa thuận này trên thực tế.

Trong Đối thoại Shangri-la năm nay, biển Đông được dự đoán trở thành đề tài nóng trong bối cảnh đối đầu giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi cạn Scarborough diễn ra căng thẳng suốt hơn một tháng qua.

Trong một bài phỏng vấn về chuyến thăm chính thức Việt Nam của người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh cho biết: “Hiện nay phía Mỹ chưa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, quan hệ như thế chưa hoàn toàn bình thường”.

Do đó, chuyến thăm của ông Panetta đến Việt Nam lần này còn được kỳ vọng là sẽ đạt được bước tiến mới trong việc hợp tác quốc phòng và an ninh hai nước.

Vấn đề nhân quyền vẫn là một vấn đề lớn cản trở mối quan hệ song phương phát triển. Giữa tháng 5, Quốc hội Mỹ tổ chức cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Ông Michael Posner, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói rằng, cả Washington lẫn Hà Nội đều mong muốn có được một mối quan hệ chiến lược vững mạnh hơn, nhưng thách thức và trở ngại lớn nhất là vấn đề nhân quyền (mà Mỹ muốn áp đặt - TP).

Vậy, chuyến thăm lần này có thể góp phần tháo gỡ những khúc mắc trong quan hệ hai nước, đi thêm một bước trên con đường tiến tới quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ.

Điểm dừng chân cuối cùng của ông Panetta là Ấn Độ. Trong vòng gần một tháng đã diễn ra hai chuyến thăm liên tiếp tới Ấn Độ của những quan chức cấp cao Mỹ. Trước đó là chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Tuy nhiên, chuyến thăm lần này có thể còn mang mục đích kinh tế, chứ không chỉ là chính trị đơn thuần. Giữa tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee trình Quốc hội dự thảo ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2012-2013.

Theo dự thảo, ngân sách quốc phòng sẽ tăng 17% lên mức 1.930 tỷ rupee (tương đương 800.000 tỷ đồng), trong đó 795 tỷ rupee (khoảng 330.000 tỷ đồng) sẽ được dùng để mua vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Như vậy, một trong những lý do ẩn sau chuyến viếng thăm Ấn Độ lần này có thể là mang thêm các hợp đồng mua bán vũ khí về cho Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG