Âu thuyền trăm tỷ bỏ hoang

Âu thuyền Bắc Roòn đã hoàn thành 2 năm nhưng chưa có chiếc tàu cá nào vào đậu.
Âu thuyền Bắc Roòn đã hoàn thành 2 năm nhưng chưa có chiếc tàu cá nào vào đậu.
TP - Các âu thuyền được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng thuyền không thể vào tránh trú mỗi khi mưa bão là nghịch lý đang tồn tại ở Quảng Bình.

Âu thuyền… chờ thuyền

Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Bình sẽ có 5 âu thuyền (khu neo đậu tàu thuyền), vừa là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân mỗi khi cập bờ, vừa nơi tránh trú bão trong mùa mưa lũ. Hiện Quảng Bình đã hoàn thành 3 khu neo đậu là Nam Gianh (Bố Trạch), Bắc Roòn (Quảng Trạch) và Nhật Lệ (Đồng Hới). Tổng số vốn đầu tư cho 3 âu thuyền này trên 300 tỷ đồng từ vốn vay ODA và một phần đối ứng của địa phương.

Được cơ quan chủ quản đánh giá là hiệu quả nhất, hoàn thành cách đây 5 năm, âu thuyền Nam Gianh cũng chỉ đón được vài đợt tàu thuyền về neo đậu tránh trú bão; âu thuyền Bắc Roòn, hoàn thành cách đây 2 năm vẫn chưa đón được chiếc thuyền nào vào neo đậu; còn âu thuyền Nhật Lệ thì vừa mới hoàn thành.

Ngư dân cho rằng, việc đầu tư âu thuyền là chủ quan của các cơ quan chức năng, hầu như họ không được tham khảo ý kiến về vị trí hay các hạng mục hạ tầng kèm theo. Ngay từ khi mới khởi động, âu thuyền Nhật Lệ đã gặp không ít ì xèo từ ngư dân. Vì âu thuyền này nằm về phía thượng nguồn của cầu Nhật Lệ, trong khi tĩnh không của cầu lại thấp so với chiều cao của tàu cá công suất lớn hiện nay.

Rất nhiều tàu cá có công suất lớn của xã Bảo Ninh đã mấy năm nay hầu như không về cảng cá Nhật Lệ mà phải cập cảng Đà Nẵng, hoặc các cảng cá khác vì không thể chui qua cầu Nhật Lệ. “Tui cũng không biết họ đầu tư cái âu thuyền đó (Nhật Lệ) làm chi? Cửa Nhật Lệ thì cạn, cầu Nhật Lệ ngày thường tàu to chui qua đã khó lọt, khi bão lũ về, nước dâng lên thì chui kiểu chi để mà lên âu thuyền tránh trú đây không biết” – ông Hoàng Văn, một chủ tàu ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho biết.

Nói về âu thuyền Bắc Roòn, hoàn thành 2 năm nay nhưng không có chiếc tàu cá nào vào đậu, ngư dân vùng Roòn cho rằng: Hạ tầng ở đây không đáp ứng để thu hút họ vào. “Cái chúng tôi cần như nước ngọt, đá, dầu, nhu yếu phẩm thì âu thuyền không có. Vào đó làm chi, đậu ở ngoài sướng hơn, vừa gần nhà dễ trông nom tài sản, vừa được các dịch vụ phục vụ tận nơi. Đã thế, nghe nói vào đó còn bị thu tiền nữa thì ai dại chi mà vào” - một chủ tàu cả ở xã Cảnh Dương nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú (Quảng Trạch) nơi có âu thuyền Nam Roòn cho rằng quá lãng phí. “Họ lấy của xã chúng tôi mấy chục hécta đất làm muối để làm âu thuyền nhưng chẳng thấy chiếc thuyền nào vào đậu. Diêm dân thì mất đất, Nhà nước mất cả trăm tỷ đồng đầu tư nhưng không hiệu quả. Thật lãng phí!” - ông Dũng nói.

Chờ xã hội hóa

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc BQLDA Đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT Quảng Bình thừa nhận, các âu thuyền chưa khai thác hiệu quả là do hạ tầng chưa đồng bộ. Theo ông Hải, vốn vay ODA từ trung ương cấp về chỉ dành cho các hạng mục chính của âu thuyền, còn hạ tầng dịch vụ là vốn đối ứng của tỉnh. Tuy nhiên nguồn của tỉnh dành cho hạng mục này hiện rất khó khăn. “Vừa rồi dự án âu thuyền ở Bắc Roòn, do tiết kiệm, nguồn vốn trung ương dư ra hơn 2 tỷ đồng. Chúng tôi xin được để lại xây dựng hạ tầng dịch vụ nhưng Bộ không cho”.

Ông Hải cho rằng, âu thuyền Bắc Roòn tàu thuyền không vào là do 2 năm nay không có bão, còn ở âu thuyền Nhật Lệ chỉ dành cho tàu công suất nhỏ dưới 300CV, nên việc chui qua cầu Nhật Lệ không vấn đề gì.

Cũng theo ông Hải, để phát huy hiệu quả các âu thuyền hiện nay, cần đầu tư đồng bộ hạ tầng kèm theo như: Cảng cá phải nằm trong âu thuyền, rồi các loại hình dịch vụ đá lạnh, xăng dầu, lưới chài, ăn uống… phải đầy đủ mới thu hút được thuyền bè vào ra. Hiện các âu thuyền đã hoàn thành đều giao cho các cảng cá quản lí, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực này rất khó khăn, chỉ trông chờ vào xã hội hóa.

Rút kinh nghiệm những âu thuyền trước, hiện Ban QLDA của ông Hải đang lập đề án xây dựng âu thuyền Bắc Gianh với mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, dành cho tàu có công suất lên đến 1.000CV. Trong âu thuyền này sẽ có cảng cá, kho bãi, và các loại hình dịch vụ khép kín đáp ứng nhu cầu của ngư dân. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Bình không phê duyệt vì cho rằng không có vốn đối ứng.

MỚI - NÓNG