Với Barcelona, mọi thứ khá đơn giản với Messi. Blaugrana sở hữu đội hình tài năng nhiều năm và luôn luôn sẵn sàng bạo chi để nâng cấp từng vị trí. Đứng trong hàng ngũ đó, Messi có thể ghi 40, 50 bàn mỗi năm đều như vắt chanh. Ghi bàn giống như thói quen.
Thế nhưng khi thay đổi màu áo, từ Barca sang Argentina, Messi không còn thói quen đó. Anh cũng mất luôn thần thái bình tĩnh, coi mọi chuyện nhẹ như lông hồng ở Camp Nou. Ở Argentina, số 10 có chút gì đó hỗn loạn. LĐBĐ Argentina (AFA) cũng không “bình thường” cho lắm kể từ khi chủ tịch lâu năm Julio Grondona qua đời vào năm 2014. Đỉnh điểm có lẽ chính là việc đơn phương hủy bỏ trận giao hữu với Israel ngay trước thềm World Cup năm nay.
Ở vòng loại, Argentina cũng thành “lò xay” HLV, với Gerardo "Tata" Martino tới Edgardo Bauza và bây giờ là Jorge Sampaoli. Họ thậm chí suýt phải ngồi nhà khi Sampaoli hòa quá nhiều. Không những mất đi sự chuẩn bị cần thiết, Argentina còn cho thấy họ không có vẻ gì sẽ vượt qua được các chấn thương trước mắt, với thủ môn Sergio Romero và tiền vệ Manuel Lanzini đều bỏ lỡ giải đấu ở Nga vì cái đầu gối bất tuân.
Messi sẽ phải gồng gánh tất cả những rối loạn nói trên khi Albiceleste bắt đầu ra quân vào tối nay, gặp Iceland ở bảng D. Chuyện đội tuyển của anh chơi kém ra sao, thiếu cân bằng thế nào hay có rắc rối gì bên ngoài sân cỏ đều bị giới mộ điệu gạt sang một bên. “Siêu nhân” phải có khả năng chinh phục tất cả.
Thực tế, đã có những thời điểm Messi làm rất nhiều thứ để kéo Argentina vượt lên, giống như cách anh giúp họ vào đến chung kết World Cup cách đây 4 năm trước khi thua người Đức trong hiệp phụ. Sau đó, Messi cũng đóng vai chính đưa Albiceleste lọt vào chung kết Copa America 2 năm liên tiếp và… lại thất bại. Gần nhất, số 10 cũng gần như 1 tay kéo Argentina vượt qua vòng loại World Cup 2018, trong đó có cú hat-trick tuyệt vời vào lưới Ecuador.
Trớ trêu thay, cơ hội cho Messi đến gần hơn với cúp vàng thế giới lại phụ thuộc vào sự hỗn loạn mà HLV Sampaoli mang đến. Vốn là “đệ tử” của Marcelo Bielsa, Sampaoli đã vô địch Nam Mỹ bằng sơ đồ cực dị 3-3-1-3 với Chile, với Messi và Argentina chính là nạn nhân. Thế nhưng khi cầm Argentina đủ lâu, Sampaoli chợt nhận ra ông phải thay đổi phong cách vì sự chậm chạp của 1/2 đội hình của Albiceleste.
Dường như Messi sẽ được trao vai trò tự do phía sau tiền đạo Gonzalo Higuain trong sơ đồ cơ bản 4-4-2. Mặc dù Sampaoli đã cố gắng gọi nó theo kiểu khó hiểu 2-3-3-2 thì nó không khác 4-4-2 kim cương là bao. Nhắc đến Higuian, người ta lập tức nghĩ đến tiền đạo chuyên bỏ lỡ các cơ hội lớn ở trận chung kết. Và sau 4 năm, Messi một lần nữa phải chịu đựng anh ta.
Nhưng Higuain không chỉ có một mình. Những ngôi sao thượng hạng Higuain, Angel di Maria, Sergio Aguero và Paulo Dybala đều biết cách im re khi lên tuyển. Lần cuối cùng một trong số họ ghi bàn cho Argentina ở một trận đấu chính thức đã cách đây gần 2 năm (từ cuối năm 2016).
Không chỉ sở hữu hàng tiền đạo gây tranh cãi và có vẻ yếu đuối, Argentina còn có hàng tiền vệ không mấy sáng tạo. Các trụ cột lâu năm như Ever Banega, Lucas Biglia đều mang hơi hướng của những “công nhân”. Tài năng trẻ đang khoác áo Paris SG, Giovani Lo Celso cũng không khá hơn là bao. Người sáng tạo nhất của họ bên cạnh Di Maria là Lanzini đã phải lên bàn mổ và người thay thế anh, Enzo Perez vốn là một “máy cày” đúng nghĩa”.
Ở trung tâm đội bóng, Messi sẽ phải gồng gánh những con người đó trên vai. Khá may mắn cho số 10 khi Argentina vẫn có hàng phòng ngự khá ổn bất chấp nghi ngờ ở vị trí thủ môn. 1 ngày sau khi Ronaldo giống như tự làm tất cả giúp Bồ Đào Nha cầm chân Tây Ban Nha 3-3, Messi cần phải tỏa sáng trước Iceland để đập tan tất cả áp lực vô hình đang bủa vây. Tất nhiên, Iceland không phải đối thủ dễ chơi.
Tối nay, bên cạnh việc chờ xem đội bóng xứ băng đảo có thể làm lại điều kỳ diệu ở Euro 2016 hay không, người ta còn muốn thấy Messi phản ứng ra sao trước sự hỗn loạn bao quanh anh. Liệu số 10 có tự tay nắm lấy số phận của bản thân ở World Cup có lẽ là cuối cùng của anh hay không, hãy cùng chờ xem!
- Trong 16 World Cup từng tham dự, Argentina chưa bao giờ hòa trong trận đấu ra quân: thắng 11 trận và thua 5 trận.
- Sau trận thua sốc trước Cameroon ở Italia 90, Argentina đã toàn thắng trận ra quân trong 6 kỳ World Cup liên tiếp.
- 14 trong 16 trận đấu đầu tiên, Argentina đều ghi được ít nhất 1 bàn. Họ chỉ tịt ngòi trước Bỉ năm 1982 và Cameroon năm 1990 (cùng thua 0-1).
- Argentina đã ghi tổng cộng 25 bàn thắng trong các trận ra quân ở World Cup, 13 bàn trong hiệp 1 và 12 bàn trong hiệp 2. Đáng chú ý, có đến 7 bàn được Albiceleste ghi trong 6 phút đầu tiên.
- Gabriel Batistuta đã ghi được 5 trong 10 bàn thắng của anh ở World Cup trong các trận đấu ra quân (3 bàn vào lưới Hy Lạp năm 1994, 1 bàn vào lưới Nhật Bản năm 1998 và bàn còn lại vào lưới Nigeria năm 2002).