Áp trần lãi suất trong luật Dân sự là 'nhầm lẫn nghiêm trọng'?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo.
TPO - “Chúng ta đang nhầm lẫn nghiêm trọng trong xây dựng luật”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh như vậy khi đề cập tới quy định áp trần lãi suất với các tổ chức tín dụng trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đang thảo luận tại Quốc hội.

+ Thưa ông, tại điều 467 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sau hai kỳ thảo luận tại Quốc hội, hiện vẫn còn có quan điểm áp trần lãi suất với đối với các tổ chức tín dụng. Ông nhận định như thế nào về quy định này?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo: Chúng ta biết rằng ở dự thảo đã đặt ra hai hướng: Hướng thứ nhất, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Hướng thứ hai: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Tôi hiểu là dự thảo luật đang muốn quy định áp trần lãi suất để ngăn chặn cho vay nặng lãi đối với tín dụng phi chính thức. Tuy nhiên, cách tư duy và đặt vấn đề như hiện nay ở dự thảo Bộ luật Dân sự là bị lẫn lộn. Chuyện nào đi chuyện ấy, tức là không nên áp trần lãi suất với các tổ chức tín dụng, về dân sự thì khách hàng có quyền thỏa thuận khi cần vay một khoản vốn nào đó.

Còn đối với chuyện chống cho vay nặng lãi ở ngoài xã hội thì nên quy định vào Bộ luật Hình sự.

Nếu quy định áp trần lãi suất với các tổ chức tín dụng để coi đó là căn cứ ngăn chặn "tín dụng đen" là tư duy không đúng. Thậm chí nói thẳng ra là chúng ta đang nhầm lẫn nghiêm trọng trong xây dựng luật.

+ Nếu khống chế trần lãi suất thì sẽ dẫn tới hệ lụy gì cho thị trường tín dụng và xa hơn là có ảnh hưởng gì tới nhu cầu tìm vốn của người dân và doanh nghiệp, thưa ông?

-Tôi nhớ trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần đề nghị điều chỉnh lại quy định trên về lãi suất trong Bộ luật Dân sự do thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng phát sinh nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ.

Cách đây 5 năm, có những thời điểm lãi suất huy động lên tới 19%/năm, đầu vào cao như vậy thì rõ ràng các tổ chức tín dụng buộc phải cho vay cao. Vậy thì làm sao chúng ta lại đưa ra quy định khống chế trần lãi suất không quá 20%/năm? Cái đó nếu khống chế là khống chế trong giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, nhằm chống "tính dụng đen", chứ không thể nào quy định để nhằm vào các tổ chức tín dụng.

Từ năm 2006, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lúc đó là ông Lê Đức Thúy đã thay mặt Chính phủ có tờ trình số 15 đề nghị Thường vụ Quốc hội khóa 11 ra Nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi điều 476 Bộ luật Dân dự (quy định mức lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 150% lãi suất cơ bản). Tới đầu năm 2007, Thống đốc tiếp tục có tờ trình với nội dung tương tự.

Đến thời kỳ sau đó, vào năm 2008, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã có tờ trình kiến nghị Thường vụ Quốc hội sửa luật, nâng trần lãi suất cho vay lên 250% lãi suất cơ bản tại thời điểm đó.

Ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội cũng đã phải ra mộtNnghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, tức là trần lãi suất theo luật chuyên ngành điều chỉnh. Chúng ta đã đi được một bước quan trọng như vậy, sao bây giờ lại đặt ra vấn đề trói buộc lại làm gì?

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới trên mọi lĩnh vực, do đó nếu chúng ta làm luật mà lại can thiệp trực tiếp, can thiệp quá sâu vào thị trường thì sẽ gây ra các hệ lụy đáng tiếc sau này trong giao thương giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, theo tôi không nên quy định cứng nhắc trong Bộ luật Dân sự, mà nên quy định theo hướng mở, tức là nên để luật chuyên ngành quy định.

+ Vậy theo ông, nên quy định theo hướng nào để vừa đảm bảo được công tác xây dựng luật, vừa đảm bảo thông thoáng cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và đảm bảo quyền lợi của người dân?

- Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường thì chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý để thị trường phát triển. Nếu chúng ta cứ quy định bó cứng thì sẽ làm méo mó thị trường. Chúng ta làm luật mà cứ làm theo tư duy kiểu cũ thì ai người ta công nhận mình là nền kinh tế thị trường được.

Tôi không đồng tình với việc chốt con số, mà nên để thị trường tự điều chỉnh. Để quản lý hoạt động tín dụng chính thức, hãy để cho Luật các tổ chức tín dụng điều chỉnh, trong đó vai trò của Ngân hàng Nhà nước là chủ đạo. Đấy là cơ quan điều hành hoạt động của các tổ chức tín dụng, họ sẽ có trách nhiệm điều chỉnh hợp lý theo sự phát triển của thị trường ở từng giai đoạn cụ thể. Tất nhiên là sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ được kiểm soát bởi Chính phủ và các cơ quan độc lập khác.

Cuối cùng, tôi thấy rằng điều hành kinh tế là phải hết sức linh hoạt. Tôi rất mừng là thời gian vừa rồi Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ rất nhiều các thủ tục rườm rà về thuế, hải quan… tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Còn đối với quy định lãi suất trong Bộ luật Dân sự, tôi ủng hộ quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu là nên để luật chuyên ngành quy định. Nói cách khác nếu có chốt cứng con số trần lãi suất thì phải loại trừ các tổ chức tín dụng ra khỏi quy định này.

+ Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.