Áp lực với tân sinh viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm nay, bên cạnh niềm vui vì trúng tuyển đại học, nhiều tân sinh viên còn mang nỗi lo học phí do nhiều trường đại học tăng học phí ở mức “kịch khung”.

T. L.T (ngụ ở Đồng Nai) nhận tin trúng tuyển vào ngành Luật Trường Đại học Luật TPHCM với cảm giác vui mừng nhưng xen lẫn nỗi lo. Vui mừng vì em trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích của một trường đại học lớn nhưng học phí đang là nỗi lo của em bởi 151 triệu đồng/khóa là quá sức với gia đình em.

“Năm nay điểm chuẩn giảm, em đỗ ngay nguyện vọng 1 nên rất vui nhưng học phí tăng cao đang khiến em và gia đình lo lắng vì phải xoay xở đủ kiểu để có tiền nộp học phí”, T. nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, đã có hàng chục cơ sở giáo dục đại học thông báo tăng học phí năm học 2022-2023. Dù mức tăng nằm trong lộ trình nhưng với việc tăng hàng chục triệu đồng/năm học, nhiều tân sinh viên đang gặp nhiều khó khăn. Tại Trường Đại học Luật TPHCM, theo thông báo về mức học phí áp dụng cho khóa 47 (tuyển sinh năm 2022) cùng lộ trình tăng tới năm học 2025-2026, học phí năm học tới tăng khá mạnh ở mức trên dưới 9%/năm.

Theo đó, sinh viên nhập học năm 2022-2023 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) nộp học phí 151 triệu đồng cho cả khóa học kéo dài bốn năm (đây là mức học phí thấp nhất). Hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179-204,7 triệu đồng cho cả khóa học. Trong khi đó, ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) có học phí cao nhất, lên đến 765,9 triệu đồng cho cả khóa.

Áp lực với tân sinh viên ảnh 1

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ảnh: Phạm Nguyễn

Năm học 2021-2022, học phí dự kiến với sinh viên chính quy chương trình đại trà của Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) là 25 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, mức học phí đối với sinh viên chính quy chương trình đại trà của trường tăng lên 29 triệu đồng/năm.

Đối với Trường Đại học Kinh tế TPHCM, mức học phí 20,5 triệu đồng/năm được duy trì ổn định trong hai năm (năm học 2020-2021, 2021-2022). Từ năm học 2022-2023, học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm. Như vậy, mức học phí hệ đại trà năm học mới tăng 10,75 triệu đồng/năm so với năm học trước.

Cũng trong năm học tới, học phí Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ tăng từ 12 đến 13 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó, các ngành Y, Dược và răng hàm mặt có học phí hơn 44 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại có học phí 43 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, học phí năm học tới của Trường Đại học Y Dược TPHCM có sự tăng, giảm tùy theo ngành so với năm học trước. Trong đó, Răng hàm mặt, Y tế công cộng, Dinh dưỡng tăng 7 triệu đồng, Y khoa tăng 6,8 triệu đồng/năm.

Tăng học phí theo mức trần

Đa số học phí được các trường lấy theo mức trần (mức cao nhất) của Nghị định 81. Ông Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường Đại học Luật TPHCM, cho biết, do trường tự chủ hoàn toàn, không còn được hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước nên học phí được tính đúng, tính đủ.

“Đáng lẽ trường thực hiện tăng học phí khóa mới từ năm 2021 theo Nghị định 81 nhưng Bộ GD&ĐT chỉ đạo giữ ổn định nhằm chia sẻ khó khăn với người học nên trường vẫn giữ nguyên học phí như năm 2020. Mức tăng học phí năm nay được tính theo năm 2021 chứ không phải năm 2021 cộng thêm 10%”, ông Hiển nói.

Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thiện Tống, học phí phải đi cùng với chất lượng đào tạo. Những trường đại học tự chủ tài chính chia làm hai dạng. Những trường quản lý tốt thì đủ sức để phát triển, nhưng những trường không đủ sức mà thu học phí cao thì thiệt thòi cho sinh viên nghèo.

“Phụ trách một quỹ học bổng, tôi để ý những năm gần đây, nhiều sinh viên nghèo không vào được trường y. Người giỏi mà không vào được đại học mình mơ ước thì không chỉ thiệt thòi cho bản thân họ mà về lâu dài còn thiệt thòi cho cả xã hội. Các trường cần tính đến phương án những hệ đào tạo chất lượng cao, có khả năng thu tiền thì có thể tuyển đầu vào thấp hơn một chút và lấy từ nguồn kinh phí này bù lại cho những sinh viên giỏi nhưng kinh tế khó khăn”, ông Tống nói. Ông cho rằng đó cũng là một cách có thêm kinh phí để tăng thu nhập cho giảng viên khi dạy cả hai chương trình.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.