Áp lực trả nợ trái phiếu ‘đè’ doanh nghiệp bất động sản trong 2-3 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo số liệu từ đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings (Fiingroup), áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2-3 năm tới đây khá lớn. Hiện, quy mô dư nợ của ngành bất động sản (BĐS) khoảng 189 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 và 73% giá trị này (gần 138 nghìn tỷ đồng) có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024).

Theo FiinRatings, áp lực trả nợ này có thể tác động đến rủi ro của thị trường cổ phiếu, do cổ phiếu được cầm cố để làm đảm bảo cho trái phiếu hoặc được cầm cố để lấy nguồn mua trái phiếu chất lượng thấp, hoặc có vấn đề như các cơ quan quản lý đã chỉ ra.

Tuần qua, một số trường hợp vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã được các cơ quan quản lý ra quyết định xử lý, cùng với đó là thông điệp từ Chính phủ với Công điện chấn chỉnh hoạt động thị trường TPDN và đấu giá quyền sử dụng đất.

Thay đổi pháp lý và những sự kiện trên có thể tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu: công ty chứng khoán và ngân hàng.

Giới phân tích nhận định, những sự kiện trên có thể sẽ làm cho thị trường TPDN giảm đáng kể về quy mô phát hành vào năm 2022. Sự suy giảm có khả năng sẽ diễn ra nhất là đối với các công ty chưa đại chúng, hoặc các công ty dự án được lập ra để huy động vốn với mức độ công bố, và chất lượng thông tin còn hạn chế .

Áp lực trả nợ trái phiếu ‘đè’ doanh nghiệp bất động sản trong 2-3 năm tới ảnh 1
Giá trị phát hành TPDN tiếp tục tăng trên cơ cấu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế

Theo số liệu từ đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, năm 2021, quy mô huy động qua kênh TPDN trong nước đã đạt 682 nghìn tỷ đồng. Con số này chiếm 54% của thay đổi số dư tăng trưởng tín dụng mới toàn hệ thống trong năm 2021, vượt qua mức thay đổi số dư tăng trưởng tín dụng mới trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng.

Ngân hàng & doanh nghiệp BĐS; ảnh hưởng ra sao?

Chuyên gia của FiinRatings cho rằng, các sự việc xảy ra dồn dập vừa qua tuy gây xáo trộn tâm lý nhưng không có tác động lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Quy mô tín dụng trái phiếu hiện ở mức 273,9 nghìn tỷ đồng vào cuối 2021, tức chỉ chiếm 2,16% tổng tài sản sinh lời và 2,63% tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Theo đánh giá của FiinRatings, sức khỏe tài chính các công ty BĐS về tổng thể vẫn ở mức tương đối an toàn, ngoại trừ các công ty dự án được lập ra nhằm mục đích huy động vốn trái phiếu hoặc vay vốn tín dụng ngân hàng. Ngành BĐS nói chung và phân khúc BĐS dân cư nói riêng vẫn cơ bản có mức độ đòn bẩy tài chính ở mức thấp tương đối so với giai đoạn năm trước.

Điều này thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ chốt khi đánh giá năng lực tín dụng: Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu của các đơn vị BĐS dân cư niêm yết hiện đang ở mức 0,7 lần; hệ số đánh giá năng lực trả lãi EBITDA/chi phí lãi vay ở mức 1,8 lần; và hệ số bao phủ nợ ngắn hạn ở mức 3,8 lần vào cuối 2021.

Áp lực trả nợ trái phiếu ‘đè’ doanh nghiệp bất động sản trong 2-3 năm tới ảnh 2
Phân kỳ giá trị đáo hạn TPDN BĐS (đơn vị: nghìn tỷ đồng)

Điểm đáng lưu ý là tình hình sức khỏe tài chính được ghi nhận trong bối cảnh tổng số lượng căn hộ bán được tại thị trường khu vực Hà Nội và TPHCM đã giảm còn chưa đến một nửa, từ mức 29 nghìn căn/năm trong hai năm diễn ra COVID- 19, so với mức 66 nghìn căn/năm trong giai đoạn năm trước đó từ 2015-2019.

Số dư nợ vay bằng ngoại tệ bao gồm trái phiếu của riêng các doanh nghiệp BĐS niêm yết Việt Nam hiện ở mức khoảng 4 tỷ USD. Đây là con số không lớn xét trên quy mô tín dụng của ngành BĐS cũng như rủi ro an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, những tác động từ rủi ro tín dụng BĐS có thể làm cho mức điểm xếp hạng quốc gia của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế và của tất cả các ngành còn lại sẽ có thể bị ảnh hưởng.

Để tránh các rủi ro không đáng có, FiinRatings cho rằng, cơ quan quản lý phải giải quyết ổn thoả quyền lợi của các nhà đầu tư trong các lô trái phiếu đang trong quá trình xử lý và có thể là ở cả một số tổ chức phát hành khác theo kết luận của cơ quan quản lý nhà nước được đảm bảo thu hồi một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi hoặc có lộ trình rõ ràng được thông tin minh bạch đến trái chủ hiện đang sở hữu.

MỚI - NÓNG