Ngày 1/4, báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Mở TPHCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến trường học” với chủ đề “Overthinking của gen Z: Làm sao để vượt qua?” tại Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10, TPHCM) và Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM).
Nhiều áp lực đặt lên vai học sinh THPT
“Em thường suy nghĩ về nhiều vấn đề đôi khi còn tiêu cực hoá chúng lên. Em cũng bị áp lực thành tích học tập qua kỳ thi giữa kì vừa rồi và áp lực đồng trang lứa khi thấy nhiều bạn giỏi hơn em, mặc dù em đã rất cố gắng”, M.K (học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn An Ninh) kể và cho hay đã tìm nhiều cách để có thể theo kịp các bạn đồng trang lứa dù bản thân bạn không lúc nào thôi nỗ lực.
Trong khi đó, một em học sinh ở Trường THPT Phú Nhuận kể: “Từ khi vào môi trường cấp ba, em cảm thấy bản thân thật kém cỏi khi không thể hòa nhập và thích nghi với cách học lẫn bạn bè mới. Em đã cố gắng nhưng hầu như không thể và dần dà không còn muốn cố gắng nữa. Mỗi ngày trôi qua tệ hại”.
Cũng rơi vào trường hợp tự, một học sinh tâm sự: “Đôi khi em thấy khó chịu trong lòng mà không biết lí do, nhìn ai cũng ghét, nhất là bạn bè. Lúc bị cười nhạo (dù biết bạn không có ý xấu), em cảm thấy khó chịu nhưng không biết phải phản bác làm sao, chỉ biết giải tỏa bằng việc khóc để xả stress và em luôn chọn ở một mình khi việc này xảy ra".
Ở một trường hợp khác, N.D bị áp lực về phía gia đình, thường xuyên bị bạo lực thể xác và tâm lý. “Ba em hay chửi mắng, đánh đập và gây ảnh hưởng đến tâm lý của em khiến em rất áp lực, mệt mỏi”, N.D tâm sự.
Chuyên gia mách nước
TS Phạm Thị Thúy chia sẻ với các bạn học sinh. |
Với những trường hợp áp lực như trên, TS xã hội học, ThS tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy cho rằng, người khác làm gì là vấn đề của họ, mình làm gì cho người khác và làm gì với mình mới là vấn đề của chính mình.
“Bạn không thể chọn hành động của người khác, không thể kiểm soát được hành động của người khác. Bạn chỉ có thể phần nào chia sẻ, động viên mẹ khi mẹ bị bố đối xử không tốt hoặc có thể nỗ lực để trở thành người con bớt đi những áp lực cho chính bố mẹ, bớt lo lắng về chúng ta”, TS Thúy nói.
Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” là một phần trong khuôn khổ chương trình chương trình Trường học Lành mạnh nhất AIA mà AIA đang thực hiện từ tháng 8 năm 2022.
“Bạn không thể thay đổi tình trạng, cảm xúc của họ đối với nhau. Rất nhiều bạn đổ lỗi tại mình mà bố mẹ cãi nhau, không hạnh phúc. Đó là những suy nghĩ tiêu cực và những suy nghĩ như vậy sẽ khiến mình bị overthinking. Vấn đề của bố mẹ và của chính mình là riêng biệt, hãy tách bạch chúng. Trên đời này rất nguy hiểm là nếu mình đi lo giải quyết vấn đề của người khác mà quên để ý đến những vấn đề của mình”, chuyên gia chia sẻ và cho rằng có thể lấy hoàn cảnh đó để bản thân nỗ lực vươn lên, trở thành người trưởng thành, độc lập và có thể thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong gia đình.
Chia sẻ một vài kỹ thuật giúp vượt qua những lúc overthinking, TS Phạm Thị Thúy cho biết chúng ta không thể kiểm soát overthinking trong một vài ngày, một vài tuần; có những vấn đề sẽ ám ảnh chúng ta lâu hơn và thời gian đó sẽ biến thành những căn bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm.
Theo nữ chuyên gia, biện pháp đơn giản là hãy ngồi thẳng lưng, mỉm cười, thả lỏng cơ thể. Khi đó sẽ giúp các bạn thay đổi tâm trạng, vượt qua những tâm trạng chán nản, những cảm xúc tiêu cực. Đồng thời hãy hít thật sâu bằng mũi và sau đó thở phào bằng miệng cũng là cách giúp đánh bay, tống mọi ưu phiền ra khỏi cơ thể.
Xác định hình mẫu lý tưởng để phấn đấu
TS Trịnh Viết Then trò chuyện với các em học sinh phổ thông. |
Đối với trường hợp gặp các áp lực đồng trang lứa, TS Tâm lý học Trịnh Viết Then – Trưởng bộ môn Tâm lý Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng - cho rằng điều đáng mừng là các bạn đã dám chia sẻ, nói lên vấn đề overthinking của mình và đang tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia.
Vị chuyên gia mong tất cả các bạn học sinh khi gặp phải những khó khăn, áp lực trong học tập và cả trong mối quan hệ gia đình hãy tìm kiếm nguồn hỗ trợ, chia sẻ về mặt cảm xúc, về hành vi và nhận thức một cách tích cực nhất để vượt qua.
TS Then cũng cho rằng, mỗi bạn học sinh là một cá thể đặc biệt, vì vậy, mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mỗi người có một thế mạnh khác nhau, không ai là người hoàn thiện cả. Như vậy, các bạn hãy nhận thức về những điểm mạnh, thế mạnh của chính bản thân mình và xây dựng kế hoạch để thực hiện và đạt kết quả cao nhất.
“Tương lai là bất định nhưng để định hướng cho tương lai, chúng ta cần có những hình mẫu lý tưởng, tích cực để thôi thúc mình phấn đấu đạt được nó. Chúng ta hãy chấp nhận, hãy hướng đến giải pháp giải quyết các vấn đề và chọn ra cách thức, biện pháp phù hợp để bản thân có thể thành công trong tương lai”, TS Trịnh Viết Then chia sẻ.
Chuyên gia giúp bạn trẻ nhận diện và vượt thoát áp lực đồng trang lứa. |
Các bạn học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh tại buổi ngoại khóa. |
TS Nguyễn Hữu Long - Giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM – khuyên bạn trẻ hãy yêu lấy bản thân mình, đừng tự huỷ hoại bản thân bằng cách này, cách khác.
“Ba mẹ đã cực nhọc đi làm bên ngoài, chưa kể cũng chịu nhiều tổn thương để mang tiền về nuôi mình. Cho nên chúng ta hãy cố gắng nghĩ tới họ, đặc biệt là các anh em trong nhà phải yêu thương và bao bọc lẫn nhau. Hãy làm tròn bổn phận con cái, yêu thương và chở che cho những người thân của mình”, Ts Long chia sẻ.
Ông cũng bày tỏ, mỗi khi gặp phải overthinking, cách đơn giản nhất là nên dừng suy nghĩ đó lại và có thể uống một ly nước, xem một bộ phim hay thưởng thức một bài hát để làm gián đoạn suy nghĩ, giảm trạng thái căng thẳng.
Đại diện Ban tổ chức trao hoa cám ơn các diễn giả. |
Trong năm học 2023 - 2024, chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" sẽ đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, giảm stress trong học tập, chọn ngành chọn nghề...