Để làm áo tơi, việc đầu tiên là phải kiếm tre và dây mây. Tre trước cửa nhà nên không cần lo, chỉ lo nỗi phải lên rừng tìm bứt dây mây. Nói tới dây mây là thấy đau liền. Mây mình dây, thân và lá toàn là gai, những chiếc gai nhọn hoắt. Bứt dây mây, công việc này hoàn toàn không dễ, đặc biệt với một phụ nữ. Mẹ bảo có bí quyết hết. Chỉ cần cắt gốc mây rồi bỏ lưỡi rựa đè lên gốc, lấy chân đè lên rựa rồi dùng tay rút thật mạnh gốc mây thì lá và gai mây sẽ nằm ở bên kia cán rựa còn trên tay ta sẽ là sợi mây trắng dài.
Tìm được những thanh tre và dây mây để làm khung rồi thì phải lên rừng hái lá nón (quê tôi gọi là lá mật cật) để chằm áo.
Hồi nhỏ tôi thích được ngồi xem mẹ làm một chiếc áo tơi. Không công phu nhưng tỉ mỉ và cẩn trọng.
Để có một chiếc áo tơi thì phải làm sườn áo. Sườn áo tơi khoảng tám tấc rộng, chiều cao thì từ một đến một mét năm. (Tùy chiều cao của từng người trong gia đình mà làm khung cho vừa khổ). Khung áo là bốn thanh tre làm trụ và những dây mây chằng ngang. Chiều cao của áo tơi đủ che thân người, từ cổ trở xuống.
Có khung rồi thì chằm lá. Lấy những chiếc lá nón đã được phơi khô, chọn lá không rách, vuốt thẳng và sắp liên tiếp, mép chồng lên nhau cho kín kẽ. Khi đã sắp rộng đến độ rồi thì cầm phần đầu bẻ lại, lấy vật nặng đè lên cho thẳng thớm rồi lấy sợi mây bỏ ngang lên và may. Làm như vậy thì lá sẽ nằm giữa hai sợi mây, một sợi đã đính sẵn trên khung và một sợi mới gác. Và cứ như thế, hết hàng này đến hàng khác cho đến hết.
Tôi thích ngồi xem mẹ làm áo tơi nhưng không thích mặc. Tôi thà ướt cóng chứ nhất quyết không chịu mang áo tơi tới trường. Xấu hổ cực kì. Tôi nhiều khi còn oán mẹ hà tiện, không mua cho con gái cái áo mưa đẹp đẽ đi học nữa. Thì bạn cứ hình dung, áo tơi chỉ che tới cổ nên khi mặc phải đội nón. Khỏi nói, mặc chiếc áo tơi đội nón đến trường thì chẳng khác chi con kênh kênh mang vở đi học. Khéo chọc cười mấy đứa! Tôi thà dùng miếng nhựa mỏng lót bên trong bao phân u - rê giặt sạch để đi học, ướt một chút nhưng “thẩm mĩ” hơn áo tơi nhiều.
Đi học không chịu mặc áo tơi nhưng ra đồng thì cực thích. Cũng tại chăn bò ngày mưa rất lạnh. Đồng không mông quạnh, gió thổi rạt rào, mưa bập bùng tứ phía, bò chê cỏ ướt xách mỏ đi ăn rong, phải dầm chân dưới nước theo bò nên lạnh từ trong ruột lạnh ra. Cũng nhờ vậy mà tôi mới biết sự lợi hại của chiếc áo tơi.
Áo tơi nặng nề, cồng kềnh nên bất tiện khi đứng ngồi, khổ nhất là không thể xếp lại gọn gàng được. Bù lại, điểm ưu việt nhất của áo tơi là mặc vào rất ấm. Dù mưa ầm ào, gió ù ù thốc thì người mặc áo tơi vẫn thấy ấm. Thì bởi áo tơi dày dặn, vững chắc nên mưa to gió lớn cỡ nào cũng không có nước len được vào bên trong. Nếu nước mưa tạt vào áo tơi thì mây và lá nón khô sẽ nở ra, áo lại càng kín hơn. Mặc áo tơi ngoài mưa cũng giống như đang ngồi trong nhà vậy. Còn nhớ có lần tôi theo mẹ ra đồng bắt cá, trời mưa tầm tã, mẹ lặn lội dưới đìa, khi đem cá lên bờ thì thấy tôi đã cuộn tròn trong chiếc áo tơi mà ngủ, nhìn thấy thương lắm – mẹ cười hi hi.
Mẹ con đang vui vẻ trò chuyện về chiếc áo tơi ngày xưa thì mẹ bất ngờ hỏi, bây giờ áo mưa, ô dù nhiều quá nên chắc thanh niên không biết chiếc áo tơi ? Tôi liền kể với mẹ về quán cà phê Hương Đồng dưới phố có bày chum, lọ, cối xay, gióng, thúng, sàng, nia… vân vân và vân vân. Quán trưng tất tật những dụng cụ thiết yếu của nhà nông ngày xưa nhưng vẫn thấy thiếu chiếc áo… tơi.
Mẹ chăm chú nghe tôi nói rồi nheo nheo mắt nhìn về hướng núi bảo, nếu còn sức khỏe, chắc mẹ sẽ đi bứt mây, hái lá về làm áo tơi đem tặng cho quán cà phê đó.