Áo dài Việt Nam trên đường tới di sản UNESCO

Hình ảnh trong Lễ hội Áo dài Hội An hôm 14/6 mở đầu chuỗi sự kiện tôn vinh áo dài năm 2020
Hình ảnh trong Lễ hội Áo dài Hội An hôm 14/6 mở đầu chuỗi sự kiện tôn vinh áo dài năm 2020
TP - Tuần lễ Áo dài-Di sản văn hóa Việt Nam, lễ hội áo dài được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành nằm trong chuỗi hoạt động ráo riết chuẩn bị ghi danh áo dài vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO.

TINH THẦN VIỆT

 “Dù nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam, nhưng từ lâu nó được đa số nhân dân mặc định là áo dài dân tộc hay trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia (VHNT) Việt Nam nhận định. Áo dài phổ cập trong đời sống xã hội, ở mọi tầng lớp cả ở nghĩa thường phục và lễ phục. Ông nhìn nhận áo dài mang tính xã hội cao, là thành quả lao động, sáng tạo của nghệ nhân, người sáng tạo, thiết kế và sản xuất để phản ánh vẻ đẹp, bộc lộ nét tâm hồn, tính cách và nhân sinh quan của người Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn chỉ rõ áo dài không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Áo dài Việt Nam trên đường tới di sản UNESCO ảnh 1

Mẫu của NTK Phương Thanh chủ đề “Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế” 


Nhà thiết kế Lê Sĩ Hoàng, nhà sáng lập Bảo tàng Áo dài có nghiên cứu khá sâu về triết lý âm dương trong áo dài Việt Nam. Đây là triết lý thể hiện văn hóa bản địa trải qua bao thăng trầm lịch sử và sự hi sinh của cha ông gìn giữ phong tục, tập quán để đấu tranh chống lại sự đồng hóa của phương Bắc. Áo dài thể hiện rõ đặc điểm tính cách của phụ nữ Việt Nam, đẹp một cách tế nhị, kín đáo, cái đẹp ngoại hình phải thấy được sự dịu dàng, ý tứ và đạo đức bên trong. Áo dài cũng lan toả tới các trung tâm thời trang tại Paris, New York, Milan, Tây Ban Nha... qua những bộ sưu tập với góc nhìn cảm hứng sáng tạo mới từ áo dài Việt nam của các nhà thiết kế như Giorgio Armani, Ralph Lauren, Calvin Klein, Roberto Venno. 

Dành ba chục năm thiết kế áo dài, Sĩ Hoàng nhận ra ngoài giá trị thẩm mỹ bền vững đi cùng thời gian tạo nên giá trị đạo đức cho người mặc, áo dài còn mang cả giá trị triết lý âm dương-được các nhà khoa học liên ngành của Việt Nam và Trung Quốc thừa nhận khái niệm âm dương có nguồn gốc phương Nam. Điều này thể hiện rõ trong chất liệu may áo dài ở lựa chọn chất liệu đậm chất nông nghiệp từ nguồn gốc thực vật, mỏng, nhẹ, thoáng phù hợp với xứ nóng, cho tới  kiểu dáng, màu sắc. 

BẢO HỘ BẢN QUYỀN

 Nhà thiết kế Sĩ Hoàng nêu ý kiến, áo dài cần trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Gìn giữ trang phục truyền thống không chỉ dừng lại ở bảo tồn, quan trọng đưa vào đời sống thực tế của thời đại ta đang sống. Việt Nam có 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, áo dài gắn với sáu di sản từ quan họ, ca trù, hát xoan, ví giặm, đờn ca tài tử cho tới thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. “Di sản văn hóa phi vật thể áo dài cần được công nhận. Khi đã là sản phẩm tinh thần gắn với cá nhân, cộng đồng, vật thể và không gian văn hóa liên quan, nó có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học thể hiện bản sắc dân tộc, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, Sĩ Hoàng nói. 

Ghi danh áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước quan trọng, là nền tảng để xây dựng hồ sơ áo dài trình UNESCO theo Công ước 2003. Ý tưởng này không mới, nhưng gần đây càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Lo ngại này không vô căn cứ, bởi hai năm trước từng xảy ra sự việc trang phục Trung Quốc na ná áo dài, rồi gần nhất là Ne Tiger sao chép thiết kế của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, biến thành trang phục Trung Quốc trong bộ sưu tập tại Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân-Hè 2019. “Việc khẳng định bản quyền áo dài của Việt Nam cần được đặt ra một cách cấp thiết và nhanh chóng thực hiện”, GS.TS. Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam nói. 

 Bà nói rằng, chúng ta từng mất thương hiệu nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên và rất vất vả mới giành lại được. Do vậy, với áo dài, nếu không quyết liệt thì dễ dẫn tới mất bản quyền. GS. Loan đề xuất nhà nước cần có chính sách bảo hộ tương thích, trước đó cần công bố áo dài là quốc phục Việt Nam. Các nhà thiết kế cần đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một số bộ sưu tập, mẫu thiết kế. “Cần chiến lược lâu dài xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghiệp áo dài riêng mang thương hiệu Việt Nam. Muốn thế, việc may mặc, quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia”, GS.TS. Từ Thị Loan góp ý.

XÂY DỰNG HỒ SƠ ÁO DÀI TRÌNH UNESCO

Bộ VHTTDL, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quan, giá trị và bản sắc”, sáng 26/6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, khách mời, nghệ nhân và nhà thiết kế đã tham luận, thảo luận để làm rõ lịch sử hình thành và phát triển áo dài, nhận diện giá trị, bản sắc và biểu tượng của áo dài Việt Nam và chủ đề quan trọng về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa áo dài. Trong số các tham luận, một số nhà nghiên cứu chỉ ra thách thức cũng như kinh nghiệm để xây dựng hồ sơ di sản cho áo dài trình UNESCO. PGS.TS. Nguyễn Thị Hiền cho rằng, muốn xây dựng hồ sở di sản trình UNESCO, chúng ta cần xác định khía cạnh phi vật thể của áo dài để đưa ra tên, nội hàm, xác định cộng đồng chủ thế, trung tâm di sản, vùng lan tỏa và kiểm kê di sản. 

ÁO DÀI-TIẾNG NÓI VIỆT NAM

Nhà thiết kế trẻ Hà Duy là một trong số các nhà thiết kế đang dốc sức tham gia lễ hội áo dài di sản. “Là người trẻ không được chứng kiến quá nhiều bước phát triển của áo dài như nhà thiết kế gạo cội Minh Hạnh và Sĩ Hoàng, tôi luôn thấy tự hào khi được làm áo dài. Khi đưa áo dài trình diễn trong nhiều sự kiện quốc tế, người nước ngoài luôn trầm trồ và gọi rõ tên áo dài. Đưa áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có thể tiến tới di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là chính là bảo vệ áo dài. Bởi áo dài là tiếng nói riêng của Việt Nam”, Hà Duy nói. 

MỚI - NÓNG