Trang web của Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Dominica, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Guernsey, Ngân hàng Trung ương Maldives và Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã phải ngừng dịch vụ trong một thời gian ngắn hôm 6/5. Trong khi đó, Ngân hàng Quốc gia Panama và Ngân hàng Trung ương Kenya cũng gặp tình trạng tương tự một ngày sau.
Cũng bằng phương thức tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), cuộc tấn công còn nhằm vào Ngân hàng Trung ương Mexico và Ngân hàng Trung ương Bosnia và Herzegovina. Tuy nhiên, website của các ngân hàng chịu ảnh hưởng bởi nhóm hacker Anonymous đều đã hoạt động trở lại.
Ngày 4/5, đại diện Anonymous lên tiếng: "Chúng tôi sẽ không cho phép các ngân hàng giành chiến thắng, chúng tôi sẽ hack vào đây như một trong những cuộc tấn công lớn nhất từng thấy trong lịch sử Anonymous".
Một thành viên của nhóm hacker cho hay: "Ngân hàng Quốc gia Panama được xem là mục tiêu đặc biệt quan trọng trong vụ Hồ sơ Panama. Chúng tôi muốn chắc chắn những kẻ tham nhũng, ở mọi tầng lớp, đều được lôi ra ánh sáng".
Với cuộc tấn công trước đó vào Ngân hàng Trung ương Hy Lạp và Ngân hàng Trung ương Síp, Anonymous đã nhắm đến ít nhất 10 nhà băng trong 160 ngân hàng được lên danh sách trước đó. Những hacker này dự định mở cuộc tấn công kéo dài một tháng vào toàn ngành tài chính, tiền tệ thế giới.
Trong danh sách của Anonymous còn có những tên tuổi lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Anh và Thị trường Chứng khoán New York.
Ngành ngân hàng gần đây chịu hàng loạt vụ tấn công từ các tin tặc. Đợt đánh cắp trên mạng vào Ngân hàng Bangladesh gây thất thoát 81 triệu USD (âm mưu của hacker lên tới gần 1 tỷ USD), Ngân hàng Quốc gia Qatar bị rò rỉ dữ liệu là hai vụ mới nhất, đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề bảo mật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng toàn cầu.