Tìm giở những bức ảnh chụp trong chuyến đi gần đây nhất, tôi nhớ về một Nepal tràn đầy ánh sáng. Và tôi cũng nhớ về một thủ đô Kathmandu với vẻ đẹp bản sắc đầy mê hoặc.
Nepal có vẻ đẹp thánh thiện và cổ kính.
Lần đó, sang Nepal công tác, kéo tấm rèm cửa sổ khách sạn, tôi ồ lên vui mừng: trước mặt tôi là rặng núi Himalaya trập trùng hùng vĩ. Dưới bầu trời trong xanh không một gợn mây, đỉnh Everest nhô lên kiêu hãnh, tuyết phủ trắng xóa. Tọa lạc trên triền núi phía Nam của dãy Himalaya, phía Bắc giáp với Trung Quốc, phần còn lại giáp Ấn Độ, Nepal được nhiều du khách biết đến chính bởi đỉnh Everest tuyết phủ 6 tháng trong năm này.
Chuyến công tác này thật đặc biệt, vì tôi sang Nepal đúng vào dịp lễ hội Tihar của người Hindu: lễ hội ánh sáng tôn vinh Nữ thần Laxmi, nữ thần của sự thịnh vượng. Và thật may mắn cho tôi, cô bạn đồng nghiệp Moushumi Shrestha đã hẹn sẽ đến đón tôi về nhà bố mẹ của cô ấy để kịp dự buổi lễ Bhai Tika- buổi lễ mà người phụ nữ Nepal chúc phúc cho anh trai của mình.
Đúng giờ đã hẹn, Moushumi Shrestha có mặt ở khách sạn. Xe chở tôi qua những con đường ngoằn
ngoèo đông đúc người lại qua. Những bộ quần áo của các cô gái bay bay trong gió như những cánh bướm rực rỡ. Nắng vàng ươm đổ tràn từ bầu trời xanh, tạo nên một bức tranh thanh bình và thơ mộng. Tôi hít một hơi dài. Những mệt mỏi sau chuyến bay trong tôi tan biến, và sự háo hức ùa vào trong tôi. Tôi biết rằng, trải nghiệm văn hóa chính là trải nghiệm quý nhất của một chuyến hành trình khám phá một đất nước.
Moushumi tiến hành lễ Bhai tika cùng anh trai.
Những lễ hội kỳ lạ
Moushumi giải thích với tôi rằng, lễ hội Tihar được tổ chức trong suốt năm ngày, bao gồm nhiều phong tục độc đáo.
Ngày thứ nhất, còn gọi là ngày ‘Kag tihar’ - ngày tôn vinh... quạ. Trong ngày này, trước khi ăn sáng, các gia đình kết một đĩa bằng lá cây và bày đồ ăn ngoài trời, mời các con quạ ăn trước. Người Nepal tin rằng quạ là người mang tin của thần chết. Một truyền thuyết cho rằng có một chú quạ đã uống nước của sự sống. Nếu chú quạ này chết thì sự sống trên trái đất sẽ hết. Vì thế, ở Nepal, quạ tha hồ sinh sôi nảy nở mà không bị ai giết hại.
Ngày thứ hai, còn gọi là ngày ‘Kukur tihar’ - ngày tôn vinh...chó. Chó làm rất nhiều việc để giúp con người. Một truyền thuyết Nepal cũng cho rằng chó là người canh cổng xuống địa ngục và chó cũng là con chiến mã của vị thần Bhairab - vị thần hủy diệt. Vì thế vào ngày thứ hai của lễ hội Tihar, người ta tôn vinh chó bằng cách dán một nốt đỏ to (tika) lên trán chúng, quàng một vòng hoa rất đẹp quanh cổ, rồi thết đãi chúng một bữa ăn thật thịnh soạn. Trong ngày thứ hai của Tihar, đường phố tràn đầy những con chó lang thang và những con chó nuôi lủng lẳng vòng hoa quanh cổ.
Ngày thứ ba, ‘Laxmi puja’ - là ngày quan trọng nhất trong lễ hội. Trong ngày lễ này, người ta tôn vinh chúa của sự thịnh vượng - con bò. Bò là con vật linh thiêng của người Hindu - đại diện cho sự thịnh vượng (vì thế người có đạo Hindu không bao giờ ăn thịt bò). Trong ngày lễ này, bò được dán nốt đỏ tika lên đầu, quàng vòng hoa qua cổ và được ăn uống no nê. Người ta đem phân bò rải quanh nhà, uống một-hai giọt nước tiểu của bò để tẩy uế cho thể xác và tâm hồn họ. Họ còn nhúng 1 cọng cỏ vào nước tiểu của bò và vẩy cho những người xung quanh.
Ngày thứ tư của lễ hội là thời điểm tôn vinh nữ thần Laxmi. Từ nhiều ngày trước, nhà cửa khắp nơi được dọn dẹp lau chùi để đón nữ thần. Khi tối đến, ngoài cửa chính của mỗi ngôi nhà, người ta tô đỏ một mảng tường và đặt trên đó một ngọn đèn dầu, rồi vẽ một đường đi đến hòm đựng tiền và đồ vật có giá trị trong gia đình. (Trong mỗi gia đình người Nepal đều có một hòm đựng tiền được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - hòm tiền để thờ phụng nữ thần Laxmi. Số tiền này không ai được dùng đến trừ trường hợp hết sức cấp bách). Cả ngôi nhà được thắp ngời bởi rất nhiều ngọn đèn dầu được đặt cạnh tất cả các cửa và trên cửa sổ. Các cô gái tụ tập hát các bài hát ca ngợi nữ thần ánh sáng Laxmi và người ta đánh bài sáng đêm. Nepal không ngủ trong đêm của lễ hội tôn vinh nữ thần ánh sáng.
Ngày thứ năm "Bhai tika"- là ngày các phụ nữ tôn vinh anh, em trai của mình. Từ cả tuần trước ngày lễ, các bà các cô nhộn nhịp tự tay kết hoa, làm bánh, chuẩn bị quà cho anh, em trai. Họ đợi đến ngày này để đem đến nhà anh, em trai những món quà mà họ đã chuẩn bị cẩn thận và công phu. Sau đó, tất cả cùng làm lễ cầu mong cho anh, em trai mạnh khỏe và thành đạt suốt đời.
Em bé Nepal trước cửa hiệu bán đồ cổ.
Thương yêu và hòa thuận
Câu chuyện của Moushumi lôi cuốn tôi đến nỗi xe xịch đỗ trước cửa nhà cô lúc nào không biết. Cả nhà đã quầy tụ đông đủ, mọi người vui vẻ chào đón tôi. Buổi lễ Bhai Tika diễn ra trang trọng và đầy yêu thương. Đầu tiên, anh trai của Moushumi được mời vào chỗ ngồi. Moushumi vẽ và trang trí một vòng hoa thật đẹp trước mặt anh - để tượng trưng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của anh. Rồi cô rước nến, bôi dầu, vảy nước, dán tika lên trán anh trai... nhằm mang đến may mắn và bình an cho anh trai của mình. Sau khi Moushumi tặng quà cho anh trai, người anh cũng tặng cô những món quà mà anh đã chuẩn bị từ trước. Lễ tôn vinh anh em trai được diễn ra với sự chứng kiến của bố mẹ, những người tỏ rõ sự vui mừng khi nhận thấy sự đoàn kết và thương yêu của con cái mình. Cha của Moushumi kể với tôi rằng phong tục tôn vinh anh, em trai quan trọng đến nỗi vào ngày hôm trước, đài phát thanh quốc gia sẽ thông báo tiên đoán của một nhà tiên tri về thời điểm cụ thể trong ngày để tiến hành lễ Bhai Tika.
Sau buổi lễ Bhai Tika, tất cả những thành viên trong gia đình của Moushumi quần tụ, nấu nướng, ăn uống vui vẻ. Người Nepal có tinh thần gia đình rất đoàn kết và lễ hội Tihar (đặc biệt là ngày tôn vinh anh/em trai) cũng là ngày họ bỏ qua mọi giận hờn, xích mích để vui vẻ chúc phúc cho nhau. Gia đình Moushumi hỏi tôi rất nhiều điều về phong tục Việt Nam, và tôi nói rằng cũng có điểm tương đồng giữa lễ hội Tihar và Tết Việt Nam: vào dịp Tết, người ta dễ tha thứ cho nhau những lỗi lầm đã qua để hướng tới một sự khởi đầu mới bình an.
Kathmandu đang vào mùa đông, nhưng đây là những ngày đẹp nhất trong năm. Trời luôn trong xanh thăm thẳm. Ở văn phòng và khách sạn, tôi có thể nhìn thấy đỉnh nhấp nhô của rặng núi Himalaya tuyết phủ trắng xóa. Sau những buổi làm việc căng thẳng, tôi quẳng tất cả mọi lo toan, luồn lách qua những con phố nhỏ để khám phá từng ngóc ngách của Kathmandu. Những đền thờ hàng trăm năm tuổi vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, với những hoa văn vô cùng tinh xảo. Những truyền thuyết cổ tích đã được ghi dấu vào những bức tượng, những nét trạm trổ ở khắp mọi nơi.
Trên đường phố Nepal, tôi để ý có rất nhiều bò thả hoang, vì người Hindu không ăn thịt bò, vì bò là con vật linh thiêng. Bò tự tìm thức ăn và khi quá già thì chúng… lăn ra chết trên đường phố. Một điều thú vị nữa là: công chức Nepal làm việc vào ngày Chủ Nhật (nghỉ cuối tuần vào ngày thứ Bảy). Nepal có nhiều lễ hội đến mức mỗi năm nhà nước cho phép người dân nghỉ lễ tổng cộng... 49 ngày.
Buổi chiều của ngày cuối cùng, một đồng nghiệp đã đưa tôi đến khu vực Pashupatinath, cạnh dòng sông Bagmati. Khi gần đến nơi, tôi thấy phả vào mũi một mùi khét lẹt như mùi…thịt, quần áo, tóc cháy. Nhìn xuống triền sông, một ngọn lửa đang bao phủ lấy một thân người. Đồng nghiệp của tôi giải thích rằng, người Hindu tin rằng lửa và nước sẽ giúp thanh tẩy người chết, giúp linh hồn họ siêu thoát, không còn phải vướng bận với thân thể và thế giới xung quanh. Đối với người Nepal, sông Bagmati thiêng liêng như sông Hằng tại Ấn Độ, vì thế ngày nào ở nơi đây cũng có việc hỏa thiêu của nhiều người đã chết.
Chỉ cần đợi khoảng 10 phút, tôi lại có thể chứng kiến một cảnh hỏa thiêu mới: thân thể một người phụ nữ đã chết được đưa khỏi quan tài, đặt lên một giàn hỏa thiêu khá đơn giản và tồi tàn trên sông. Hoa được trải trên người bà và một số nghi lễ được thực hiện. Sau đó người chồng đau khổ của bà đi quanh bà ba vòng, rồi người ta châm lửa. Thân người chết cong lên và khói bốc lên khét lẹt. Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, tôi không khỏi rợn người. Đứng ở đó, tôi nhận diện rõ hơn sự mong manh của kiếp người.
Nhưng cũng chính ngọn khói hỏa thiêu hôm đó bên dòng Bagmati đã chiếu rọi vào tôi ánh sáng, nhắn nhủ tôi rằng hãy sống hết lòng với cuộc sống này, trước khi trở về cùng cát bụi.
Cầu nguyện cho Nepal, tôi mong rằng người Việt chúng ta hãy chung tay chia sẻ cho những nỗi đau và mất mát của người Nepal. Và tôi tin rằng, với ánh sáng của một nền văn hóa lâu đời, với tình yêu thương và lòng quả cảm, Nepal sẽ đứng lên từ sự hoang tàn đổ nát hôm nay để tiếp tục tỏa sáng trong những tháng ngày sắp tới.
Với dân số gần 29 triệu người, Nepal là một đất nước có nền văn hóa lâu đời, phong phú và đặc sắc. 86% dân số theo Ấn Độ giáo (còn gọi là đạo Hindu), 7,8% theo Phật giáo, 3,8% theo Hồi giáo và các đạo khác chiếm 2,2%.