Có thể kể đến Quách Thị Lan và Quách Công Lịch, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Trọng Cường (Taekwondo), Hoàng Danh Ngọc, Hoàng Nhật Nam (bóng đá), Từ Hoàng Thông, Từ Hoàng Thái (Cờ vua), Quế Ngọc Mạnh, Quế Ngọc Hải (Bóng đá), Ngô Văn Công, Ngô Văn Kiều (Bóng chuyền)… Nhưng cặp anh em sinh đôi như Minh Thiện, Minh Chí, hai VĐV sẽ tham gia thi đấu ở giải Vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong 2022 tại Côn Đảo, đều theo nghiệp thể thao thì rất hiếm gặp.
Minh Chí (trái)-Minh Thiện cùng gặt hái thành công ở Tiền Phong Marathon. Ảnh: CTV |
Đồng đội kiêm nhân viên mát-xa miễn phí
Minh Chí và Minh Thiện (đoàn Bộ đội biên phòng) sinh năm 2003 ở Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội. Cả gia đình Thiện-Chí không có ai theo thể thao. Môn thể thao hai anh em đam mê ban đầu không phải là chạy bộ mà là cầu lông. Cả hai từng thi đấu cầu lông cấp giải học sinh. Trong một lần tình cờ, thầy giáo ở trường cấp 2 Lệ Chi gọi cả Thiện và Chí tham gia giải chạy và từ đó phát hiện ra tiềm năng của hai anh em. Thỉnh thoảng, sự giống nhau như hai giọt nước khiến thầy cô giáo đành phải gọi tên chung “Chí Thiện” khi muốn gọi bất kỳ một trong hai người trả bài.
Minh Chí theo con đường thể thao chuyên nghiệp từ năm 2017 còn Minh Thiện bước vào chậm hơn em mình 1 năm. “Sau khi được thầy gặp nói chuyện về môi trường thể thao trong quân đội, bố mẹ chúng tôi yên tâm, hoàn toàn ủng hộ và đầu tư cho hai anh em theo nghiệp thể thao. Anh Thiện lớn hơn tôi nhưng về tuổi nghề thì tôi lại hơn anh mình 1 năm khi tôi thi đỗ vào đoàn Biên phòng trước còn anh Thiện thì trượt và phải thi lại năm sau. Có thể tự hào nói rằng ở môn điền kinh khó có ai được bố mẹ chiều như chúng tôi. Hằng tuần, bố mẹ đi xe từ nhà lên trung tâm, mang theo thuốc bổ dưỡng để thăm con. Mỗi khi có giải thi đấu ở Hà Nội, bố mẹ đều ra sân cổ vũ. Hai anh em rất thương bố mẹ và quý nhau hết mực”, Minh Chí chia sẻ với Tiền Phong.
Được tập chung đội với nhau, Thiện - Chí có nhiều lợi thế mà khó có VĐV điền kinh nào bì kịp. “Chúng tôi thường chia sẻ và cùng nhau khắc phục các hạn chế khuyết điểm của mỗi người. Khi tập luyện, ai dư sức chạy lên trước kéo người yếu. Người khỏe chăm người ốm đau và đặc biệt, mát-xa phục hồi cho nhau sau mỗi buổi tập”, Thiện kể.
Hình mẫu Đỗ Quốc Luật và Mo Farah
Đoàn Biên phòng là một trong những đoàn sở hữu những chân chạy đường dài hàng đầu, đóng góp nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam. Chính vì thế, những “cây đa, cây đề” của đội là hình mẫu để hai anh em Thiện - Chí hướng đến để noi theo.
“Tấm gương của hai anh em tôi là anh Đỗ Quốc Luật và Mo Farah. Anh Luật đóng góp nhiều cho đơn vị cũng như thể thao nước nhà nhờ sự bền bỉ và nếp sống kỷ luật, gương mẫu. Còn Mo Farah là hình mẫu VĐV thành công muộn. Anh ấy tỏa sáng liên tiếp tại 2 kỳ Olympic 2012 và 2016 ở các cự ly 5.000m và 10.000m”, Minh Chí cho biết.
Cho đến nay, Minh Thiện mới tham dự Tiền Phong Marathon được 2 mùa còn người em Minh Chí đã góp mặt ở 4 mùa giải Tiền Phong Marathon. Thành tích tốt nhất ở giải Tiền Phong của Minh Chí là nhất nam thiếu niên 5km (năm 2018) và nhất trẻ 10km năm 2021. Trong khi đó, Minh Thiện từng giành HCV đồng đội nam trẻ 10km năm 2020.
“Giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong rất đặc biệt đối với chúng tôi. Đây là giải đấu có truyền thống lâu đời của điền kinh Việt Nam, là cơ sở để phát hiện những tài năng chạy đường dài cho Việt Nam và triệu tập lên ĐTQG. Mục tiêu của cả 2 anh em trong 3-5 năm nữa cố gắng phấn đấu nằm trong tốp tranh huy chương của nam tuyển bán marathon hoặc marathon Việt Nam. Ngoài việc cọ xát chuyên môn với nhiều VĐV hàng đầu của các đơn vị khác, chúng tôi rất vui được chạy giao lưu với các cô chú, anh chị trong cộng đồng chạy bộ vốn chỉ biết nhau qua mạng. Hai anh em rất khâm phục và học hỏi được nhiều từ tính độc lập, kỷ luật và kiến thức chuyên môn của mọi người”, Minh Chí bày tỏ.